Nhà văn Xuân Phượng của 'Gánh gánh gồng gồng' từng nhận 30.000 USD để viết hồi ký

08/03/2021 16:06 GMT+7

Sáng 8.3, nhà văn Xuân Phượng - tác giả hồi ký Gánh gánh gồng gồng đã tham dự buổi giao lưu cảm động với chủ đề Mẹ là nguồn cội (do Hội Nhà văn TP.HCM và Ban Nhà văn nữ tổ chức nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ ).

Tại buổi gặp gỡ, ngoài đạo diễn - nhà văn Xuân Phượng còn có sự góp mặt của lãnh đạo Hội Nhà văn TP.HCM: nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội, nhà văn Trầm Hương – Phó chủ tịch Hội; cùng nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, tác giả của những tác phẩm cảm động viết về mẹ: Lê Thị Kim, Nguyên Hùng, Bùi Phan Thảo, Huệ Triệu, Trần Mai Hường, Nguyễn Bính Hồng Cầu, Đặng Nguyệt Anh, Tôn Nữ Thu Thủy, Hoài Hương…. Vì dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên Hội Nhà văn TP.HCM phải hạn chế số lượng khách mời trong các buổi họp mặt.

Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM (thứ hai từ trái qua) và các nhà thơ tại buổi giao lưu

MC - nhà thơ Trần Mai Hường cảm động cho biết: "Chủ đề về mẹ là chủ đề muôn thuở của những người cầm bút"

Ảnh: Quỳnh Trân

Trong khán phòng nhỏ ấm áp, mọi người cùng lắng nghe “tiếng lòng” của nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu chia sẻ nhiều kỷ niệm “không thể nào quên” về cuộc đời mẹ Hồng Châu - một nhà báo lừng lẫy, một chiến sĩ cách mạng hoạt động trong chiến khu Nam bộ và là người vợ yêu của thi sĩ Nguyễn Bính, từng được nhà thơ đề cập trong tác phẩm Đi qua tâm bão. Tiếp đó câu chuyện của nhà thơ Đặng Nguyệt Anh, tác giả của tác phẩm Trường ca mẹ xuất bản đầu tiên các đây gần 30 năm, sau đó tái bản với số lượng nhiều, được công chúng đón nhận, yêu quý. MC - nhà thơ Trần Mai Hường cảm động cho biết: “Chủ đề về mẹ là chủ đề muôn thuở của những người cầm bút. Ngoài tấm lòng yêu kính biết ơn đấng sinh thành còn phải có bút lực dồi dào, tài hoa trong thể thơ lục bát nữa". Và chị đã rưng rưng đọc bài Nhớ tết xưa của nhà thơ Trương Nam Hương, trong đó có đoạn: "...Con lem lấm của một thời/ Để khi khôn lớn nên người lại xa/ Mỗi lần nhìn khói bay qua/ Mắt rưng rưng nhớ quê nhà... lại cay".
Đạo diễn - nhà văn Xuân Phượng dù đã bước qua tuổi 92 nhưng bà vẫn còn minh mẫn. Nhận lời mời của nhà văn Bích Ngân, nữ đạo diễn - nhà văn đã đến tham dự và tiết lộ nhiều điều “bí mật” về tác phẩm Gánh gánh gồng gồng đang "sốt" khi đoạt 2 giải thưởng cùng lúc của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP.HCM.

Nhà thơ Phùng Hiệu đại diện cho "cánh mày râu" tặng hoa chúc mừng Ban Nhà văn nữ

Nhà văn Xuân Phượng kể: "Cách đây khoảng hơn 19 năm, có đại diện một NXB Pháp qua gặp tôi ở Hà Nội, đặt vấn đề với tôi viết một tác phẩm về chính cuộc đời mình. Phải tới lần thứ ba họ đề nghị, tôi mới nhận lời. Vừa gật đầu xong, họ chuyển khoản ngay cho tôi 30.000 USD; số tiền năm 2001 khi ấy với tôi khá "khủng" khi mọi thứ đang rất khó khăn, lại còn nuôi 3 đứa con. Vì vậy, tôi đóng cửa ngồi viết ròng rã trong vòng 6 tháng được gần 1.000 trang. Nhìn tập bản thảo quá đồ sộ và… dày quá, tôi lại ngồi cắt bớt. Sau 3 tháng chọn lọc ra còn 300 trang để gởi đi xuất bản. Lúc đặt tựa đề, tôi cứ suy nghĩ mãi tại sao người Pháp họ có nhiều từ ngữ lâu ngày trở nên thuần Việt: cà phê, phô mai, pedan xe đạp, vậy tại sao mình không lấy một tựa sách mà họ không dịch được mà phải để nguyên. Từ đó tôi đặt tên cuốn hồi ký là Áo dài".
Tác phẩm Áo dài được NXB Plon in ấn và phát hành tại Paris (Pháp). Sau đó, tác phẩm này được dịch ra tiếng Anh, tiếng Ba Lan và trở nên nổi tiếng, đồng thời nhà văn Xuân Phượng liên tục nhận lời mời bay tới nhiều nước để nói chuyện về cuốn sách. Sau 19 năm, đạo diễn Xuân Phượng bắt tay viết lại tập hồi ký bằng tiếng Việt và xem đó như một món quà tinh thần gửi đến những người thân thương yêu mến quanh mình. Cuốn hồi ký được NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành vào tháng 9.2020 và tái bản lần 1 vào đầu tháng 11.2020 với tên gọi Gánh gánh gồng gồng như người mẹ tảo tần sớm hôm.

Buổi giao lưu Mẹ là nguồn cội của các nhà văn nữ TP.HCM diễn ra thật ấm áp, xúc động

Ảnh: Quỳnh Trân

Với hơn 300 trang sách, Gánh gánh gồng gồng đã đưa người đọc đến với cuộc đời của một người phụ nữ nhỏ nhắn sống vào những năm đầu của thế kỷ 20 và trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử đất nước. Bắt đầu từ một cô bé học tại trường Couvent Des Oiseaux - ngôi trường do Nam Phương Hoàng hậu tài trợ, đến khi bà rời bỏ gia đình thân yêu của mình đi theo cách mạng khi mới 16 tuổi...
Phát biểu đáp từ, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Bích Ngân chân thành cám ơn những tâm sự “rút ruột" của nữ nhà văn Xuân Phượng. Nữ văn sĩ Bích Ngân cũng trân trọng chúc mừng “một nửa thế giới” ngày 8.3 luôn dồi dào sức khỏe, có nhiều tác phẩm hay phục vụ độc giả, đồng thời chúc mừng Ban Nhà văn nữ nhiệm kỳ mới, do nhà thơ Huệ Triệu làm trưởng ban, ra mắt cùng dịp này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.