>> Hoàng Phan

Nương trồng quýt có tổng diện tích gần 30.000 m2 của vợ chồng anh Sền Pờ Diu, chị Pờ Thị Sen nằm tít trên núi cao ở thôn Chung Chải B, cách thị trấn Mường Khương gần 7 km. Đường lên là những con dốc quanh co, khúc khuỷu. Nhưng khi chúng tôi tìm lên đây cũng thật bất ngờ, ngay ở nương quýt với 2.000 gốc đa cho thu hoạch, nhiều vị khách tìm đến tận vườn tự tay cắt lấy những quả quýt căng bóng.

Chị Tẩn Thị Trang đến vườn mua quýt về làm cỗ mừng nhà mới

“Mua 40 kg à, chỉ cần cắt hơn hai gùi thôi, là đủ nhé”, giọng chị Pờ Thị Sen ân cần dặn dò chị em Tẩn Thị Trang trước khi đeo chiếc gùi nhựa, cầm kéo trên tay tiến sâu vào khu vườn trĩu quả. Chị Tẩn Thị Trang cho biết, nhà ở xã Lùng Khấu Nhin, cách vườn hơn 20 km đến vườn mua quýt về làm đám cỗ lên nhà mới. “Ăn quýt của nhà nó (chị Sen - PV) mấy năm rồi, ngày trước nó còn bán quýt ở chợ Mường Khương giờ thì không  thấy nữa, qua zalo thấy vườn nó đẹp quá nên mình tự đến đê để cắt mua vậy”, chị Trang kể về cơ duyên đến với vườn quýt giáp biên giới này.

Cũng là khách đến mua quýt, chị Phạm Cao Ly, nhà ở bản Quẩn, xã Bản Phiệt, H.Bát Xát đi xe máy hơn 40 km từ nhà qua TP Lào Cao để tìm đến vườn. Chị Ly biết vườn quýt này khi đọc Báo Lào Cai, tình cờ một vài người bạn trên facebook  bấm “like” hình ảnh vườn quýt đăng bán hàng. Cũng vì tò mò và muốn thưởng thức quýt sạch, đã không quản đường xa để trải nghiệm cảm giác: “Cắt quýt mua trực tiếp ở vườn thích và yên tâm hơn khi chọn mua ngoài chợ”.

Khách tìm đến vườn tự tay cắt mua quýt, bà chủ Pờ Thị Sen cũng thành thơi hơn khi nói chuyện với chúng tôi. Chị Sen kể, hơn 3 năm về trước, điện thoại chỉ dùng nghe và gọi nhưng giờ đã biết lướt facebook, zalo những tài khoản này đều do người thân lập cho.  Khi một lần tình cờ thấy người quen đưa ảnh lên bán hàng, chị Sen thấy hay hay cũng nhờ chỉ dạy mà chữ thuộc chữ quên. “Cũng nhờ “phây” mà mình quyết tâm học, phải xóa mù chữ cho chính mình, phải thuộc con chữ mới sử dụng và làm chủ được nó”, chị Sen kể. Cho đến giờ, người phụ nữ người Pa Dí với chiếc điện thoại smartphone trong tay, sóng 4G Viettel căng đét đang làm vườn trên nương ruộng chỉ cách đất Trung Quốc vài rặng núi cũng có thể tự mình chụp ảnh, viết câu ngắn quảng bá vườn quýt sạch chín mọng đến bạn bè, khách hàng gần xa.

Sóng di động rồi đến 3G, gần nhất là 4G Viettel giờ đã phủ khắp vùng đất biên giới Mường Khương (tỉnh Lào Cai) đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số như vợ chồng anh Sền Pờ Diu và chị Pờ Thị Sen dễ dàng kết nối với thế giới bên ngoài, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp.

Sóng 4G Viettel mang intetnet đến thôn Chúng Chải B, giúp người dân có thể học hỏi kỹ thuật trồng quýt và nhiều cây trồng khác.

Ở thôn Chúng Chải B, anh Diu là người đầu tiên mang cây quýt về đây. Giống mua từ bên Trung Quốc nhưng trồng đến 3 - 4 năm vẫn không ra quả. Mỗi lần đi thăm bạn Trung Quốc, anh Diu tìm cách học lỏm kỹ thuật từ nông dân trồng quýt về thí điểm ở vườn ra làm sao cho ra quả sai hơn.

Còn cách thứ hai, vợ chồng anh Diu vừa được cán bộ khuyến nông huyện Mường Khương hướng dẫn thực tế kết hợp tự vào mạng tìm xem video hướng dẫn trồng và chăm sóc quýt, từ làm đất trồng, đến phòng chống sâu bệnh ra sau đều có video hướng dẫn, rất dễ dàng áp dụng làm theo. “Nhờ có sóng di động, internet những người đồng bào dân tộc thiểu số có thể học hỏi kỹ thuật dễ dàng để gia tăng năng suất cây trồng, biết thêm nhiều loại giống mới”, anh Diu nói.

Sóng 4G Viettel mang intetnet đến thôn Chúng Chải B, giúp người dân có thể học hỏi kỹ thuật trồng quýt và nhiều cây trồng khác.

Cây quýt giúp cuộc sống đôi vợ chồng này thu nhập cao hơn cây lúa cây ngô, có điều kiện nuôi con ăn học ở ngoài thị trấn Mường Khương. Mạng xã hội, đường truyền internet đã làm cuộc sống cộng đồng người dân tộc thiểu số giáp bên đổi thay từng ngày. Hiện tại, thôn Chúng Chải B với 37 nóc nhà người dân tộc Pa Dí, Mông, Phù Lá…đã biết thêm nghề trồng quýt và xen canh thêm nhiều loại cây khác như mận tam hoa, bưởi đào, hồng giòn không hạt. Mà theo anh Diu nói, đó là nhờ tiện ích của internet mang đến cho cồng động cư dân biên giới này.

Chị Sen kể, dù được người thân hướng dẫn nhưng những ngày đầu bán hàng qua facebook, zalo vừa lo vừa sợ mất hàng. Nó không giống như khi chị Sen mang quýt ra ngồi bán ở chợ Mường Khương vì: “Cả người mua lẫn người bán đều không biết mặt nhau”. Nhưng sau đó, hàng gửi đi, tiền gửi lại thì chị Sen hoàn toàn yên tâm bán hàng qua mạng. Giờ đây, mạng lưới khách mua quýt của nhà vườn đã có nhiều tỉnh phía Bắc và mối nhập hàng quen ở thành phố Lào Cai. Cũng nhờ quảng bá qua mạng, khách tìm đến vườn chơi, mua quýt mỗi ngày một nhiều hơn.

Cũng theo chị Pờ Thị Sen, với 2.000 gốc quýt đang cho thu hoạch, dự kiến năm nay sẽ thu về khoản hơn 10 tấn, giá bán bình quân 16.000 - 18.000 đồng, vườn quýt cho thu về trên 300 triệu đồng, trừ toàn bộ chi phí đầu tư gia đình cũng lãi khoảng 200 triệu đồng. Trong số sản lượng quýt thu năm nay thì có 1/3 là bán lẻ cho khách qua facebook, zalo. Còn lại là bán cho khách quen nhiều năm ở thành phố Lào Cai và trong H.Mường Khương.

Không cần ra chợ mà vẫn bán cả tấn quýt mỗi tuần qua facebook, zalo, vợ chồng anh chị Sền Pờ Diu và Pờ Thị Siu giờ đây không còn lo quýt ế

Nhắc đến chuyện bán hàng qua facebook, zalo, anh Sền Pờ Diu cười hấp háy. Anh Diu cho biết, khách trong thị trấn Mường Khương đặt thì mình chở đến tận nơi, còn ở xa thì đóng thùng gửi theo xe khách, có ngày chở quýt đi liên tục từ sáng sớm đến quá trưa mới được ăn cơm. “Nếu ngày trước trồng quýt chỉ mang ra chợ Mường Khương bán thì mỗi tuần chỉ bán một vài tạ, còn bây giờ thì không cần đi chợ nữa bán trên facebook, zalo có thể đạt 1 - 2 tấn, không lo hàng ế nữa rồi”, anh Diu nói.

Không chỉ có quýt, rồi đây nhiều loại cây ăn quả khác của đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Chúng Chải B, của những đôi vợ chồng như anh Diu, chị Sen được Viettel cung cấp đường truyền internet, sóng viễn thông, di động để bán qua mạng xã hội sẽ còn được quảng bá, vươn mình đi xa.

Đồ họa: Lâm Nhựt |  Ảnh: Trọng Tùng

Báo Thanh Niên
24.11.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.