Số là, vào đầu năm 1974, nhà văn Nguyễn Đình Thi và nhà thơ Tế Hanh (lúc lên Trường Sơn có nhà thơ Phạm Tiến Duật tháp tùng) lúc ấy đã cao tuổi có làm một chuyến “vượt Trường Sơn” vào chiến trường Nam Bộ. Hồi đó, nhà văn T.B.Đ là một lãnh đạo cao cấp ở R (Trung ương cục -TƯC) đã tiếp nhà văn Nguyễn Đình Thi ngay tại căn cứ của mình. Sau một hồi hỏi chuyện về chuyến vượt Trường Sơn (không phải không gặp nguy hiểm), nhà văn T.B.Đ đã nói với nhà văn Nguyễn Đình Thi: “Các anh vượt Trường Sơn vào tới đây cũng là ghê rồi. Nhưng như thế cũng chưa hẳn là đi chiến trường. Các anh phải vượt qua Đồng Tháp Mười, qua lộ 4, xuống Mỹ Tho mới thực sự là đi chiến trường”. Nói rồi, nhà văn T.B.Đ rút trong bòng của mình một khẩu súng ngắn K59 đưa cho nhà văn Nguyễn Đình Thi: “Tôi tặng anh khẩu súng này, chúc anh đi tới chiến trường”.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi, như lời kể lại, tỏ ra bình tĩnh khi nghe một nhà văn và là nhà lãnh đạo từng ngang dọc chiến trường Nam Bộ nói vậy. Khi nhà văn T.B.Đ trao súng, ông nhận nhưng vẫn cầm nơi tay. Lúc chào chủ nhà ra về, nhà văn Nguyễn Đình Thi trân trọng trao khẩu súng lại cho nhà văn T.B.Đ và nói, bằng giọng nhỏ nhẹ cố hữu của ông: “ Cảm ơn anh đã trao súng và chỉ cho tôi hướng chiến trường. Tôi sẽ đi Mỹ Tho. Nhưng cho phép tôi gửi lại anh khẩu súng. Vì khi đi chiến trường, ngoài Hà Nội cũng đã cấp cho tôi một khẩu rồi. Tôi nghĩ, như thế cũng là đủ. Chào anh tôi về”.
Ngay sau đó, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã lên đường vượt Đồng Tháp Mười, “qua lộ 4 về chốn Ba Dừa” như lời ca của một điệu vọng cổ mà ngày ấy chúng tôi đều thuộc. Sau hơn một tháng nằm tại chiến trường Mỹ Tho, nhà văn Nguyễn Đình Thi mới về lại căn cứ TƯC, và sau đó ông lại “hành quân” về Bắc.
Trong cuộc đời hoạt động văn nghệ của mình, đây không phải là chuyến đi chiến trường duy nhất của Nguyễn Đình Thi. Hồi chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã từng theo chân bộ đội tác chiến tới tận các chiến hào. Ông đi chiến trường hăng đến nỗi các nhà văn đồng nghiệp như Nguyễn Tuân, Tô Hoài phải phát… ghen, và nghe nói, cả Bác Hồ và Võ Đại tướng đã phải có lệnh “hãm” bớt đà lao xuống mặt trận của Nguyễn Đình Thi để bảo vệ tính mạng cho ông. “ Không có súng không phải vì không có súng”, và nhà văn ngày ấy, không có súng vẫn cứ đi chiến trường như bình thường.
Nhật Chung
Bình luận (0)