Nhìn thấu nhân quần
Trong đó, Hai mươi tư giờ trong đời người đàn bà được xem là một trong những tuyển tập truyện ngắn nổi tiếng và xuất sắc của ông. Gồm 8 tác phẩm, tập truyện cho thấy được sự phong phú của Zweig ở nhiều đề tài và nhiều góc nhìn.
Trong tác phẩm này, ông không dừng lại ở đặc trưng riêng lẻ nào, mà dàn trải và có được độ phủ đề tài, nhân vật, bối cảnh rất rộng. Chẳng hạn tuy cùng viết về sự tự do của người phụ nữ trong ái tình, thế nhưng truyện ngắn Người nữ gia sư và truyện cùng tên lại có cách thức triển khai khác biệt.
Trong Người nữ gia sư, góc nhìn được đặt vào hai đứa trẻ còn đầy ngây thơ và sự tin tưởng. Điều này cho thấy được sự thử thách của Zweig, khi ông vận dụng rất nhiều khía cạnh về tâm lý học để hóa thân mình vào những đứa trẻ. Ở chúng có sự hồn nhiên, nhưng cũng tò mò và đầy chân thành.
Khi chúng chứng kiến mẹ mình sỉ nhục cô giáo, khi chúng thấy cô không còn lối nào để đi… chúng đã giận dữ và muốn đứng lên bảo vệ cô Maan. Từ đó - chỉ qua một đêm, hai chị em chúng đã bước sang độ tuổi trưởng thành, vì nhận ra được cuộc đời này quá bạc bẽo, và con người ta thì quá đáng sợ. Điều này cũng tương tự với một tác phẩm khác là Bí mật thiêu đốt tâm can, khi cho thấy Zweig luôn thử thách và đồng hóa mình vào các góc nhìn khác biệt, ấn tượng và rất chi tiết.
Bao phủ tập truyện, ta luôn nhìn thấy mong muốn thoát khỏi định kiến xã hội của người phụ nữ. Chắc hẳn bắt nguồn từ chính thời đoạn cũng như quê hương mà Zweig lớn lên - nơi xã hội Áo - Hung có phần gia trưởng và đầy khắc khổ, mà ông đã nhận ra những con người không được sống như bản chất. Từ đó ông đã đặt ra rất nhiều câu hỏi, liệu người phụ nữ chạy theo đam mê có đáng bị đánh giá là đàng điếm? Và liệu khi nào thì một góa phụ mới có thể yêu? Chính đi trong lằn ranh đó, Zweig đưa ra những “tấn trò đời” khác nhau, từ đó cho thấy cả một xã hội còn nhiều đè nén.
Họ là những người hoàn toàn đoan trang, đến với tình cảm chỉ bằng lòng tốt ngay từ ban đầu. Đó là bà Henriette chỉ vì muốn cứu một tương lai đâm xuống bùn lầy mà từ đó tình yêu bùng lên bao trọn bà. Chỉ trong hai mươi tư giờ, một tình yêu có thể khởi phát, và nó đến từ con tim bén nhạy, không phải là sự bốc đồng hay tính đàng điếm người ta gán cho.
Và nếu hôn nhân trở nên nguội lạnh, khi tình nhân không muốn chăm lo và quan tâm, thì việc đến gần một cá thể khác có chấp nhận được không? Zweig không biện minh cho người phụ nữ trong truyện Nỗi sợ về cảnh huống này, mà thông qua đó, ông cố tìm cách đi vào bản chất hôn nhân, để ta thấy rằng nó vốn mong manh và cần chăm sóc từ cả hai người. Từ đó bài học vị tha được truyền đi một cách êm dịu.
Một nhà nhân văn
Zweig như nắm bắt được thể trạng riêng của mỗi một người, ông chứng minh rằng “một người đàn bà, nhiều lúc trong đời mình, có thể bị phó mặc cho những uy lực thần bí mạnh hơn cả ý chí của họ, rằng trí thông minh của họ chỉ che giấu nỗi lo sợ chính bản năng của con người, nỗi lo sợ cái bản tính tin thờ ma quỷ trong con người ta”.
Như vậy tình cảm là điều hoàn toàn bình thường, nó là mưu cầu và là khát khao trong mỗi một người. Do đó dẫu thuộc vào giới tính nào, vào giai tầng nào, thì ai cũng đều xứng đáng có được tình yêu mà mình mong muốn. Zweig như cổ vũ cho một tinh thần của thời đại mới.
Vì thế, những tác phẩm như Sự lẫn lộn tình cảm hay Trò chơi nguy hiểm đã cho thấy tình yêu từ những bi kịch. Và bởi khởi phát từ sự tiến bộ cũng như lẽ phải, nên sau gần một thế kỷ, những truyện ngắn vẫn luôn sống động và vô cùng gần gũi ngay thời điểm này, ngay giai đoạn này. Không ngoa khi nói Zweig cũng là người nhìn thấu tương lai với những bản năng vô cùng con người.
Ngoài là một người cổ vũ cho tinh thần của thời đại mới, một nhà tiên tri hay nhà nhân văn…, Zweig cũng là một người rất hay học hỏi. Trong cuộc đời mình ông đã xê dịch qua nhiều vùng đất, để những ghi chép trong cuốn hồi ký Thế giới những ngày qua, tập chân dung nhân vật Những ngôi sao sáng của nhân loại… vẫn còn hiện diện cũng như sống động trong từng ngày qua.
Trong đó truyện ngắn Mendel, người bán sách cũ và Cặp mắt người anh vĩnh cửu được lấy từ chính trải nghiệm của ông qua nhiều vùng văn hóa. Không chỉ có Amok, bệnh điên xứ Malaysia được lấy bối cảnh ngay tại châu Á, những truyện trên cũng cho thấy được một màu huyền bí riêng của châu Á, mà ta dễ dàng bắt gặp trong tập truyện khác của nhà văn đoạt giải Nobel Rudyard Kipling về Ấn Độ.
Mendel - người có bộ óc lên đến vĩ đại liên quan đến sách vở, những con số và các sự kiện, cũng như ông lão Rackner mù - người luôn say mê với việc sưu tập nghệ thuật… chính là những viên ngọc quý và là chất liệu mà suốt đời Zweig ngưỡng mộ, theo đuổi và muốn viết về.
Họ là những người hoàn toàn bình thường, nhưng các đóng góp là rất khổng lồ cho nền văn hóa nhân loại. Chính ở nơi này từ một vị thế ở Cựu thế giới, Zweig nghiêng mình xuống như sự học hỏi cũng như xem họ là các bậc thầy để mình noi theo. Điều này khởi phát từ con người ông, cũng như chặng đường ông đã đi qua.
Chính việc sinh ra tại một đế chế có phần già cỗi và những nỗi đau mà cả hai cuộc Đại chiến thế giới đã kịp mang đến, mà Zweig là một nhà văn, cây bút truyện ngắn đậm tính nhân văn với một phong thái khiêm nhường… đã mang đến những áng văn vô cùng bay bổng và cũng thương xót cho những thân phận đã quá mỏi mệt.
Có thể nói Hai mươi tư giờ trong đời người đàn bà chính là tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật truyện ngắn của Stefan Zweig, từ đó tài năng của ông cũng được phát lộ, tồn tại và lưu truyền mãi.
Stefan Zweig (1881 - 1942) là nhà văn người Áo. Ông hoạt động văn chương sôi nổi vào thập niên 1920, 1930. Trong giai đoạn đó, ông là một trong những nhà văn được dịch nhiều nhất và phổ biến nhất trên thế giới. Ngoài tiểu thuyết, truyện ngắn, ông cũng tập trung nghiên cứu lịch sử về và cho ra đời nhiều tác phẩm ấn tượng.
Bình luận (0)