Sài Gòn thương còn hổng hết (do NXB Văn học ấn hành) của Hoàng My là tác phẩm viết về những câu chuyện đời thường qua lăng kính và cảm nhận sâu sắc của tác giả trong những năm tháng mưu sinh ở Sài Gòn.
Chương trình giao lưu bắt đầu nhẹ nhàng bằng những giai điệu về Sài Gòn: “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi…” mang đến cảm giác gần gũi, bâng khuâng cho những người tham gia chương trình, bên cạnh đó còn có những món “quà quê” để dành tặng cho người hâm mộ do chính tác giả tự tay chuẩn bị.
|
Có mặt tại buổi ra mắt sách, nhà báo Bạch Mai (nguyên phóng viên Báo Phụ Nữ) - một người bạn thân thiết của tác giả chia sẻ: “Những câu chuyện đời thường trong cuốn sách tưởng chừng rất bé nhỏ mà ta gặp đâu đó trong một thành phố lớn, được cảm nhận bởi một người con gái Bạc Liêu đã chọn Sài Gòn - TP.HCM là "nhà" từ hơn 20 năm nay. Với giọng kể nhẹ nhàng, quan sát tinh tế, sự trải nghiệm và suy ngẫm sâu sắc, Sài Gòn hiện lên bình dị thân thương, hiền hòa mà phóng khoáng, là nơi không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, độ lượng và bao dung... để người viết phải thốt lên 'thương còn hổng hết'. Tôi đồng cảm với thông điệp từ những trang viết của Hoàng My: Có một Sài Gòn thật bộn bề, hối hả, kiêu sa nhưng cũng thật bình dị, nghĩa tình, thân thương. Hãy chậm lại, chậm lại để cảm nhận, để thương hết Sài Gòn...”
|
|
Thậm chí, chị Bạch Mai còn vinh dự lại là một nhân vật được tác giả đưa vào trong tập sách. Chị Mai tậm sự trên trang cá nhân: “Cuốn sách này có 40 bài viết ngắn, ngay bài đầu tiên, tôi đã cảm thấy My viết về... mình. Tựa là 'Người già trong thành phố' với câu mở đầu khiến mình choáng váng: Buổi sáng. Chị Mai, đồng nghiệp của tôi, hay đi làm trễ... Hahaha... My chơi kỳ nha. Đùa chút thôi, chứ My dòm đủ thứ hết, viết đủ thứ hết... Từ xe buýt, xe xôi, xe ôm đến quán sách, sạp báo, sân bay, cây sa kê trên hè phố và cả mái nhà. My ơi, em làm cho bà già mưa này ghen tỵ hết sức. Sống ở Sài Gòn từ nhỏ tới giờ mà có viết cho Sài Gòn miếng nào đâu”.
Mọi thứ đời thường thật nhẹ nhàng được Hoàng My thủ thỉ nhắc đến, vậy mà nhớ mà thương. Từng con chữ càng đọc càng thấm vào gan ruột đã khiến cho Sài Gòn thương còn hổng hết: Đó là tâm trạng nhớ mẹ của đứa con xa quê, mà Hoàng My kể như nói hộ thay cho mọi người: “Sài Gòn mùa này hay mưa bất chợt. Mỗi khi trời chuyển giông gió, lòng bỗng chênh chao nhớ mẹ, một mình ra vào trong căn nhà vắng, chắc mẹ chẳng yên lòng. Thương lũ con đang lặn lội nơi xa…”.
Đó còn là câu chuyện trên chuyến xe tang đưa đám bà ngoại, bỗng dưng nhà văn chợt hiện lên sự ăn năn "nếu còn sống, biết đến khi nào ngoại mới có được một chuyến đi dạo phố như thế này... chắc phải mấy năm rồi không ai nghĩ đến việc đưa ngoại ra ngoài chơi một chút đặng khuây khỏa".
|
|
Hay món quà quê của ba Hoàng My gởi tặng: ‘Một tháng đôi ba lần tôi hoặc em trai ra nhà xe để nhận hàng… Có khi được dịp, ba còn gởi cả cá tôm lên cho cháu. Rồi con gà vườn làm sẵn, trữ lạnh cho hai đứa nhóc tì vốn chỉ thích gà thả. Tiền gởi xe có khi nhiều hơn giá trị của cả cái thùng mút hàng hóa ấy. Vậy mà lần nào chở cái thùng được ràng chặt phía sau xe, chạy thênh thang giữa phố phường đông người, tôi đều thấy lòng mình rưng rưng… Rồi chợt nhớ ra ba mình nay cũng đã có tuổi, năm tháng chẳng đợi một ai. Như mảnh vườn kia cũng đã già cỗi lắm rồi, vẫn gượng dành cho chúng tôi những thơm thảo ngọt lành cuối mùa…”.
Những dòng chữ mộc mạc mà cứ đong đầy trong Sài Gòn thương còn hổng hết, khiến người đọc lòng cứ rưng rưng, thử hỏi làm sao mà không càng yêu và càng thương Sài Gòn cho đặng.
Bình luận (0)