Ý kiến này được đưa ra tại tọa đàm giáo dục: "Hành động vì hạnh phúc học sinh", do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức vào chiều 14.12.
Bà Ngân cho rằng có rất nhiều yếu tố khiến học sinh (HS) cảm thấy thích thú khi đến trường. Trong đó có những thứ như: cơ sở vật chất hiện đại, khang trang, môi trường học tập chất lượng, hay nhà vệ sinh sạch sẽ cũng khiến HS cảm thấy phấn chấn hơn.
Ngoài ra, theo bà Ngân, giáo viên (GV) nên đầu tư về phương pháp giảng dạy để thu hút HS. Đồng thời có sự quan tâm nhiều hơn với HS chưa ngoan, học lực còn yếu kém. Có như vậy sẽ giúp HS đỡ tự ti, thích đến lớp học hơn.
Cũng tại tọa đàm, với sự tham gia của các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia tâm lý giáo dục, các nhà giáo..., đã có nhiều ý kiến, đề xuất thú vị được đưa ra. Mà nội dung hướng đến nhằm để hỗ trợ HS tích cực trong hành trình trưởng thành và tìm đến hạnh phúc song hành.
Ông Trần Trọng Khiêm, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Phú (TP.HCM) cho rằng hiện nay có không ít phụ huynh đã làm ảnh hưởng đến hành trình đi tìm hạnh phúc của HS. Cụ thể là có những hành động bộc phát, hành xử chưa chuẩn mực mỗi khi không vừa lòng với GV.
Ông Khiêm hy vọng phụ huynh tương tác nhiều hơn với GV, hiểu GV nhiều hơn, đặt bản thân vào vị trí của GV, qua đó có thể cùng GV có những cách dạy, giúp đỡ con cái ngày càng giỏi hơn, tiến bộ hơn.
Ông Khiêm cũng nói để HS thật sự hạnh phúc khi đến trường thì GV hãy làm hết trách nhiệm của mỗi người thầy, người cô bằng năng lực thật sự, biết lắng nghe tâm tình của HS, và nhất là khi đã chọn nghề giáo thì hãy làm vì HS.
Ngoài ra, theo ông Khiêm, "nhập gia phải tùy tục", nghĩa là trước khi giảng dạy ở một trường, nên hiểu đặc điểm tâm sinh lý của HS ở nơi ấy. Cần có những khảo sát toàn diện, thực tế để có thể thấu hiểu HS. Ngoài ra, GV phải được đào tạo toàn diện, thường xuyên tham gia các lớp bồi dưỡng về năng lực, biết cách quản lý lớp học tích cực...
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), thì cho rằng để HS hạnh phúc, không có cách nào khác ngoài việc "hãy làm vì học sinh, chứ đừng làm để báo cáo. Và nhất là hãy bắt tay vào hành động vì HS, chứ đừng vẽ ra kế hoạch để... báo cáo láo mà không làm gì cho HS cả".
Chú trọng tư vấn học đường
tin liên quan
Mời ca sĩ nổi tiếng về trường để giúp học sinh hạnh phúc hơnÔng Đỗ Công Đoán, Phó hiệu trưởng Trường Trung học Thực hành, Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, nhìn nhận hiện nay đa số HS cảm thấy bị gò bó, gượng ép và không thấy hạnh phúc khi đến trường chỉ vì gặp quá nhiều áp lực.
"Để học sinh vui và hạnh phúc thì cần giảm bớt áp lực cho học sinh. Mà một trong những cách để giảm áp lực đó là nâng 'chất' việc tư vấn học đường. Học sinh bị áp lực thi cử, phải học để thi, phải học để đậu đại học, nên áp lực vô cùng. Vì thế, những phòng tư vấn học đường cần được phát huy trong việc này, giúp học sinh đỡ chán ngán việc học hơn, đỡ gặp những áp lực bủa vây hơn", ông Đoán nói.
Bà Ngân cũng nhìn nhận hiện nay nhiều HS vì bị áp lực, stress, nên ảnh hưởng đến cuộc sống và cả học tập. Chính vì thế, điều nên làm của các trường là nâng cao chất lượng công tác tư vấn học đường.
"Nhưng đừng để giám thị, giáo viên chủ nhiệm đảm trách công việc này. Hãy mời những chuyên gia tâm lý độc lập ở bên ngoài về trường. Ở trường tôi, tôi đã từng mời 3 chuyên gia tâm lý về để tư vấn cho học sinh và thu hút rất đông học sinh. Có năm học đã tư vấn hơn 4.000 ca. Có những câu chuyện, có những nỗi niềm, có những mảng tối mà HS không dám hoặc không thích kể với giáo viên, nhưng sẵn sàng chia sẻ với chuyên gia tâm lý để được tháo gỡ. Không những tư vấn tâm lý cho HS, mà trường tôi còn tư vấn tâm lý, nói chuyện với phụ huynh. Để qua đó, phụ huynh hiểu hơn về con cái, về giáo viên, từ đó cùng giáo viên kết hợp tốt hơn trong việc giúp đỡ con cái học tốt, chăm ngoan hơn", bà Ngân chia sẻ.
Một cách khác, theo ông Phú, có thể công khai số điện thoại của những người có chuyên môn về tâm lý, những giáo viên uy tín trong trường, để HS có thể cậy nhờ, liên lạc khi gặp những khúc mắc khó khăn.
"Với cách làm này, ở trường tôi đã giúp không ít học sinh được tháo gỡ những chuyện khó đỡ. Tôi nghĩ rằng, nếu có được sự đồng cảm với HS, được HS tin tưởng, thì HS sẽ tìm đến khi gặp khó khăn, và không có ca nào là không giải quyết được cả", ông Phú chia sẻ thêm.
Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều người thừa nhận hiện nay sở dĩ HS chưa cảm thấy hạnh phúc thật sự khi đến trường là vì hay bị bố mẹ so sánh với "con nhà người ta", bố mẹ quá coi trọng điểm số, thành tích mà quên đi những ân cần, lo lắng về cuộc sống của con cái.
Bình luận (0)