Nhà văn Thương Hà đau đáu với đề tài 'nóng’ nơi vùng biên và những... oan hồn

15/07/2022 14:41 GMT+7

Sáng 15.7 tại TP.HCM, nhà văn Thương Hà có buổi ra mắt cùng lúc hai cuốn tiểu thuyết Vùng biên không yên tĩnh Những oan hồn bất tử (do NXB Đà Nẵng ấn hành), đau đáu với đề tài "nóng" nơi vùng biên và những... oan hồn.

Nếu như Những oan hồn bất tử, tác giả Thương Hà đi sâu vào phản ánh thực trạng rất nhức nhối hiện nay là tỉ lệ nạo phá thai cao trong giới trẻ, đang tạo nên những vết thương trong nhiều gia đình Việt thì tiểu thuyết Vùng biên không yên tĩnh xoay quanh cuộc đời Bình sống trong một ngõ nhỏ Hà Nội.

Nhà văn Thương Hà đau đáu với đề tài 'nóng’ nơi vùng biên và những... oan hồn - Ảnh 1.

Nhà thơ Trần Hoàng Nhân xuýt xoa: “Chỉ trong hai năm mà viết được 6 cuốn tiểu thuyết như thế này thì tôi quá nể phục nhà văn Thương Hà”

QUỲNH TRÂN


Viết không bị đóng băng bởi thiên kiến hay sự giằng kéo nào

Nhân vật chính trong tiểu thuyết Những oan hồn bất tử là Linh khi đang học lớp 11 đã yêu một chàng trai lớn tuổi hơn. Tình cảm giữa Linh và Việt không dừng lại ở lứa tuổi học trò, họ đã thử trái cấm quá sớm nhưng không biết hoặc không muốn dùng đến các biện pháp ngừa thai an toàn. Kết quả của cuộc tình đầu đời này khiến bố mẹ Linh phải đưa cô đến bệnh viện phá bỏ mầm sống đang tượng hình trong bụng.

Dù rứt ruột bỏ đi đứa con chưa chào đời cộng với việc tình yêu không viên mãn như mơ ước màu hồng đã khiến Linh bị sốc và trong trí nhớ của cô gần như bị xóa sạch về thời đoạn này của đời mình. Mấy năm sau khi đã trưởng thành, trong một chuyến du lịch đến một ngôi chùa thờ Tống Tử Quan Âm – nơi người ta thường đến cầu tự, Linh bị lạc vào giấc mơ có tiếng trẻ con hát và nô đùa. Giấc mơ ấy cứ đeo bám Linh trong giấc ngủ.

Và rồi, không chỉ có Linh, bạn thân cùng nơi làm việc của cô là Hoài cũng vướng vào tình cảnh tương tự. Khác nhau là Hoài đã trưởng thành và yêu một người đàn ông ngoại quốc. Cho đến khi tình yêu tượng hình thành bào thai thì Hoài mới biết người đàn ông kia đã có gia đình và anh ta không thể cưới Hoài làm vợ. Trước áp lực của truyền thống gia đình và áp lực tài chính, Hoài không thể một mình nuôi con nên cô đành phải phá bỏ núm ruột mềm của mình.

Nhà văn Thương Hà đau đáu với đề tài 'nóng’ nơi vùng biên và những... oan hồn - Ảnh 2.

Nhà văn Thương Hà thuộc thế hệ 8X, cô khẳng định tên tuổi với các tác phẩm gần đây như: Người PTSD, Bóng đêm của Diệu, Một con đường, NALIS Xô dạt bờ định mệnh...

NVCC


Nhà văn Thương Hà đau đáu với đề tài 'nóng’ nơi vùng biên và những... oan hồn - Ảnh 3.

Bìa hai cuốn tiểu thuyết Vùng biên không yên tĩnh Những oan hồn bất tử của nhà văn Thương Hà (do NXB Đà Nẵng vừa ấn hành)

QUỲNH TRÂN


Được biết, nhà văn Thương Hà thuộc thế hệ 8X, dù mới khẳng định tên tuổi với các tác phẩm gần đây như: Người PTSD, Bóng đêm của Diệu, Một con đường, NALIS Xô dạt bờ định mệnh… nhưng thực ra cô đã viết từ thời còn đi học. Cầm trên tay 2 cuốn tiểu thuyết dày cộp Vùng biên không yên tĩnhNhững oan hồn bất tử, nhà thơ Trần Hoàng Nhân xuýt xoa: “Hai năm mà viết được 6 cuốn tiểu thuyết như thế này thì tôi quá nể phục nhà văn Thương Hà rồi”.

Đam mê là vậy nhưng cha mẹ cô sợ con gái mình dính vào văn chương sẽ khổ nên cấm. Thói đời, cái gì càng cấm thì đến một lúc nào đó có cơ hội sẽ bộc phát như đê vỡ tuôn trào. Vì vậy, khi Thương Hà có cuộc sống tự lập, tự chủ thì cô đã trở lại với đam mê của mình là viết và viết.

Thương Hà cho biết cô viết như một nhu cầu tự thân, không mưu cầu gì khác ngoài được trải lòng thành câu chữ. Viết với Thương Hà còn là “để chơi” như mỗi chúng ta đều có thú vui, niềm đam mê vậy. “Khi cầm bút, em chỉ mong được in thành sách và để các cuốn sách của mình bên cạnh sách của bố em” – Thương Hà thổ lộ.

Xuất thân của nhà văn Thương Hà học chuyên ngành luật và tâm lý, nên có lẽ vậy mà các nhân vật trong Những oan hồn bất tử được tác giả khai thác và diễn đạt tâm lý rất lôi cuốn. Dù đề tài viết về nạn nạo phá thai nhưng tiểu thuyết này, tất nhiên không phải là một bản báo cáo, mà lột tả được số phận của nhân vật.

Đọc xong 36 chương, 408 trang sách, tiểu thuyết Vùng biên không yên tĩnh của nhà văn Thương Hà, nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn nhận xét: “Đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam từng được nhiều nhà văn cựu binh thể hiện như Miền hoang của Sương Nguyệt Minh, Mùa xa nhà của Nguyễn Thành Nhân, Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn, Đất K của Bùi Quang Lâm... Vậy mà, tác giả Thương Hà vẫn tìm được một góc độ riêng để viết. Vùng biên không yên tĩnh của Thương Hà nhẹ nhàng, linh hoạt mà cũng đầy day dứt”.

Nhà văn Thương Hà đau đáu với đề tài 'nóng’ nơi vùng biên và những... oan hồn - Ảnh 4.

Nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn: “Tiểu thuyết của Thương Hà không gợi lại vết thương chiến tranh để thêm đau đớn"

QUỲNH TRÂN


Cũng theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: “Tiểu thuyết của Thương Hà không gợi lại vết thương chiến tranh để thêm đau đớn, thêm ê chề. Tiểu thuyết của Thương Hà dự phần hóa giải tang tóc và thù hận. Lá thư của Bình trước khi giã từ nhân gian, nhờ em gái Linh gửi cho đồng nghiệp Hoàng Mai, đã trình bày một thái độ: 'Mấy chục năm đã đi qua, tôi sống mơ hồ trong quá khứ và thực tại. Tôi mù mờ đi tìm một giá trị, một lý tưởng mà kỳ thực bản thân mình đã bỏ quên. Tôi hoài nghi về những ý nghĩa mà người ta thường ra rả nhắc tới. Để rồi cuối cùng, khi đã gặm nhấm đủ nỗi đau của bản thân, tôi nhận ra thế giới này đang đi về hướng mà tôi vẫn hằng tìm kiếm. Con đường để đi đến một thế giới hòa bình'".

Còn nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng thì có góc nhìn khác: “Tôi thật sự bất ngờ khi biết tác giả Thương Hà thuộc thế hệ 8X, lại viết được những trang văn mang dấu ấn của một thế hệ trải nghiệm chiến tranh sâu sắc đến nhường ấy. Tác giả sớm định hình một giọng điệu vừa chững chạc, vừa phóng túng khi viết về một thế giới mở, không bị đóng băng bởi thiên kiến hay sự giằng kéo ngoài văn chương nào. Cổ nhân nói 'có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ'. Đọc xong Vùng biên không yên tĩnh, tự nhiên tôi cảm thấy một cách thật rõ ràng: dường như trong đó có cả hoa, có cả nụ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.