img
Nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi: Giới không chỉ là câu chuyện về tính dục - Ảnh 1.

GIỚI - Vodcast - TRAILER 2

Vì sao lại là Chuyện thứ VI ? Ý tưởng đã được hình thành thế nào?

Khi tôi đi học thạc sĩ văn chương ở một ngôi trường khá cấp tiến tại Thượng Hải, được tiếp cận với nhiều lý thuyết, trong đó có lý thuyết giới, tôi nhận ra một vấn đề rằng, cùng là phương Đông nhưng ở Việt Nam mình rất cởi mở, thậm chí là hơi có phần "dễ dãi" trong việc tiếp nhận các nền tảng lý thuyết ngoại nhập nhưng sau đó lại rất hay gặp phải những ý kiến trái chiều, tạo nên những chia rẽ mà "phe nào" cũng… cực đoan. Sau một thời gian quan sát, tôi mới hiểu rằng, à, thì ra nhiều người đã qua bỏ qua một vấn đề cốt lõi, ấy chính là văn hóa.

Giới, với tôi, đó là sự vận động của thế giới trên nền tảng khác biệt của mỗi giới tính để đi đến giá trị mới là sự tự do và khai phóng của cá nhân. Song chúng ta không thể nào làm lơ yếu tố văn hóa, con người không thể tách ra khỏi bối cảnh văn hóa, và văn hóa mới là kim chỉ nam để chúng ta giải quyết được những hoài nghi phát sinh trong thời đại thế giới phẳng này.

Tôi xuất thân là một nhà báo văn nghệ, trước khi ra tác phẩm văn chương, tôi có kinh nghiệm nhiều năm đi phỏng vấn nhân vật. Ta biết rằng ai cũng có một câu chuyện để kể. Và ta cũng biết rằng các đại tự sự không còn đáng tin nữa. Tuy nhiên, tôi lại là người vẫn đặt niềm tin vào các giá trị phổ quát. Vì thế, tôi chọn cách lắng nghe câu chuyện của mỗi cá nhân dựa trên nền tảng văn hóa của chính họ.

Nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi: Giới không chỉ là câu chuyện về tính dục - Ảnh 2.

Điều gì khiến chị thêm lần nữa muốn quay lại với nghề "hỏi chuyện"? Viết văn không đủ với để chị "rêu rao lời mình"?

Tôi làm podcast cũng chính là bởi tôi muốn… ngưng "rêu rao lời mình" một thời gian. Tôi mong các khách mời của "Chuyện thứ VI" nói nhiều hơn, và tôi chỉ làm việc dẫn dắt. Hy vọng chương trình có thể mời được những khách mời uy tín trong lĩnh vực họ làm và lần lượt đưa ra được những góc nhìn đa dạng về giới từ những trải nghiệm chuyên môn riêng của họ. Vì theo tôi thấy, ở thời đại ngày nay, không một lĩnh vực nào đi ra khỏi vấn đề giới được cả.

"Nhưng các anh không cảm thấy buồn vì một người phụ nữ già đi à…", đó là một câu thoại trong truyện của chị. Còn chị thì sao, với cuộc tái xuất này, sau 7 năm "tạm lánh"?

Trong tiểu thuyết Tình yêu thời thổ tả của Marquez, ông có đưa ra khái niệm "gerontophobia", nghĩa là hội chứng sợ tuổi già. Không chỉ Marquez, Kawabata từng viết một tiểu thuyết tên là Người đẹp say ngủ đề cập đến nỗi buồn của tuổi già. Phim ảnh làm về đề tài này cũng nhiều.

Tuổi già thì buồn, nhất là với phụ nữ chúng ta, có nhiều thứ trên cơ thể có thể chảy xuống ngoài nước mắt. Một điều đáng buồn khác là mãi sau này tôi mới nhận ra, tuổi sinh học và tuổi nhận thức của một người đàn bà rất chênh lệch nhau. Hai mươi tám tuổi mà mang thai thì theo y khoa đã được xếp vào thai phụ lớn tuổi, nhưng một phụ nữ ngoài ba mươi mới đến độ chín muồi.

Có vẻ như công việc của tôi ở tất cả lĩnh vực từ văn chương, phim ảnh đến báo chí không lệ thuộc vào tuổi sinh học của tôi cho lắm.

Nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi: Giới không chỉ là câu chuyện về tính dục - Ảnh 3.

Giữa thời buổi "nhà nhà làm podcast", điều gì để chị tin rằng mình không bị lẫn vào dàn đồng ca?

Tôi không chủ đích tạo sự khác biệt. Tính tôi ham vui, rất quán triệt tinh thần của ông bà dạy, "buôn có bạn, bán có phường". Song, tôi đồng thời cũng ý thức rằng, quay lại môi trường báo chí lần này, sau 7 năm, độc giả/ khán giả/ thính giả bây giờ đã kịp khác nhiều. Có quá nhiều đặc tính khác biệt được làm rõ: Gen Z, Gen Y, Gen Alpha… với trình độ ngoại ngữ và khả năng tiếp cận thế giới nhạy bén, kiến thức nền của các bạn có khi còn rộng hơn nhà báo...

Vì thế, mình cũng nên chuẩn bị tinh thần rằng, giá trị các bạn tìm kiếm trong khoảng một tiếng đồng hồ bỏ ra cho một sản phẩm báo chí sẽ không còn như xưa nữa. Họ đâu còn hứng thú nghe chuyện hậu trường của một ngôi sao nào đó nữa, đúng không? Tôi thích ý tưởng 10 ngàn giờ của Einstein, muốn trở thành chuyên gia ở lĩnh vực nào đó, ta phải bỏ ra ít nhất 10 ngàn giờ để luyện tập. Khi các bạn đang phải bỏ ra 10 ngàn giờ ở lĩnh vực các bạn theo đuổi, thì tiện tay bật podcast "Chuyện thứ VI" lên, các bạn có thể nghe một câu chuyện mà phải cần đến 10 ngàn giờ mới thành chuyện của người khác.

Từng chắc như đinh đóng cột rằng: "Giới thì luôn tù túng, không chỉ đàn bà mà cả đàn ông", vậy chị có nghĩ podcast này có ý nghĩa góp phần "cởi trói", hay ít ra là "nới rộng bức tường bao"?

Đó là một trong những mục đích thôi thúc tôi.

Giới vừa là một chủ đề "muôn thuở" vừa luôn không ngừng biến động về quan niệm lẫn khái niệm. Chuyện thứ VI lựa chọn cách tiếp cận nào để chuyện về giới không là chuyện "biết rồi, khổ lắm…"?

Điều tôi lo lắng nhất là khi đề cập đến giới, người ta chỉ nghĩ được mỗi chuyện giới tính và khuynh hướng tính dục, đây chỉ là những chuyện bề nổi thôi. Có rất nhiều vấn đề phía sau câu chuyện một người được/bị định dạng giới tính gì và khuynh hướng tính dục ra sao, dẫn đến một bức tranh toàn cảnh về cấu trúc xã hội của chúng ta. Với đa dạng giới, con người chỉ đang dừng ở mức công nhận chứ chưa hẳn là chấp nhận. Vẫn còn tồn tại những khuôn mẫu và sự phân biệt cản trở các giới hòa hợp và nâng đỡ nhau. Đến một lúc ta phải nhìn thấy sự khác biệt nằm ở mỗi cá thể chứ không phải thuộc phạm trù giới tính, từ đó mới quay trở ngược lại để hoàn toàn chấp nhận một cách thấu đáo sự khác biệt ở giới tính.

Nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi: Giới không chỉ là câu chuyện về tính dục - Ảnh 4.

Chị định vẽ "bản đồ giới" của Chuyện thứ VI bằng những vệt chủ đề gì, nếu có thể phi lộ phần nào?

Nếu để hình dung về bản đồ giới lý tưởng ở thời đại này, tôi nghĩ nó giống như một tác phẩm chấm bi của nữ họa sĩ Yayoi Kusama. Những chấm bi nho nhỏ xếp cạnh nhau làm nên một thế giới muôn sắc, hỗn loạn, độc đáo và vô hạn. Nhưng ta biết đó, đằng sau các tác phẩm ấy, Kusama từng nói việc tạo ra những hoa văn mang tính lặp đi lặp lại là một cách để bà giải phóng bản thân khỏi bất an lo lắng. Bà cũng là biểu tượng của nữ quyền.

Trước có tên truyện nổi tiếng Đàn bà xấu thì không có quà. Chị nghĩ, ai thì xứng đáng "có quà"?

Xấu thì dĩ nhiên không có quà. Ai lại đi tặng quà cho người xấu? Nhưng ai chứng cho mình xấu, ngoài chính bản thân mình ra? Thị Nở xấu trong mắt ông Nam Cao thôi, vẫn đẹp trong mắt Chí Phèo. Nhà văn Pháp Simone de Beauvoir có một câu nổi tiếng, rằng "bạn không sinh ra là phụ nữ, bạn trở thành phụ nữ". Đẹp hay xấu cũng thế. Những tiêu chuẩn thẩm mỹ dựa trên ngũ quan và các số đo vàng không quyết định bạn đẹp hay xấu. Các cuộc thi hoa hậu, với tôi, là nơi trưng bày sản phẩm. Còn vẻ đẹp của một người phụ nữ nằm ở tinh thần của họ, mà tinh thần này là quá trình "trở thành" đó, nó cần thời gian trải nghiệm.

Mà phụ nữ cũng đến lúc thôi cái việc lấy hoa quà ra bảo chứng giá trị bản thân đi! Hoa quà có thể là niềm vui trong một khắc, nhưng nó không nói được gì cả. Bạn sẽ luôn có quà, nếu bạn tin bạn đẹp.

Ở thái cực kia của "Đàn bà xấu thì không có quà" là "Nàng đẹp, nàng có quyền". Vẻ như, bất bình đẳng giới đôi khi diễn ra ngay trong chính giới nữ, ở vào cái thời mà người ta quá ư là quan trọng "giao diện" (không ngoại trừ chính chị cũng thế)?

Đây không phải là bất bình đẳng, đây là sự công bằng. Giao diện bao gồm thứ hữu hình và vô hình. Thứ vô hình kia là giáo dục, trí tuệ, lòng trắc ẩn vân vân…, và bạn hoàn toàn có thể nỗ lực để có được. Còn nếu một người khăng khăng giằng món quà khỏi bạn hay dúi quyền lực vào bạn chỉ vì những thứ hữu hình như là mắt mũi miệng, cặp ngực hay đôi chân thì… chậc, không đáng để nói nữa!

Nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi: Giới không chỉ là câu chuyện về tính dục - Ảnh 5.

Từ trong bản năng, chị có thích được dựa dẫm, vào một bờ vai nào đó, cả trên hai khía cạnh: tinh thần và vật chất? Dựa dẫm theo chị có là một "tính xấu" như người ta vẫn thường quy kết?

Câu hỏi này ở đây vì tôi là một phụ nữ à? Thế thì tôi cũng không ngại nói thật, tôi thích, và tôi nghĩ nhiều người ngoài kia cũng thích, kể cả đàn ông. Ai mà chẳng có lúc phải dựa dẫm vào ai đó. Còn để kết luận "dựa dẫm" là xấu hay tốt, thì ta lại phải quay về với khái niệm công bằng tôi đã nói ở trên. Với lại, cũng phải xem đối tác của mình là ai, và hai người thỏa hiệp cho mối quan hệ này thế nào.

Nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi: Giới không chỉ là câu chuyện về tính dục - Ảnh 6.

Lấy ví dụ "văn hóa share" ở quán, thường chị có thoải mái với "luật chơi" này, hay một mặt, chị luôn thấy mình xứng đáng được đàn ông chiều chuộng?

Tôi quan điểm rằng, chuyện gì làm mình quyết định bước chân vào mối quan hệ thì cũng là chuyện khiến mình bước ra khỏi mối quan hệ. Trả tiền hẹn hò không nằm trong tiêu chí "chiều chuộng" của tôi.

Chị quan niệm "khuôn mẫu giới hay định kiến giới đều độc hại cho cả đàn ông lẫn đàn bà". Chị đã từng là "nạn nhân" hay "thủ phạm" của điều "độc hại" đó?

Cả hai. Ở xã hội này, phụ nữ rất dễ bị thao túng. Khi tôi chưa biết mình là ai và mình muốn gì, tôi thường xuyên bị thao túng tâm lý. Bất kể nam hay nữ, trẻ hay già, người ta đều làm tôi hoài nghi bản thân. Vì cứ phải có mẫu hình nào đó để ta trở thành, không thì nhất định là sai trái.

Nhưng suy nghĩ kỹ lại thì, những người đang thao túng mình kia thực chất cũng là nạn nhân của khuôn mẫu và định kiến. Như hồi tôi hai mươi mấy tuổi, gia đình tôi bảo rằng tôi nên lấy chồng sanh con, phụ nữ ai chẳng thế. Mười năm sau, thấy tôi đi qua những đổ vỡ và mất mát, gia đình bảo tôi đừng lập gia đình làm gì, cũng không cần sinh con, chỉ nên kiếm tiền và tiết kiệm, đi du lịch nhiều nơi, ăn nhiều đồ ăn ngon. Tôi đoán, gia đình nói thế vì họ thương tôi, chứ chưa chắc họ hiểu nữ quyền là gì. Vậy trong những năm tháng tôi phải sống theo kỳ vọng của người khác thì sao? Tôi sẽ trở nên khắc nghiệt những mối quan hệ khác của mình. Bởi vì khi chưa thông suốt được cái nhìn của bản thân, thì mình sẽ đặt cái nhìn sai lên người khác thôi.

Chị thấy mình mạnh lên hay yếu đi, khi... đang không yêu ai?

Tôi chưa may mắn gặp được mối quan hệ làm tôi thấy mạnh lên. Mà trong một mối quan hệ nếu không thấy mình như được nâng đỡ để vươn lên thì có nghĩa là đang yếu đi rồi đó. Nên bây giờ tôi chỉ có thể tập trung vào mối quan hệ với chính mình thôi. Tập yêu bản thân trước đã.

Nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi: Giới không chỉ là câu chuyện về tính dục - Ảnh 7.

Đàn ông đóng vai trò thế nào trong đời sống của chị?

Đàn ông, với tôi, như những viên kim cương to đẹp. Tôi nhìn vào cửa hiệu vẫn thấy chúng có tồn tại. Nhưng ngần ấy năm sống trên đời, không có kim cương tôi vẫn sống được.

Chị cảm nhận rõ nhất sức-mạnh-giới ở mình là lúc nào?

Là khi tôi không nghĩ về giới, mà tôi chỉ nghĩ mình là một con người, cư xử một cách tự do mà không xâm phạm tự do của người khác.

Điều gì là "đáng gờm" nhất đằng sau vóc dáng bé nhỏ của chị?

Tôi nghĩ, tôi khá hài hước.

Nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi: Giới không chỉ là câu chuyện về tính dục - Ảnh 9.

Nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi: Giới không chỉ là câu chuyện về tính dục - Ảnh 9.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.