Tham dự buổi lễ có thượng tướng Võ Văn Tuấn - người từng giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam và nhiều đồng đội, bạn hữu của Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bảy cùng có mặt ôn lại những kỷ niệm xưa với nhân vật trong cuốn sách.
|
|
Không phải là hồi ký hay tự truyện mà Người anh hùng chân đất được nhà văn Trúc Phương viết theo thể loại truyện ký. Câu chuyện về người nông dân chân phèn bám đầy bùn đất nơi ruộng đồng Nam Bộ Nguyễn Văn Bảy (ở ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành, H.Lai Vung, Đồng Tháp),đến với cách mạng và trở thành một phi công anh hùng, khiến phi công Mỹ phải khiếp vía mỗi khi "diện kiến" ông trên bầu trời đã được nhà văn khắc họa chi tiết, hoành tráng và đầy cảm động.
Dựa vào lời kể của nhân vật “bằng xương bằng thịt” Nguyễn Văn Bảy, nhà văn Trúc Phương cũng đã tiết lộ nhiều bí mật về đời tư người anh hùng từng là thần tượng của nhiều người thời bấy giờ.
Không giống như nhiều thanh niên đồng trang lứa, năm 17 tuổi, chàng trai Nguyễn Văn Bảy không chịu lấy vợ theo ý gia đình mà bỏ nhà trốn theo bộ đội địa phương, rồi được tổ chức đưa ra Bắc. Năm 1960, ông Bảy được chuyển từ bộ binh sang không quân và cấp trên cử đi học lái máy bay Yak - 52 ở sân bay Mông Tự (Trung Quốc) rồi sau lên MiG - 15, rồi MiG - 17.
Từ năm 1965 đến 1968, ông Bảy thường xuyên có mặt trong đội hình tham gia trực chiến của không quân Việt Nam đánh máy bay Mỹ. Với 94 lần xuất kích, trực tiếp quần thảo với máy bay Mỹ 13 lần, ông đã tiêu diệt 7 máy bay Mỹ, gồm 5 chiếc F4 và 2 chiếc F105.
|
Trong cuộc đời xông pha trận mạc của mình, anh hùng Nguyễn Văn Bảy luôn nhớ như in ngày được cùng các phi công Trần Hạnh, Lâm Văn Ích vinh dự vào Phủ Chủ tịch để gặp Bác Hồ. Ngày đó ông mới bắn hạ được 4 máy bay Mỹ nên Bác dặn, không cho chú Bảy xuất kích nữa, để sau này đất nước thống nhất còn về báo công cho đồng bào miền Nam vui mừng.
Còn một kỷ niệm ông cũng không bao giờ quên là ngày đám cưới với bà xã đồng hương Trần Thị Niên ở sân bay Cát Bi (Hải Phòng) vừa mới diễn ra thì có lệnh báo động cấp 1. Vậy là phải tạm hoãn để về doanh trại trực chiến, chuẩn bị đánh nhau trên bầu trời. Mãi đến 50 năm sau, khi có 2 trai, một gái hai ông bà mới có dịp làm lại đám cưới tại quê nhà Lai Vung khi cả hai đã vào tuổi xế chiều.
|
Thượng tướng Võ Văn Tuấn còn chia sẻ nhiều kỷ niệm với phi công Nguyễn Văn Bảy. “Khi ông Bảy được phong anh hùng thì tôi mới là cậu học sinh lớp 5 trường làng. Vì cũng là con em miền Nam tập kết ra Bắc nên tôi rất thần tượng phi công Nguyễn Văn Bảy. Vì vậy, tôi hay cắt những bài báo viết về ông để lưu lại và nuôi giấc mơ thành phi công. Tuy nhiên giấc mơ ấy khó quá, cứ ngày một vời xa nên khi vào bộ đội tôi tham gia bộ binh mà không dám nghĩ tới... máy bay nữa. Không hiểu sao, run rủi thế nào tôi lại được huấn luyện chuyển qua phi công… Phải khẳng định, chính ông Nguyễn Văn Bảy là động lực để tôi phấn đấu từng ngày. Vì vậy mà ngày mai, dù ông cương quyết không cho xuống thăm nhà "vì đường đang làm, bụi bặm đi bộ xa lắm, tụi bay chờ hai tháng nữa" - như ông nói, nhưng vợ chồng tôi vẫn quyết tâm đi cho bằng được…”, Thượng tướng Võ Văn Tuấn tâm sự.
Nhà văn Trúc Phương kể thêm: “Khi được mời tham gia viết cuốn sách về anh hùng Nguyễn Văn Bảy, tôi không dám nhận. Vì "mê" ảnh và những chiến công lừng lẫy của anh ấy dữ lắm nên tôi sợ mình… không hoàn thành được nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi xuống nhà thấy anh Bảy đời thường quá: bắt ốc mò cua, lấm lem, quần thì ống thấp ống cao tôi thương lắm. Lúc ấy anh Bảy đã 81 tuổi. Tôi mạo muội: “Thưa anh Bảy, em biết nếu viết hồi ký phải chính xác tuyệt đối từng sự kiện và thời gian. Thôi, để thoải mái và đỡ áp lực hơn, anh cho em thể hiện câu chuyện của anh bằng truyện ký".
|
Ai ngờ anh Bảy đồng ý ngay. Nhà văn Trúc Phương tiếp: "Tôi viết gần 1 năm mới xong, lúc chuẩn bị hoàn thiện thì bị bệnh phải đi mổ, giờ còn đang xạ trị nên nói chút xíu là khô cổ rồi. May mà cuốn sách cũng ra mắt được kịp thời, hy vọng sẽ được bạn đọc đón nhận và yêu thích về một người anh hùng chân đất, lớn lên từ đầm sen, ao súng ra đi lái máy bay đánh giặc rồi trở thành anh hùng”.
Vốn dĩ không nhiều lời, anh hùng Nguyễn Văn Bảy đã lên bục đưa cao hai tay lên đầu cảm ơn các anh em, đồng đội, NXB Văn hóa - Văn nghệ và nhà văn Trúc Phương đã bỏ nhiều công sức để ông có được cuốn sách Người anh hùng chân đất để lại cho đời mà ông rất tâm đắc.
Bình luận (0)