3 KIỂU PHÁP LÝ NHÀ VEN KÊNH
Sau bài viết Cuộc cải tạo nhà ven kênh "lịch sử" của TP.HCM đăng trên Báo Thanh Niên ngày 23.2, nhiều người dân sinh sống trên và ven kênh, rạch (gọi tắt là nhà ven kênh) bày tỏ băn khoăn về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sắp tới sẽ như thế nào, có đảm bảo an cư hay không.

Nhà ven kênh, rạch ở TP.HCM đa phần diện tích nhỏ, có phần lấn chiếm nên nhận khoản bồi thường, hỗ trợ khá thấp
ẢNH: NHẬT THỊNH
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, thực tiễn pháp lý, nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của các hộ dân sống ven kênh rạch khá phức tạp, được chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 là phần đất ngoài phạm vi kênh, rạch có thể thuộc quyền sử dụng hợp pháp, hợp lệ hoặc do người dân lấn chiếm sử dụng. Nhóm 2 là phần đất trong phạm vi kênh, rạch mà người dân đã lấn chiếm sử dụng, tự ý san lấp nên hiện trạng là đất. Nhóm 3 là phần diện tích trong phạm vi kênh, rạch mà hộ dân đã lấn chiếm sử dụng, xây dựng nhà sàn, hiện trạng bên dưới vẫn là mặt nước. Đối chiếu quy định hiện hành, chỉ các hộ dân thuộc nhóm 1 mới được bồi thường còn nhóm 2 và nhóm 3 không được bồi thường mà chỉ được hỗ trợ, đồng nghĩa với việc không được bố trí tái định cư.
Mặt khác, phần lớn nhà ven kênh rạch có diện tích nhỏ, một phần lấn chiếm. Đơn cử như tại dự án cải tạo bờ bắc kênh Đôi (Q.8), kết quả thống kê 1.024 trường hợp giải tỏa toàn bộ cho thấy diện tích trung bình của hộ dân là 22 m², trong đó ở P.12 thấp nhất chỉ 16,6 m². Khi kết hợp 2 yếu tố trên, khoản kinh phí bồi thường, hỗ trợ mà người dân nhận được thường rất thấp, không đủ để mua nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội.
Trước thực trạng này, lãnh đạo một số quận, huyện ở TP.HCM đề xuất cần có chính sách đột phá, chưa có tiền lệ để tăng mức hỗ trợ cho các loại nhà nằm trên kênh. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện kế hoạch cải tạo gần 40.000 căn nhà ven kênh trong giai đoạn 2026 - 2030.
TĂNG MỨC HỖ TRỢ, AI CŨNG CÓ CHỖ Ở
Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM Võ Trung Trực cho biết đã đề xuất biện pháp, chính sách hỗ trợ khác theo luật Đất đai 2024 với nhiều ưu đãi để người dân sinh sống trong nhà ven kênh có được chỗ ở tốt hơn. Những chính sách này đã áp dụng với dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (Q.Bình Thạnh, Q.Gò Vấp) và bờ bắc kênh Đôi (Q.8).
Cụ thể, đất có nhà ở sử dụng trước ngày 1.7.2014 được hỗ trợ 70% giá bồi thường đất ở đã trừ nghĩa vụ tài chính. Mức hỗ trợ trên được áp dụng thống nhất, không phân biệt trường hợp thu hồi một phần hay toàn bộ; sông, ngòi, kênh, rạch còn hay không còn chức năng tiêu thoát nước. Diện tích để tính hỗ trợ bao gồm phần đã san lấp và phần chưa san lấp nhưng có nhà, công trình, vật kiến trúc.
Về tái định cư, Sở TN-MT đề xuất bố trí nền đất, căn hộ tái định cư hoặc nhà ở xã hội tùy theo điều kiện pháp lý sử dụng đất. Nếu người dân đủ điều kiện tái định cư thì thực hiện theo quy định. Trong trường hợp thu hồi toàn bộ nhà ở, đất ở nhưng không đủ điều kiện bồi thường về đất ở thì người dân được tái định cư bằng nền đất, chung cư hoặc nhà ở xã hội nếu diện tích đất ở thu hồi lớn hơn hoặc bằng hạn mức giao đất. Trường hợp diện tích đất ở thu hồi nhỏ hơn hạn mức giao đất ở tại địa phương thì giải quyết tái định cư bằng căn hộ chung cư hoặc bằng nhà ở xã hội.
Nếu khoản tiền bồi thường, hỗ trợ về đất ở không đủ so với giá trị của một suất tái định cư tối thiểu thì người dân được nhà nước hỗ trợ đủ để được giao một suất tái định cư tối thiểu (bằng tiền, bằng đất ở, bằng nhà ở). Bên cạnh đó, nếu tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ về nhà ở, đất ở hộ dân được nhận không đủ thanh toán giá trị nhà ở trong khu tái định cư thì được xem xét trả góp trong vòng 15 năm (đối văn căn hộ) hoặc ghi nợ tiền sử dụng đất (đối với nền đất).
Ngoài ra, TP.HCM cũng xem xét giải quyết thêm 1 suất tái định cư với hộ gia đình có từ 7 nhân khẩu thường trú trở lên, thực tế có sinh sống tại khu đất thu hồi.
Khởi công 2 dự án cải tạo kênh, rạch trong năm 2025
Hệ thống kênh rạch trong phạm vi nội thành TP.HCM dài hơn 105 km gồm 5 tuyến chính và các chi lưu: kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Đôi - Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.
Thời gian qua, TP.HCM tập trung nguồn lực, hoàn thành cải tạo 3 tuyến chính gồm Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé và Tân Hóa - Lò Gốm. Riêng tuyến Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đang thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Trong năm nay, TP.HCM dự kiến khởi công 2 dự án lớn gồm cải tạo rạch Xuyên Tâm vào tháng 4 và bờ bắc kênh Đôi vào tháng 8, ngay sau khi hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Bình luận (0)