Lấy Bằng Quận công Nguyễn Hữu Chỉnh, một nhân vật mà nhà văn đặc biệt yêu thích, làm trung tâm của tập sách gồm 12 chương, có thể nói sau nhiều tác phẩm đình đám cũng chung thể loại như: Khói mây Yên Tử, Quân sư Đào Duy Từ, Giao Châu tụ nghĩa (2002), Sóng hận sông Lô (2013), Quỷ Vương (2016)..., với Kẻ sĩ thời loạn, tác giả Vũ Ngọc Tiến lại tiếp tục “ghi điểm” với bạn đọc về sức làm việc không biết mệt mỏi và một tấm lòng yêu quý, thích khám phá lịch sử.
Từng biết nhà văn đa tài này qua nhiều thể loại ký, phóng sự, điều tra, truyện ngắn, phê bình tiểu luận đăng thường xuyên trên các báo và khoảng gần 100 kịch bản, lời bình cho các phim tài liệu truyền hình nhưng khi đọc Kẻ sĩ thời loạn, những câu chuyện trong sử sách xưa của ông không hề cũ mà dường như mới diễn ra hôm qua, với đầy tâm trạng.
Cách viết của nhà văn Vũ Ngọc Tiến là biết sử dụng nghệ thuật cốt truyện lồng song hành: mượn chuyện xưa để nói nay. Điều này theo nhận xét của nhà nghiên cứu Kiều Mai Sơn: “Cốt truyện lồng không mới, Bảo Ninh đã từng sử dụng trong Nỗi buồn chiến tranh, rồi Nguyễn Bình Phương trong Thoạt kỳ thủy, Tạ Duy Anh khi Đi tìm nhân vật hay Nguyễn Việt Hà trong Khải huyền muộn... Có điều, Vũ Ngọc Tiến không viết hư ảo và đan xen đến mức bạn đọc cảm thấy như bị lạc giữa các tuyến nhân vật như những người viết trước. Từng chương của ông rõ ràng...”.
Xuyên suốt tác phẩm của nhà văn là tư tưởng “vì dân” tạo nên nhân cách kẻ sĩ của Nguyễn Hữu Chỉnh. Vì vậy, sự hấp dẫn của tác phẩm mới Kẻ sĩ thời loạn, nói như nhà phê bình Hoài Nam: “Vũ Ngọc Tiến không những đã thực hiện một diễn giải khác về nhân vật lịch sử đầy phức tạp và rất khó định đoán này, hơn thế, ông còn tái kiến tạo một Nguyễn Hữu Chỉnh như hình mẫu cho “kẻ sĩ thời loạn” theo quan niệm của riêng mình... Biết buông bỏ sách vở thánh hiền và những trầm tư đạo lý để trở thành con người hành động quyết liệt để đất nước được thái bình, muôn dân yên ấm”.
Bình luận (0)