Nhà vô địch bóng chuyền Bùi Thị Huệ có một tuổi thơ khó khăn, song những thành tích chói sáng đã đến với cô gái đầy nghị lực.
Bùi Thị Huệ, niềm tự hào của bóng chuyền Thái Bình và bóng chuyền Việt Nam - Ảnh: Volleyball.vn
|
“Vợ chồng Huệ ở riêng trong căn nhà mới xây trên thành phố, nhà 3 tầng, đẹp lắm. Chúng nó đang tất bật đón 2 cậu con giai đầu lòng, sinh đôi”, bà Nga, mẹ của Huệ hồ hởi khoe.
Từ VĐV lớn lên bằng khoai sắn…
Sau này, Bùi Thị Huệ rời đội tuyển quốc gia, về Thái Bình thi đấu, sau đó làm công tác huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Thái Bình, bà Nga hay lên thăm con và thăm luôn các VĐV trẻ, học trò của con gái.
“Bà ơi bà, trước đây cô Huệ ăn gì mà giỏi thế?”, những cô bé 13, 14 tuổi hỏi bà Nga. “Cô Huệ chẳng có gì ăn ngoài khoai. Nhà bà cấy hơn 1 mẫu ruộng, trồng hàng cánh đồng khoai, trong nhà lúc nào cũng 7, 8 thúng khoai, thời bao cấp thiếu thốn, cô Huệ phải ăn khoai trừ bữa”, bà Nga bộc bạch.
Thế mà khoai sắn vẫn nuôi chủ công của đội tuyển bóng chuyền quốc gia lớn vù vù. Năm 12 tuổi, Huệ đã cao hơn 1,6 m. “Người Huệ dài loằng ngoằng, tôi khai trong hồ sơ là con sinh năm 1984 để học cùng các bạn hơn 1 tuổi”, bà Nga cười.
Bà Nga, mẹ của chủ công Bùi Thị Huệ kể về con gái - Ảnh: Lê Nam
|
Ông Bùi Văn Ninh, bố của Bùi Thị Huệ thì không quên được một ngày chủ nhật năm Huệ 12 tuổi, rơi đúng vào ngày 27.7, Huệ đang xem ti vi nhà hàng xóm bỗng chạy một mạch về bảo bố: “Bố ơi bố, bố cho con đi đánh bóng chuyền”. Ông Ninh cười phá lên, nghĩ con gái nói cho vui. Tuy nhiên, cũng để chiều con gái, hai cha con chở nhau trên chiếc xe đạp lọc cọc từ xã Thái Giang huyện Thái Thụy lên thị xã Thái Bình thi tuyển.
“Một ông HLV nhìn Huệ thì khen Huệ cao, có tố chất VĐV. Người này cũng rất hài lòng khi biết Huệ những năm qua đều là học sinh khá giỏi của trường cấp 2. Người ta cho Huệ thử nhảy và đập bóng, Huệ làm rất tốt. Con gái còn chạy ra khoe với tôi: Bố ơi đấy là con đói đấy, con mà no thì con còn đập mạnh hơn”, ông Ninh nhớ lại.
Huệ trúng tuyển. Bố đưa con gái đi may những bộ quần áo thể thao đầu tiên. “Tôi nhìn con gái mặc bộ đồ thể thao thì thấy mắt cay cay. Con gái ở Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao tỉnh, cuối tuần mới về. Tôi nhớ con cứ hôm nào rảnh lại chạy lên, mang ít quà, khúc mía, hay cái bánh mì cho con. Bạn bè về kể lại, sáng sáng, con bé kẹp chiếc bánh mì ở nách ấy, ăn no rồi chạy băng băng, các VĐV khác phải nể phục. Năm 12 tuổi, Huệ từng thi giải vô địch điền kinh thanh thiếu niên toàn quốc, mang về một lúc mấy HCV, HCB”, ông Ninh xúc động.
Chiều thứ 6 hàng tuần, ông Ninh đạp xe đạp ra chân cầu Bo chờ con để đón về nhà, chưa thấy bóng dáng cô con gái cao kều đâu là lòng như lửa đốt.
Ông Bùi Văn Ninh, bố của Bùi Thị Huệ chia sẻ với Thanh Niên những câu chuyện của nữ VĐV ngày thơ ấu
Cháu của nữ VĐV đứng bên tấm ảnh cưới của cô Bùi Thị Huệ và chú Trần Văn Giáp (trái) tại ngôi nhà ở xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, Thái Bình - Ảnh: Lê Nam
|
“Năm 14 tuổi, Huệ vào đội 1 bóng chuyền Thái Bình. Năm 16 tuổi, Huệ chính thức vào đội tuyển quốc gia. Con bé là trụ cột của cả đội Thái Bình. Tôi xem con thi đấu ở khắp các nhà thi đấu ở Thái Bình, Nam Định, cứ 1 cái xe đạp, đạp đi, đạp về. Có hôm đạp từ Nam Định về tới nhà đã là 12 giờ đêm. Có hôm buồn cười lắm cô ạ, mình là bố nó ngồi trên khán đài, thế mà bên cạnh, mấy ông đâu đâu cứ vỗ tay đì đùng khen con Huệ đập bóng giỏi rồi bảo mình: “Cháu bên nội nhà tôi đấy”, ông Ninh cười lớn.
“Nhiều khách khứa đến nhà tôi chơi, cứ hỏi tôi với bà nhà tôi, cách nào nuôi dạy con Huệ thành tài, tôi bảo chẳng có gì, toàn khoai sắn, bánh mì. Nhưng mình thương yêu con và luôn sát bên, động viên con”, ông Ninh trầm ngâm.
… Tới người thầy dạy bóng chuyền cá tính
Huệ đã về Thái Bình làm HLV hơn 2 năm nay. Song, năm 2014, cô vẫn thi đấu trong màu áo CLB tỉnh nhà ở giải đấu diễn ra tại Nhà thi đấu tỉnh.
Bùi Thị Huệ nổi tiếng là một HLV nghiêm khắc, mạnh mẽ, cá tính. Cô sẵn sàng lớn tiếng, thậm chí thẳng tay tát một nữ VĐV ít tuổi khi học trò này trốn đội ra ngoài... uống rượu vì mất phương hướng.
Bùi Thị Huệ, "tượng đài" bóng chuyền nữ Thái Bình - Ảnh: Volleyball.vn
|
“Cô bé ấy năm nay 17 tuổi và đang là một VĐV khá ở Thái Bình, rất ngoan và luôn nỗ lực tập luyện. Bố mẹ của cô bé ấy đến tận nhà tôi để nói lời cảm ơn Huệ, nói rằng Huệ như mẹ thứ 2 của con gái ông bà ấy”, bà Nga, mẹ của chủ công Bùi Thị Huệ kể lại.
Bố của “búa máy” Bùi Thị Huệ thì cho rằng, ông tự hào nhất về con gái ở tấm lòng nhân hậu. Ông Ninh kể: “Ngày xưa khó khăn, chúng tôi tích cóp và mua cho Huệ một chiếc xe đạp mini Nhật để con đi lại, sau này thấy một em học trò nghèo, không có xe đi, Huệ cho mượn luôn, chiếc xe sau đó bị mất trộm, Huệ buồn lắm nhưng cũng không trách nửa lời.
Bố mẹ của học trò nào ốm, Huệ đều vào tận bệnh viện thăm, tặng tiền, vì biết các em thi đấu bóng chuyền xa nhà biền biệt, vất vả gian truân mà lương thưởng không được bao nhiêu cả…”.
Bùi Thị Huệ sinh năm 1985 tại xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, Thái Bình, cao 1,74 m, nặng 70 kg.
Năm 12 tuổi, Huệ thi đấu và đoạt 3 HCV, 2 HCB tại Đại hội điền kinh thanh thiếu niên toàn quốc dù chỉ mới tập.
Năm 12 tuổi Huệ cũng bắt đầu làm quen với bóng chuyền. Năm 16 tuổi cô chính thức lên đội 1 Thái Bình, đây cũng là thời điểm cô được gọi tên vào đội tuyển quốc gia và là VĐV trẻ tuổi nhất.
Đeo băng đội trưởng đội bóng chuyền Thái Bình, cô giúp Vital Thái Bình vô địch bóng chuyền quốc gia 2007, trong màu áo đội tuyển quốc gia, Bùi Thị Huệ cùng đồng đội liên tiếp giành ngôi Á quân từ SEA Games 21 đến SEA Games 25.
Cô có các biệt danh “búa máy”, “oanh tạc cơ”, hay “tay đánh búa bổ” vì các động tác đập bóng mạnh, dứt khoát, có thể đập các quả “một tiếng” (tiếng bóng chạm tay và bóng chạm sàn gần như cùng lúc).
Lê Nam
|
Bình luận (0)