Nhà văn Trình Quang Phú và 'chữ tình gởi lại' trọn vẹn cho cuộc đời

26/08/2022 12:23 GMT+7

Sáng 26.8 tại TP.HCM, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức tọa đàm Nhà văn - Nhân cách và tài năng - nhân dịp quyển sách ký ức văn học Nhà văn và chữ tình gởi lại của nhà văn Trình Quang Phú vừa ra mắt độc giả.

Phát biểu tại buổi tọa đàm và ra mắt sách mới của nhà văn Trình Quang Phú, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân xúc động: “Nhà văn và chữ tình gởi lại (do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2022) là hồi ức văn học của nhà văn Trình Quang Phú về thế hệ nhà văn, nhà thơ tên tuổi mà ông từng gặp gỡ, quen biết, gần gũi... dù tất cả đều đã đi xa nhưng họ để lại đời, cho nền văn học Việt Nam không chỉ là tác phẩm với giá trị vượt qua thời gian mà còn để lại dấu ấn sâu sắc về tài năng, nhân cách, nỗi ưu tư, những hoài bảo thiết tha về dân tộc, về đất nước - những tố chất của những văn nhân đích thực, người lặng lẽ tận hiến cho con chữ, cho cuộc đời bằng cả sinh mệnh của trái tim”.

Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân tặng hoa chúc mừng nhà văn Trình Quang Phú

Nhà văn Trình Quang Phú (thứ tư từ trái sang) cùng khách mời tại buổi tọa đàm và ra mắt sách

Nhà thơ Lưu Trọng Văn kể về những hồi ức cảm động về người cha Lưu Trọng Lư của mình

QUỲNH TRÂN

Cái tình hết sức đặc biệt của nhà văn Trình Quang Phú

Cũng theo nữ văn sĩ Bích Ngân: “Nhân cách và tài năng nơi những chân dung nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ, nhà nhiếp ảnh tên tuổi được nhà văn Trình Quang Phú khắc họa trong quyển sách chính là chữ tình như tên của quyển sách. Chữ tình vừa sâu vừa rộng. Chữ tình chính là nguồn cơn, vừa sự thôi thúc sự sáng tạo. Và chữ tình chính là cốt lõi quyển sách. Chữ tình được thể hiện không chỉ bằng con chữ. Chữ tình còn chính là sinh mệnh của những văn nghệ sĩ đồng hành cùng cuộc trường chinh ái quốc vĩ đại của dân tộc. Chữ tình còn là cái tình của những nhân vật - những chân dung của nhà văn trong quyển sách đối với văn chương, với cuộc đời và cái tình của các bậc nhà văn tiền bối đối với nhau. Cái tình hết sức đặc biệt Trình Quang Phú đối với từng nhà văn trong từng trang sách”.

Nhà thơ Bùi Phan Thảo phát hiện thêm: “Qua tác phẩm người đọc còn nhận ra nhà thơ Xuân Diệu không chỉ kỹ lưỡng trong chi tiêu hằng ngày do đời sống thời bao cấp còn hạn hẹp, mà nhà thơ rất tinh tế trong ứng xử. Câu chuyện cô hàng bán thịt cầy ở chợ Hàng Da bán thịt ngon cho nhà thơ lớn và cười cả hai con mắt: 'Thưa thi sĩ đây ạ, cho rất nhiều mà nhận chẳng bao nhiêu' khiến nhà thơ xúc động khi cô hàng biết ông và thuộc thơ ông. Là nhà thơ lớn, song ông 'biết người biết ta', khi dặn tác giả nên chọn đăng xen kẽ thơ tình và thơ xây dựng đất nước, không muốn đăng riêng một chùm thơ và dặn chưa đăng bài thơ Bức tượng vì có những câu thơ buồn, sợ không có lợi cho đại sự của đất nước…".

Hay viết về nhà thơ Bảo Định Giang, tác giả Trình Quang Phú neo người đọc nhớ về chi tiết chiếc gậy Trường Sơn, lưu nét khắc chữ ký của một số nhà văn ở chiến trường, đã sống và viết dưới mưa bom bão đạn. Người đọc hiểu thêm về một vị lãnh đạo văn nghệ tên tuổi lẫy lừng như Bảo Định Giang lại luôn sống gần gũi, chân tình, quan tâm sâu sát đời sống, tâm tư văn nghệ sĩ. Ông chăm lo bồi dưỡng, chọn lựa nhà văn, nghệ sĩ gởi vào các mặt trận miền Nam, đưa văn học nghệ thuật lên tuyến đầu kháng chiến chống Mỹ. Bữa tiệc chia tay văn nghệ sĩ ra chiến trường do ông chỉ đạo trường 105 tổ chức rất vui và cảm động. Bảo Định Giang ôm đàn guitar, đệm cho mọi người hát chân tình, nhiệt huyết và nói những lời dặn dò, trải lòng theo anh chị em văn nghệ sĩ về miền Nam thân yêu.

Vợ nhà văn Trình Quang Phú (phải) luôn đồng hành với ông trong cuộc sống chia sẻ chữ tình ông dành cho gia đình

Nhà phê bình văn học Trần Hoài Anh say sưa về nhà văn Trình Quang Phú

Nữ văn sĩ Hoài Hương say sưa đọc sách mới

QUỲNH TRÂN

Nhà phê bình văn học Trần Hoài Anh say sưa kể:Ở bài viết: Một ít kỷ niệm với nhà thơ Quang Dũng, Trình Quang Phú ghi lại những gian truân trong đời thơ Quang Dũng bằng chính lời tâm sự của thi sĩ tài danh Đôi mắt người Sơn Tây với một câu hỏi đầy những nỗi niềm: 'Ông đọc Tây Tiến của tôi rồi đúng không? Bài thơ này trước thì khen, phổ biến, nhiều người thuộc lòng. Giờ thì cấm. Tôi nghĩ có lẽ từ cái đầu của người cấm. Họ cho rằng chất tiểu tư sản, ủy mị yểu điệu, làm mất tính chiến đấu, nào là ra trận mà còn mơ màng em út (…); họ bắt tôi kiểm điểm cái chuyện 'mùa em thơm nếp xôi', 'em xiêm áo', 'nàng e ấp'. Cũng như câu Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm. 'Cái chết' trước nhất của tôi là bài thơ thể hiện trong đoàn quân Tây Tiến lại có dáng nàng kiều thơm Hà Nội, có các em xiêm áo, e ấp theo chân. Rồi nữa: bộ đội sốt rét rụng tóc là một thực tế, cũng như anh em hy sinh chỉ chôn chứ không có chiếu liệm (…). Họ cho rằng bi quá, thảm quá, làm mất tính cách mạng (?). Rồi Quang Dũng đưa chung rượu lên: 'Thôi, mọi chuyện để đời sau phán xử. Thơ văn khi viết ra là của ta, nhưng sống hay chết, hay hay dở của tác phẩm là thuộc về người đọc, thuộc về nhân dân'…”.

Nói về sự độc đáo của tác phẩm Nhà văn và chữ tình gởi lại của nhà văn Trình Quang Phú, ông Trần Hoài Anh nhấn mạnh: "Đây là tài liệu văn học quý, bổ sung cho tiến trình viết lịch sử văn học nước nhà, nhất là bộ phận văn học cách mạng và kháng chiến, là những cứ liệu cần thiết giúp khám phá về tác giả, tác phẩm, tìm hiểu nhân cách nhà văn thể hiện qua những tháng năm chiến đấu, hy sinh cũng như trong cuộc sống đời thường, đặc biệt là hoàn cảnh ra đời của từng tác phẩm mà không phải ai cũng có cơ may tiếp cận".

Bìa tác phẩm Nhà văn và chữ tình gởi lại (do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2022)

KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM tại buổi ra mắt

Nhà văn Bùi Anh Tấn, nhà văn Trình Quang Phú và nữ nhà văn Bích Ngân (từ trái sang)

QUỲNH TRÂN

Ngoài những hồi ức văn học, nhà văn Trình Quang Phú cũng công bố 23 bức ảnh chân dung một số văn nghệ sĩ gồm nhà nghiên cứu phê bình văn học. Từ những tấm ảnh nhà thơ Thanh Hải được gặp Bác Hồ; chân dung nhà thơ Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Văn Cao, Anh Thơ, Quang Dũng, Thu Bồn… với những góc, nét đặc tả, đến hình ảnh các nhà văn trong rừng sâu, trèo đèo lội suối cho thấy những gian nan, hiểm nguy và cả sự hy sinh của những nhà văn – anh hùng như Nguyễn Mỹ, Dương Thị Xuân Quý, Lê Anh Xuân… Đó là những giá trị đích thực mà qua tác phẩm mới nhà văn Trình Quang Phú đã trọn vẹn chữ tình gởi lại cho đồng nghiệp và cuộc đời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.