Nhà xuất bản Giáo dục đề xuất 'bán chịu' sách giáo khoa cho các trường tham khảo

29/12/2019 07:38 GMT+7

Các cơ sở giáo dục của Thủ đô nóng lòng muốn tiếp cận đầy đủ cả 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ngỏ ý sẽ “bán chịu”, khi nào chờ có giá sẽ thu tiền.

Để cuộc sống “ùa vào” sách giáo khoa?

Đến thời điểm này, Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước tổ chức hội thảo giới thiệu cùng lúc tất cả 5 bộ sách giáo khoa  lớp 1 mới vừa được Bộ Giáo dục - Đào tạo phê duyệt.
Với thời gian trọn vẹn một ngày thứ bảy (28.12) dành cho phần giới thiệu và hỏi đáp, đại diện các nhà xuất bản và tác giả của 5 bộ sách giáo khoa lần lượt giới thiệu khái quát về các bộ sách của mình, bao gồm: Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống; Cùng học để phát triển năng lực; Chân trời sáng tạo; Vì sự tiến bộ và dân chủ trong giáo dục.
Đại diện mỗi nhà xuất bản và tác giả đều chỉ ra những mong muốn của mình trong quá trình biên soạn sách giáo khoa nhằm thay đổi theo yêu cầu của chương trình mới. Ví dụ, bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực" được thiết kế với các hoạt động học và gắn với thực tế đời sống, mang tính mở, giúp giáo viên áp dụng linh hoạt, phù hợp nhiều môi trường dạy học khác nhau.
Bộ sách chú trọng việc hình thành năng lực tự học cho học sinh qua việc cung cấp thông tin sự kiện, tình huống thực tế… để học sinh dễ tiếp nhận thông tin, thực hiện các nhiệm vụ học tập (thông qua các hoạt động học).
Từ quá trình đó, học sinh tự rút ra tri thức và thực hành tạo ra sản phẩm học tập. Sau những bài tập hoặc thực hành giải quyết vấn đề, học sinh sẽ có khả năng phát triển năng lực giải quyết vấn đề trong cuộc sống.
Bà Trần Thị Hiền Lương, tác giả sách giáo khoa môn Tiếng Việt trong bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực", chia sẻ việc thiết kế các tình huống để học sinh có suy nghĩ, tư duy, bộc lộ cảm xúc riêng, chứ không chỉ bắt chước theo mẫu, làm theo giáo viên.

Đại diện tác giả giới thiệu về bộ sách giáo khoa của nhóm mình biên soạn

Ảnh T.N

Ông Đỗ Tiến Đạt, một trong những chủ biên sách toán của bộ "Cánh diều", thì cho hay khi dạy học theo hướng phát triển năng lực người học, thì dạy học phải hướng tới từng đối tượng học sinh, phải cho học sinh được trải nghiệm thực tế… Do vậy, chủ trương nhất quán khi biện soạn sách  toán là mỗi tiết học đều có một phần để “cuộc sống ùa vào bài học”.
Ví dụ học đếm, học sinh sẽ đếm luôn những vật dụng trên bàn học, bài tập về nhà sẽ là vào bếp với mẹ để biết có những đồ vật gì trong bếp… Mỗi đơn vị kiến thức phải giúp các học sinh ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống...
Nhiều bộ sách giáo khoa chủ trương xây dựng các tuyến nhân vật trong mỗi cuốn sách như những người bạn gần gũi với học sinh lớp 1 xuyên suốt từ đầu đến cuối cuốn sách, nhằm tạo hứng thú và tò mò của học sinh. Rất nhiều cuốn sách có trình bày sinh động, đa dạng sắc màu, minh hoạ bằng nhiều hình ảnh, tranh vẽ thay vì in hay màu đen trắng và quá nhiều chữ như sách giáo khoa hiện hành.

Điện tác giả giới thiệu về sách giáo khoa lớp 1 mới

T.N

Bán chịu hay bán rẻ đều không mua, chỉ mượn!

Trong phần thảo luận, hầu hết lãnh đạo phòng Giáo dục - Đào tạo và các nhà trường ở các quận huyện Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Thạch Thất, Sơn Tây, Quốc Oai, Sóc Sơn… đều có chung một đề nghị và mong muốn lớn nhất là các cơ sở giáo dục sớm được có trong tay đầy đủ cả 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để nghiên cứu, tìm hiểu và dạy thử… cho học sinh.
Đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Hoàn Kiếm cho biết, hiện giáo viên chưa được tiếp cận đầy đủ 32 đầu sách do Bộ phê duyệt. Do vậy, mong muốn lớn nhất là sớm có các bộ sách cho từng đơn vị. Có như vậy giáo viên mới đủ thời gian tiếp cận nội dung sách giáo khoa một cách tốt nhất, qua đó có hướng lựa chọn và đầu tư về trang thiết bị, cơ sở vật chất  phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 đạt hiệu quả.
Vị này cũng cho biết các trường tiểu học nói chung và giáo viên dự kiến dạy lớp 1 của quận nói riêng, rất mong muốn dự thảo thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục sớm được Bộ ban hành, để các nhà trường lên phương án về nhân sự trong hội đồng cũng như quy trình chọn sách giáo khoa.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo Quốc Oai, cho biết hiện trong tay mới có 2/5 bộ sách giáo khoa. Ngay tại hội nghị giới thiệu sách thì giáo viên cũng chỉ được tiếp cận một số sách giáo khoa trong 2 bộ đó.
“Để giáo viên đánh giá và đề xuất nên lựa chọn sách nào thì ít nhất trong tay phải có cuốn sách đó nên đề nghị Sở có hướng giải quyết thế nào  để ít nhất mỗi nhà trường phải có đủ 5 bộ sách, qua đó có đánh giá và sự lựa chọn phù hợp nhất”, bà Hải đề nghị.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, cho rằng đây cũng là điều mà Sở rất mong muốn. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục chưa thể chủ động mua vì hiện sách giáo khoa mới chưa bán ngoài thị trường do chưa có giá chính thức. Ông Tiến bày tỏ mong muốn các nhà xuất bản có cách thức nào đó gửi cho các phòng giáo dục một số lượng nhất định các bản mẫu sách giáo khoa mới để các nhà trường và giáo viên sớm tiếp cận và nghiên cứu.
Ngay sau đó, ông Tiến truyền đạt ý kiến đáp lại của ông Nguyễn Đức Thái , Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cho rằng Nhà xuất bản có thể “bán chịu” sách giáo khoa mới cho các cơ sở giáo dục của Hà Nội, khi nào có giá bán thì mới thu tiền.
Tuy nhiên, các cơ sở tỏ ra không “mặn mà” với đề xuất này. Bà Vương Thị Minh Hải, Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo Thị xã Sơn Tây, dù khẳng định sách mới có càng sớm càng tốt để không chỉ nhà trường tìm hiểu mà còn là thông tin để tuyên truyền đến phụ huynh học sinh, nhưng bà Hải khẳng định: “Địa phương và các nhà trường của chúng tôi không có tiền để chi trả cho việc thẩm định sách. Nên các đơn vị có nhã ý giới thiệu sách để chúng tôi lựa chọn thì hãy gửi sách cho chúng tôi mượn. Chúng tôi cảm kết khi chọn xong sẽ trả lại sách mẫu chứ không “mua chịu” hay mua rẻ”.
Ông Ngô Văn Chức, Phó trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Sóc Sơn đề nghị các nhà xuất bản cần giới thiệu toàn bộ các bản mẫu sách giáo khoa lên trang web chính thức của mình để bất cứ ai cũng có thể đọc, tìm hiểu và nghiên cứu sách giáo khoa đã được phê duyệt, thay vì phải chờ đợi định giá và có sách bán trên thị trường mới mua được.
Ông Phạm Xuân Tiến cho rằng, về mặt nguyên tắc, tất cả các sách được Bộ thẩm định, phê duyệt đều có thể sử dụng trong nhà trường như sách tham khảo, và do vậy có thể lấy từ nguồn kinh phí cấp cho việc mua sách thư viện trường học để dùng vào việc này.

Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến giới thiệu sách giáo khoa tới khoảng 7.000 cán bộ, giáo viên trong ngành

Ảnh T.N

Theo ông Tiến, thay vì để mỗi nhà xuất bản hay từng bộ sách tự liên hệ và giới thiệu sách giáo khoa đến các trường và quận, huyện thì Ban giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đã hội ý và quyết định Sở sẽ chủ động mời các nhà xuất bản và đại diện các nhóm tác giả đến giới thiệu sách giáo khoa cho các phòng Giáo dục và nhà trường, giáo viên dự kiến dạy lớp 1 trên toàn Thành phố với con số lên tới khoảng 7.000 người dự, quy mô rất lớn. Có những huyện tổ chức điểm cầu đến từng xã để cán bộ, giáo viên ở các trường đóng tại xã đó tiếp cận với sách mới nhiều nhất có thể.
Đây mới là giai đoạn 1, sau khi Bộ ban hành Thông tư quy định về chọn sách giáo khoa thì lúc đó việc tiếp cận, nghiên cứu sách giáo khoa mới để lựa chọn sẽ được tiến hành các bước theo đúng quy định của Bộ.
"Mong muốn là các nhà trường chọn được những cuốn sách tốt nhất, phù hợp nhất với thực tế về điều kiện dạy học và học sinh của mình, chúng tôi không quy định cứng việc chọn sách theo bộ hay theo môn", ông Tiến khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.