Nhà văn Huỳnh Dũng Nhân vẽ tranh cổ động phòng, chống dịch Covid-19 dù tai biến

25/08/2021 11:23 GMT+7

Hẳn độc giả từng quen thuộc tên tuổi nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân với những phóng sự đình đám một thời trên Báo Lao động. Sau này về hưu, ông miệt mài ngồi vẽ để khuây khỏa trong thời gian điều trị bệnh tai biến.

Mỗi ngày trong căn hộ của nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân nằm ở trung tâm Sài Gòn - TP.HCM, nhớ tới người bạn nào là ông lại hí hoáy cầm cọ vẽ chân dung, rồi hoàn thiện và nhẹ nhàng gửi qua email để "khoe" với mọi người.
Thỉnh thoảng ông lại lấy tranh ra đăng trên trang Facebook để cộng đồng mạng cùng xem. Ai cũng đều vui khi xem những "đứa con tinh thần" mà nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân lao động cật lực có được và gửi lời động viên. Ông vui lắm.
Cho đến đợt giãn cách xã hội mới nhất tại TP.HCM, khi nghe tin có bộ đội vào phối hợp cùng các lực lượng khác kể từ ngày 23.8 để lo cho dân, nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân chợt nảy ra ý định vẽ tranh cổ động về sự kiện này.

Nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân từng là cây phóng sự của báo Lao động

Ảnh: NVCC

Nhà văn - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tâm sự: “Dù đã nghỉ hưu , nhưng tôi vẫn muốn dùng ngòi bút và cây cọ để đóng góp gì đó cho công cuộc phòng, chống dịch bệnh. Tôi thấy loại tranh cổ động là thích hợp nhất vì tranh cổ động mang thông điệp rõ ràng, tranh nói thay mình những suy nghĩ mình muốn truyền tải đến mọi người".
Cũng theo Huỳnh Dũng Nhân: "Tôi vẽ nhiều và vẽ nhanh, tấm sau có tiến bộ hơn tấm trước, tôi vừa vẽ vừa rút kinh nghiệm rằng tranh cổ động nên vẽ khoảng 3 màu đậm, màu trung gian và màu sáng. Đường nét phải khỏe. Mảng miếng nhiều và ít chi tiết lặt vặt, bố cục thì nên theo luật viễn cận, có chính có phụ, và quan trọng nhất là đưa ra được thông điệp rõ ràng dễ hiểu".

Tranh cổ động của Huỳnh Dũng Nhân có màu sắc tươi mới

Sài Gòn ơi cố lên như lời động viên và tấm lòng của nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân

Ý tưởng của mỗi tấm áp phích đều mang những thông điệp tích cực và kịp thời

Ảnh: NVCC

Tranh cổ động của Huỳnh Dũng Nhân có màu sắc tươi mới, đó là nét vẽ cảm động về các y bác sĩ trong trang phục bảo hộ kín mít, là hình ảnh các y bác sĩ trong lực lượng tình nguyện của Bệnh viện Bạch Mai vào tăng cường cho Sài Gòn chống dịch, là hình ảnh những người lính Cụ Hồ ở những chốt gác kiểm soát dịch hay ở khắp các nẻo đường, góc phố hỗ trợ cung cấp thực phẩm cho người dân. Đó còn là chân dung những người mẹ khuôn mặt hằn nét chân chim vẫn tiễn con vào Nam giúp dân quyết đẩy lùi Covid-19…  
Một người bạn nhận xét về tranh cổ động của nhà văn Huỳnh Dũng Nhân như sau: “Nét vẽ của người cầm bút nhiều hơn cầm cọ vẽ, của người vừa trải qua cơn tai biến vẫn còn chút vụng về nhưng rất có hồn, không hề khô cứng như người ta từng nghĩ về tranh cổ động. Ý tưởng của mỗi tấm áp phích đều rất rõ ràng, mang những thông điệp tích cực, kịp thời. Những tấm áp phích này không chỉ dừng lại ở tính cổ động mà còn có sự lan tỏa năng lượng tích cực, lan tỏa tinh thần và yêu thương”.

Dù từng trải qua tai biến, mỗi ngày nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân vẫn miệt mài vẽ tranh

Ảnh: NVCC

Nhà văn Huỳnh Dũng Nhân tâm sự: “Tôi muốn vẽ tranh cổ động để cổ vũ các chiến sĩ quân đội chống dịch, một sự tham gia chống dịch rất cần thiết lúc này. Điểm khác của tôi là đôi khi mỗi tranh cổ động tôi lại viết kèm một bài thơ. Thí dụ bài thơ Người lính trẻ lần đầu vào thành phố của tôi có kèm theo một bức tranh cổ động giống như để thay tranh minh họa vậy”.
Và mỗi khi có một bài thơ hay một bức tranh cổ động được mọi người biết đến, nhà văn Huỳnh Dũng Nhân lại rất vui vì cảm thấy mình đang được làm việc có ích, được đóng góp một chút vào công cuộc chống dịch hết sức gian nan của đất nước.

Những tấm áp phích không chỉ dừng lại ở tính cổ động mà còn có sự lan tỏa năng lượng tích cực

Dạt dào tình cảm quân - dân y kết hợp


Tinh thần đoàn kết, đồng lòng cùng nhau đẩy lùi địch bệnh.

Ảnh: NVCC

Để rồi từ niềm xúc cảm dâng tràn hằng ngày của nhà văn Huỳnh Dũng Nhân, những tác phẩm là họa sĩ nghiệp dư của ông cứ thế lần lượt ra đời trong những ngày tháng ông đang điều trị tai biến, trở nên nhẹ nhàng như bốn câu thơ ông viết nhắn nhủ mình: "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Già thì tùy sức mình/Cách ly thì tập vẽ/Không nghĩ ngợi linh tinh"...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.