Nhà văn Vũ Hạnh của 'Bút máu' nổi tiếng ra đi ở tuổi 96

15/08/2021 09:29 GMT+7

Nhà văn Vũ Hạnh vừa từ trần sáng sớm ngày 15.8 (nhằm ngày 8 tháng 7 năm Tân Sửu), thọ 96 tuổi. Nhiều đồng nghiệp, độc giả yêu mến ông chia sẻ trên trang cá nhân những kỷ niệm cùng nhà văn.

Nhà văn Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, ông sinh năm Bính Dần, ngày 15.7.1926, tại xã Bình Nguyên, H.Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình nho học. Khi sáng tác, ông dùng nhiều bút danh khác nhau: Vũ Hạnh, Hoàng Thanh Kỳ, Minh Hữu, Nguyên Phủ...
Được biết, sau khi tốt nghiệp tú tài, nhà văn Vũ Hạnh tham gia cách mạng rồi trải qua 5 lần bị địch bắt, chịu sự tra tấn trong quá trình hoạt động, vẫn bền bỉ đấu tranh. Năm 1955, ông tham gia đấu tranh đòi hiệp thương Bắc - Nam và bị bắt giam ở nhà lao Thăng Bình rồi nhà lao Hội An. Vũ Hạnh là cán bộ văn hóa Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, hoạt động công khai ở nội thành Sài Gòn (hoạt động đơn tuyến). Trong hoàn cảnh viết trên sách báo công khai dưới chế độ ở miền Nam, ông đã có cách viết khéo léo để vẫn đưa được những thông điệp tiến bộ đến quần chúng mà không bị kẻ thù đàn áp.

Nhà văn Vũ Hạnh (phải) và nhà văn Triệu Xuân

Ảnh: Thư viện Triệu Xuân

Nhà văn ký tặng bạn đọc trong một lần ra mắt sách

Ảnh:Diệp Đức Minh

Thư viện của nhà văn Triệu Xuân ghi rất rõ về tiểu sử cuộc đời nhà văn Vũ Hạnh: "Học xong tú tài đôi ở Huế thì Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), nhà văn Vũ Hạnh về quê tham gia Việt Minh, hoạt động trong Đội võ trang tuyên truyền, là thành viên Ủy ban Tổng khởi nghĩa huyện Thăng Bình. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là trưởng đoàn kịch Thăng Bình, giáo viên dạy văn, rồi tham gia đoàn văn nghệ Thanh niên xung phong Liên khu V".
Sau ngày đất nước thống nhất, từ 1975 - 1985 ông là Tổng thư ký Hội Văn nghệ TP.HCM, Ủy viên thường vụ Liên hiệp Các hội VHNT TP.HCM.
Khi bước sang tuổi 95 hồi năm ngoái, ông vẫn duy trì thói quen sáng tác và cống hiến. Ông từng là Tổng thư ký Liên hiệp Các hội VHNT TP.HCM và vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Các tác phẩm lớn đã xuất bản gồm: tuyển tập: Bút máu, Chất Ngọc, Vượt thác, Người chồng thời đại; truyện dài: Lửa rừng, cô gái Xà - Niêng, Tính sổ cuộc đời, Con chó hào hùng, Ngôi trường đi xuống; tiểu luận, phê bình: Đọc lại truyện Kiều, Tìm hiểu văn nghệ, Cha mẹ bơ vơ, Tuổi trẻ nổi loạn, Người Việt cao quý… 

Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Vũ Hạnh

Ảnh: T.L

Trong một lần giao lưu với ông, nhà văn Trầm Hương nhắc lại kỷ niệm không quên: “Năm 16 tuổi, khi còn là một thiếu nữ học trò ở Bình Đại (Bến Tre), đọc Vũ Hạnh tôi cứ nằm mơ không biết bao giờ mới được gặp ông, dù khi gặp chỉ cần chạm nhẹ vào bàn tay ông là đủ mãn nguyện. Ai ngờ, sau này sinh hoạt chung lâu năm ở Hội Nhà văn Việt Nam, ông tuyệt vời như một người anh ruột vậy, chỉ bảo tận tình. Tôi luôn biết ơn và kính trọng ông, một nhân cách lớn mà tôi đã từng gặp".
 Nói về nhà văn Vũ Hạnh, nhà thơ Lê Tú Lệ - Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT TP.HCM) nhận xét: “Một nhà văn - chiến sĩ Vũ Hạnh mà cuộc đời và văn nghiệp của ông chính là một biểu tượng đẹp của tinh thần văn hóa dân tộc. Tinh thần văn hóa ấy mang bản sắc Việt rất đậm nét, được hun đúc lên từ nhiều ngàn đời, nó thấm đẫm màu sắc nhân văn nhưng cũng đầy tự tôn, tự cường và cầu thị. Một tinh thần văn hóa chứa đựng sức mạnh phi thường, vượt qua mọi áp đặt đồng hóa của ngoại bang, chiến thắng cả rào gai, lưỡi lê, hơi cay và súng đạn của kẻ thù”.

Nhà thơ - nhà văn Bùi Đức Ánh (trái) và nhà văn Vũ Hạnh là hai bạn văn thân thiết

Ảnh: NVCC

Về sự ra đi của nhà văn Vũ Hạnh, người con gái thứ sáu của nhà văn là Nguyễn Minh Thuận - cho nhà văn Triệu Xuân biết thông tin: "Nhà văn Vũ Hạnh phải nhập viện từ ngày 11.8.2021 vào BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM), do bị tai biến. Dù được chữa trị kịp thời, nhưng do tuổi cao, sức yếu, nhà văn Vũ Hạnh đã ra đi nhẹ nhàng…".
Nghe tin bạn hiền đột ngột ra đi, một người bạn thân thiết với nhà văn Vũ Hạnh là nhà thơ - nhà văn Bùi Đức Ánh nghẹn ngào viết trên trang cá nhân: “Xin thắp cho anh nghìn nén nhang nghĩa tình và ngưỡng mộ, người bạn vong niên của tôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.