Nhà văn phải dấn thân

09/06/2022 06:39 GMT+7

Vòng xoáy khi kinh tế mở cửa, dịch bệnh Covid-19 tàn khốc và cuộc chiến chống tham nhũng đến hồi quyết liệt... đang đặt ra trước trang viết của các nhà văn hiện nay bao vấn đề của thời cuộc.

Sáng 8.6, Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm và ra mắt sách Nhà văn nói về nghề.

“Không chỉ nghề mà còn là nghiệp”

Phát biểu mang tính chất gợi mở, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân chân thành: “Nhà văn là người viết văn, làm ra tác phẩm văn chương, sáng tạo ra thế giới tinh thần, một thế giới không chỉ cho mình. Vì vậy, công việc của người viết văn không chỉ là nghề mà còn là nghiệp. Bất cứ nghề nào cũng vậy, phải sở hữu được tri thức, vốn sống, kỹ năng chuyên môn. Còn nghiệp, đòi hỏi cao hơn, sâu hơn, mông lung hơn nhưng quyết liệt hơn nơi phẩm hạnh của người sáng tạo. Đó là sự thôi thúc từ bên trong, từ trái tim, từ lương tâm; sự trải nghiệm, lòng trắc ẩn, trữ lượng cảm xúc, khao khát tìm kiếm khám phá không chỉ hiện thực đời sống mà cả cái thế giới tinh thần với điệp trùng màu sắc, âm thanh, giai điệu, nóng lạnh, vui buồn, được mất...”.

Các nhà văn, nhà thơ tại buổi tọa đàm và ra mắt sách Nhà văn nói về nghề sáng 8.6

Đồng tình với quan điểm trên, nhà thơ - nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc phát biểu: “Đọc hồi ký của nhiều cây bút nổi tiếng như Tô Hoài, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Khải..., tôi khâm phục sức viết của các cụ. Cứ mỗi ngày phải ngồi vào bàn viết, vì nhà văn có tài năng mà không viết thì cũng chẳng đi tới đâu cả. Lúc còn sống, nhà văn Vũ Hạnh hay khuyên tôi nên tạo dựng hình ảnh nhà văn là con người bình thường. Chuyện văn nghệ sĩ ăn mặc phải khác thường, cách sống cũng phải khác người… đã không còn phù hợp thời buổi bây giờ nữa. Nhà văn thì phải dấn thân, phải lao tâm khổ tứ, chịu trách nhiệm với từng con chữ, tác phẩm cụ thể cho đến tận cuối đời, cho khi mất đi rồi vẫn còn bị hậu sinh phán xét, soi ngắm chứ không hề dễ...”.

Còn để tránh thói tự cao, tự đại, nhà văn Trần Đức Tiến đề nghị các nhà văn “phải tập thói quen tự hạ bệ mình”: “Lâu nay thỉnh thoảng lại nghe một nhà văn nào đó than: nghề văn cực nhọc quá. Nghe nhiều, có cảm giác viết văn còn khổ hơn đi cày, đạp xích lô, phu hồ hay ship hàng online... Tôi chưa đi cày, chưa đạp xích lô hay làm thợ hồ, nhưng đã từng nếm mùi thợ mộc. Cũng phải đục đẽo, kéo cưa lừa xẻ đến chùng cả gân, rã cả khớp mới kiếm được mấy đồng đong gạo. Tóm lại, làm nghề một cách lương thiện, toàn tâm toàn ý thì chẳng có nghề nào nhàn nhã thảnh thơi cả. Tôi viết từ lúc còn trẻ cho đến tận giờ. Nhiều khi vật vã lên bờ xuống ruộng, nhưng chỉ cần thoáng nghĩ đến kéo cưa lừa xẻ lại thấy nguôi dịu. Kinh nghiệm của riêng tôi, những người hành nghề hay kêu khổ kêu nhọc, thường là những người cẩu thả, hời hợt, có viết văn thì chữ nghĩa cũng nhạt toen toét”.

Nhà văn Ý Elena Pucillo Trương, tác giả cuốn Một phút tự do thì than phiền việc một số nhà văn vẫn thích chêm những câu tiếng Anh, tiếng Pháp vào tác phẩm. “Sự sính ngoại này dù chủ ý hay vô tình đều làm giảm đi sự giàu có của tiếng Việt. Đã là nhà văn thì đâu thiếu khả năng diễn đạt ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ mà phải đi vay mượn”, Elena Pucillo Trương nhấn mạnh.

Nhà văn Ý Elena Pucillo Trương than phiền rằng việc chêm những câu tiếng Anh, tiếng Pháp vào sách Việt làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt

QUỲNH TRÂN

Nói thật - “vũ khí” sắc bén của nhà văn

Lấy dẫn chứng văn chương phi hư cấu đang được coi trọng ở phương Tây, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải vận vào mình, cho rằng: “Tôi đến với văn chương từ một nhà báo viết văn. Những tác phẩm của tôi được độc giả biết đến là các nhân vật người thật, việc thật như: Phạm Xuân Ẩn, Trần Quốc Hương. Nếu nói về lý lịch, công lao của họ thì các ngành khác hay lịch sử đã ghi chép rồi, nhưng chỉ nhờ có văn chương người thật, việc thật mới thể hiện được sự nhân văn trong những con người hùng đó. Vì vậy mà giải Nobel từng trao giải cho Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ (viết về những người phụ nữ Nga tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai) của Svetlana Alexievich”.

Từ khi có chữ viết, con người đã bắt đầu sáng tác văn chương rồi. Ban đầu nhà văn chỉ là người kể chuyện, sau đó chuyển qua vai trò đánh thức, còn bây giờ phải là người dám nói thật, đó chính là vũ khí sắc bén nhất mà xã hội đang mong muốn.

Nhà phê bình - nhà thơ Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn vẽ ra hình tam giác với 3 cạnh: tác phẩm, công chúng và giải thưởng. Trong đó, cạnh dài thứ nhất chính là công chúng. “Tác phẩm của nhà văn ra đời mà không có độc giả thì cũng chỉ là nhật ký mà người viết ra rồi tự mình đọc, vô nghĩa hết. Cạnh dài thứ hai của tam giác là giá trị tác phẩm của nhà văn. Còn cạnh ngắn nhất dành cho các giải thưởng nhận được, như phần cộng thêm của công chúng và giá trị tác phẩm. Phần thưởng giống như chiếc áo khoác lên trên thân thể tác phẩm. Càng ốm yếu mà khoác chiếc áo sặc sỡ quá thì cũng chẳng giống ai và không phù hợp…”

Nói về tầm quan trọng của sự thật qua tác phẩm, nhà phê bình - nhà thơ Lê Thiếu Nhơn khẳng định: “Từ khi có chữ viết, con người đã bắt đầu sáng tác văn chương rồi. Ban đầu nhà văn chỉ là người kể chuyện, sau đó chuyển qua vai trò đánh thức, còn bây giờ phải là người dám nói thật, đó chính là vũ khí sắc bén nhất mà xã hội đang mong muốn. Cha ông ta hay nói: “Sự thật mất lòng”, nhưng chính sự thật là… đối chứng cho tư cách của nhà văn”.

Cảm động với các ý kiến tâm huyết cùng nghề từ chính người trong cuộc, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân đúc kết: “Đối diện với trang viết, mỗi nhà văn có cách ứng xử riêng. Đó không chỉ là thái độ nhà văn đối với đứa con tinh thần của mình mà còn chính là sự ứng xử của mình đối với cuộc đời và đối với chính mình”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.