(TNO) Nhà vô địch SEA Games Nguyễn Thị Huyền, người vừa giành 2 vé chính thức đến Olympic 2016 cho hay nếu có được đề xuất cho đi Mỹ tập huấn, cô sẽ từ chối và xin ở lại Việt Nam.
Nguyễn Thị Huyền "ngại" đi Mỹ tập huấn - Ảnh: Khả Hòa
|
Có sự lạ đời này hay không, khi mà nhiều VĐV khác mong có cơ hội được đi nước ngoài (đặc biệt là Mỹ) để được nâng cao thể lực, trình độ, còn ở đây, “lọ lem” lại chọn ở nhà?
Kỷ lục gia SEA Games từ chối trả lời câu hỏi của Thanh Niên Online, phải chăng cô sợ vướng phải "dớp" của chính bản thân cô và những người đàn chị đi trước như Vũ Thị Hương, Quách Thị Lan từng sang Mỹ tập huấn và chưa thành công?
Nguyễn Thị Huyền từng được đưa sang bang Florida tập huấn trong khoảng 4 tháng trước ASIAD 2014. Tại đây cô được các HLV áp dụng những giáo án riêng, được chăm lo bữa ăn, giấc ngủ khoa học, có cả những phiên dịch viên hỗ trợ ngôn ngữ cho các VĐV.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của Nguyễn Thị Huyền, việc tập huấn này có thể phù hợp với các VĐV khác nhưng không thích hợp với cô và cô không thích nghi được. Trong một quãng thời gian 4 tháng đó ở Mỹ, Nguyễn Thị Huyền bị đau dạ dày liên miên vì không thể ăn được đồ ăn phương Tây. Thể lực của Huyền cũng vì lý do đó mà không thể đảm bảo. Khi mà Huyền vừa kịp làm quen với cách huấn luyện cũng như môi trường sống của các VĐV bên này, cũng là lúc phải trở lại Việt Nam.
Kết quả, tại ASIAD 2014, Huyền không đạt được thành tích như mong đợi, cô nhạt nhòa sau một mùa ASIAD. Bản lĩnh giúp Huyền quên đi những nỗi buồn này, cô tập trung cho Đại hội thể dục thể thao toàn quốc cuối năm ngoái và sau đó là SEA Games 28, Grand Prix châu Á.
Ông Phạm Văn Chinh, Trưởng bộ môn điền kinh Nam Định, HLV tuyển trẻ Quốc gia môn điền kinh xác nhận, trước khi SEA Games diễn ra, có xem xét cho Huyền được đi Mỹ, kinh phí 50 - 50, Tổng cục thể dục thể thao và Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nam Định cùng trả. Tuy nhiên, phía Nam Định kinh phí hạn hẹp, Huyền đành ở nhà.
Nguyễn Thị Huyền (áo số 344) và Quách Thị Lan sau khi chiến thắng nội dung tiếp sức 400m tại SEA Games 28 - Ảnh: Khả Hòa
|
Song, đó chưa hẳn là tín hiệu buồn với Huyền. Nhà vô địch SEA Games 28 cho biết cô thích hợp với môi trường tập huấn tại Việt Nam, tập luyện trong một trạng thái tâm lý lạc quan, thoải mái, cộng với quyết tâm cao độ, cô đã giành được liên tiếp những chiến thắng từ cuối năm 2014 đến nay: 4 HCV Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc, 3 HCV SEA Games 28, phá 2 kỷ lục SEA Games, mang về 2 HCV Grand Prix.
Song, để đạt được thành tích tại Olympic 2016, đó là một quá trình khổ luyện hơn với Nguyễn Thị Huyền. Cô cho hay, Việt Nam hoàn toàn là môi trường có thể huấn luyện tốt cho VĐV có thành tích cao, nếu chú trọng thêm yếu tố dinh dưỡng cho VĐV cũng như cơ sở vật chất để VĐV tập luyện.
VĐV người Nam Định không nói rõ những gì còn hạn chế ở bữa ăn và cơ sở vật chất cho VĐV tại Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Nhổn (Hà Nội) song, chúng tôi đã nhiều lần nhìn tận mắt những bữa ăn của các VĐV và… thở dài ngao ngán.
Có thể có một VĐV cho thành tích cao không khi VĐV thường xuyên phải ra ngoài tìm cơm bụi, hoặc phở, mì ăn tạm vì quá bữa (bữa cơm tại Trung tâm thường bắt đầu lúc 18 giờ, nhưng giờ tập luyện của các VĐV điền kinh vào mùa hè có thể kết thúc lúc 20 giờ). Đó là chưa nói đến bữa ăn đó liệu có đủ dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho 1 VĐV, đặc biệt là VĐV tập luyện cường độ cao và VĐV trọng điểm?
Muốn từ cánh gà bước lên bục vinh quang
Trước ngổn ngang nhiều nỗi lo của các VĐV về quá trình chạy đà cho Olympic, ông Dương Đức Thủy, Trưởng bộ môn điền kinh, Tổng cục thể dục thể thao nhìn nhận khá lạc quan về bộ môn này tại Olympic 2016.
Ông cho hay: “Nếu như nói mỗi tấm vé tham dự Olympic là một suất đến event (sự kiện), thì các VĐV của chúng ta đang đứng ở cánh gà rồi. Chúng tôi phấn đấu những VĐV đến với Olympic phải đi từ cánh gà, rồi vào ngồi ở ghế giữa, sau đó ngồi ghế gần hơn, sau đó được lên bục vinh quang”.
Tập thể HLV, VĐV điền kinh có thành tích xuất sắc tại SEA Games 28 - Ảnh: Thúy Hằng
|
“Phải phấn đấu để VĐV vào vòng 32 người, qua vòng 16 người, sau đó được vào chạy chung kết 8 người tại Olympic. Một ngày nào VĐV điền kinh Việt Nam được lọt vào chạy chung kết 8 người, đó là niềm hạnh phúc tuyệt vời”, trưởng bộ môn điền kinh bày tỏ.
Theo người đứng đầu bộ môn điền kinh, để các VĐV có thành tích tốt, đến thành tích chuẩn Olympic là một quá trình, đòi hỏi các VĐV lúc nào cũng phải cố gắng.
“Chúng tôi luôn muốn tinh thần Olympic thấm vào những người làm thể thao, những người quản lý thể thao. Nếu VĐV chưa được tham dự Olympic, chưa có thành tích ở ASIAD thì cố gắng ở Đại hội thể dục thể thao toàn quốc, các giải vô địch quốc gia, đây là cơ hội để sàng lọc VĐV thành tích cao”, ông Thủy nói.
Hiện tại, ở bộ môn điền kinh, hai anh em họ Quách - Quách Thị Lan và Quách Công Lịch chuẩn bị sẵn sàng tâm lý đi Mỹ nếu như Sở Văn hóa -Thể thao - Du lịch Thanh Hóa đạt được đồng thỏa thuận với Tổng cục thể dục thể thao về kinh phí. Chuyện đưa các VĐV trọng điểm đi nước ngoài tập huấn cho Olympic vẫn đang được giới chuyên môn xem xét.
Bình luận (0)