Nhà văn Sơn Tùng hội ngộ nhân vật của 'Búp sen xanh'

24/07/2021 06:00 GMT+7

Rời cõi tạm, nhà văn Sơn Tùng giờ đây có thể gặp lại nhiều nhân vật của ông ở thế giới bên kia. Trong đó có Út Huệ, Nguyễn Tất Thành - người sau này trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh .

Một Hồ Chí Minh đáng kính mà thêm thương

Trong tư liệu của Trung tâm lưu trữ quốc gia III, những dòng viết tay của nhà văn Sơn Tùng vẫn còn trên trang giấy của kịch bản Hẹn gặp lại trên bến Nhà Rồng. “Tháng 5.1990, dựng thành bộ phim dài hơn 2 tiếng, đổi tên: Hẹn gặp lại Sài Gòn. Nhân vật Út Huệ, lãnh đạo bắt đổi tên là cô Vân. Tôi lưu ý kiến không chấp nhận cái tên cô Vân. S.T”, nhà văn Sơn Tùng viết. Út Huệ là nhân vật mà nhà văn Sơn Tùng đã tìm kiếm, đã gặp để phỏng vấn, để hiểu và khắc họa thời trai trẻ của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành trước khi lên tàu tìm đường cứu nước.
Thời khắc Nguyễn Tất Thành và Út Huệ (trong phim là Vân) chia tay nhau đã khiến nhiều người xem phim xúc động. Ở đó, có thể thấy những rung động của thời trẻ tuổi, cũng có thể nhìn thấy sự nén lòng để tìm đến điều mà Nguyễn Tất Thành thấy vô cùng cao cả. Đương nhiên, mong ước tình cảm lứa đôi càng lớn, sự hy sinh càng nhiều. Vào thời khắc đó, người thanh niên Nguyễn Tất Thành hiện ra rất gần gũi, khiến mọi người thấy thương mến và quen thuộc, bên cạnh sự cảm phục một lãnh tụ đã có từ trước. Cách xây dựng nhân vật này, ông Sơn Tùng đã có từ khi viết về Bác Hồ trong tiểu thuyết Búp sen xanh.
PGS-TS Phạm Xuân Thạch (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng Búp sen xanh chính là tác phẩm thu hút nhất của nhà văn Sơn Tùng. Điều làm nên sự thu hút đó chính là cách thức mới khi viết về lãnh tụ. “Trong thời đại mà người ta cứ tuyệt đối hóa và con người lãnh tụ xa cách với người bình thường, thì ông ấy xây dựng khía cạnh đời thường của con người lãnh tụ. Cách viết ấy mở ra cái nhìn đa chiều về lãnh tụ”, ông Thạch nói. Cũng theo PGS-TS Thạch, nhà văn Sơn Tùng đã tạo được một huyền thoại cộng đồng với sức ảnh hưởng vô cùng sâu rộng. “Chỉ với cuốn Búp sen xanh, ông góp phần ấn định một cái nhìn, một hình dung của cả cộng đồng về một nhân vật lịch sử”, ông Thạch nhận xét.
Nhà văn Sơn Tùng hội ngộ nhân vật của 'Búp sen xanh'1

Búp sen xanh, cuốn tiểu thuyết hay nhất của nhà văn Sơn Tùng

ẢNH: NXB KIM ĐỒNG

Nhà văn anh hùng lao động

Cùng với Búp sen xanh, nhà văn Sơn Tùng còn nhiều tác phẩm khác về Hồ Chủ tịch: Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, Bác về, Bông sen vàng, Từ làng Sen. Riêng Búp sen xanh được tái bản, rồi nối bản tới 30 lần và được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới.
Mới đây, NXB Văn học và gia đình ông đã cùng thực hiện bộ Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh gồm 2 quyển, khoảng 1.300 trang. Sách được NXB Văn học đưa vào danh mục sách nhà nước đặt hàng. Quyển 1 gồm 47 truyện, ký là những câu chuyện giản dị về Bác Hồ và những người thân trong gia đình Bác. Quyển 2 gồm ba tiểu thuyết: Búp sen xanh, Bông sen vàng, Trái tim - Quả đất. Trong đó, Búp sen xanh nói về gia đình, thời thơ ấu cho tới khi ra đi tìm đường cứu nước của Bác; Bông sen vàng tập trung nói về thời kỳ Bác sống với cha mẹ ở Huế; Trái tim - Quả đất tái hiện một chiến dịch quân sự mà Bác Hồ là nhân vật trung tâm lãnh đạo.
Những trang viết chan chứa tình cảm, nhiều tư liệu và hấp dẫn này càng cho thấy sức lao động của nhà văn Sơn Tùng. Trở về sau chiến tranh, nhà văn Sơn Tùng là thương binh hạng 1/4, hạng nặng nhất. Ông vẫn còn mảnh đạn trong đầu không thể lấy ra. Nhà văn Sơn Tùng đã lao động miệt mài với thể trạng như vậy, trong căn hộ tập thể nhỏ ở ngõ Văn Chương (Hà Nội). Ở đó, ông có nhiều bạn văn và những người bạn từ thời chiến lui tới nói chuyện đời, chuyện văn.
Còn nhớ năm 2011 là năm có nhiều câu chuyện giải thưởng với nhà văn Sơn Tùng. Trong cùng một năm, hồ sơ xét Giải thưởng Hồ Chí Minh của ông được chuyển sang xét Giải thưởng Nhà nước. Gia đình ông đã rút hồ sơ xét Giải thưởng Nhà nước về vào tháng 8.2011. Trước đó ngày 14.7.2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký Quyết định số 1083/QĐ-CTN phong tặng nhà văn Sơn Tùng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Tại lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động khi đó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói: “Những tác phẩm của ông chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được đông đảo bạn đọc hoan nghênh. Đặc biệt, tác phẩm Búp sen xanh được tái bản đến thời điểm này đã hơn 20 lần với 60 vạn cuốn đã nói lên thành công vang dội của Sơn Tùng đối với công chúng yêu văn học”.
Nhà văn Sơn Tùng qua đời vào 23 giờ ngày 22.7 tại Hà Nội. Ông tên thật là Bùi Sơn Tùng, sinh ngày 21.9.1928 tại Nghệ An.
Theo tư liệu của NXB Kim Đồng, gia đình nhà văn Sơn Tùng là một gia đình nhà nho nghèo nhưng trọng chữ, có quan hệ họ hàng với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà nội nhà văn Sơn Tùng (cụ Hà Thị Tư) là cháu họ bà nội Chủ tịch Hồ Chí Minh (cụ Hà Thị Hy).
Năm 1944, ông Sơn Tùng đã sớm tham gia cách mạng, hoạt động trong phong trào thanh niên, sinh viên thủ đô. Sau khi Hà Nội giải phóng, ông học đại học rồi thành cán bộ tuyên truyền của Đảng.
Năm 1961, ông về viết cho Báo Nông nghiệp và từ cuối năm 1962 là phóng viên Báo Tiền Phong. Năm 1965, Sơn Tùng là đặc phái viên của Báo Tiền Phong tác nghiệp chủ yếu tại vùng chiến sự ác liệt ở Quân khu 4, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và tuyến lửa Vĩnh Linh.
Năm 1967, ông xung phong đi B, vào chiến trường Đông Nam bộ thành lập và phụ trách tờ Báo Thanh niên Giải phóng.
Năm 1971, ông bị thương rất nặng, nửa người bên phải hầu như bị liệt, thần kinh chéo bị tổn thương nặng, thị lực còn 1/10... Sau chiến tranh, ông là thương binh hạng 1/4 và vẫn tiếp tục cầm bút, trở thành cây bút chuyên viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những nhà cách mạng hiện đại cũng như các danh nhân văn hóa của dân tộc. Từ 1974, nhà văn Sơn Tùng đã cho ra đời hàng chục tiểu thuyết, tư liệu, tập truyện.
Năm 2011, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Lễ viếng nhà văn Sơn Tùng được tổ chức vào 7 giờ 30 ngày 26.7 tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội); lễ truy điệu vào 8 giờ 30 cùng ngày; sau đó được an táng tại nghĩa trang quê nhà ở xã Diễn Kim, H.Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.