Nhạc cụ và thành ngữ chỉ kẻ bất tài lừa bịp qua... 22 thế kỷ

05/01/2022 10:39 GMT+7

Ở Trung Quốc xưa kia có một thành ngữ nổi tiếng, liên quan đến một nhạc cụ mà những kẻ bất tài, lừa đảo để hưởng vinh hoa phú quý rất ngại nghe nhắc đến.

Vào thời cổ đại, ở Trung Quốc có một nhạc cụ hơi gọi là Vu (竽: yú). Theo ghi chú trong Thuyết văn giải tự và sách Chu Lễ thì Vu tương tự như Sanh (笙: shēng) nhưng lớn hơn, có 36 ống bằng tre. Tuy nhiên, đến thời Đông Hán thì chỉ còn 23 ống, trong đó ống dài nhất 78cm, ống ngắn nhất 14cm, gắn cố định vào một hộp cộng hưởng bằng tre, gỗ hoặc quả bầu. Hình thức bên ngoài của Vu có phần giống khèn bè ở Đông Nam Á.

Nhạc cụ Vu trong bộ sách Cổ kim đồ thư tập thành

Wikipedia

Những loại Vu ở Trung Quốc

Baidu

Theo Sử ký Tô Tần liệt truyện, trong thời kỳ thái bình thịnh trị của nước Tề, người dân thường thích chơi nhạc cụ để giải trí và Vu đã trở thành một trong những loại nhạc cụ phổ biến. Tên "Yu" thường xuất hiện trong văn học thời Chiến Quốc.

Phần lớn người nói tiếng Trung Quốc đều biết đến nhạc cụ này qua thành ngữ “lạm vu sung số” (濫竽充數), nghĩa là “trà trộn để hưởng lợi”, ngày nay gọi là “giữ một vị trí mà không có đủ trình độ chuyên môn cần thiết”. Thành ngữ này bắt nguồn từ câu chuyện của người đàn ông tên là Nam Khoác (南廓) sống ở nước Tề. Theo quyển Hàn Phi Tử (韓非子), Tề Tuyên Vương là vua nước Tề, mỗi lần muốn nghe nhạc, ông triệu tập 300 nam nhạc công hòa tấu Vu cùng một lúc.

Tuy không biết chơi nhạc cụ này song Nam Khoác vẫn bạo gan hỏi vua là liệu anh ta có thể gia nhập ban nhạc, thổi Vu cho nhà vua thưởng thức được không. Tề Tuyên Vương vui mừng đồng ý vì tưởng gặp nhân tài.

Trong khi đó, Nam Khoác nghĩ rằng anh ta chỉ cần giả vờ chơi và nhận tiền công là được, vì cả 300 người cùng thổi Vu thì chẳng ai nhận ra là anh không biết chơi nhạc cụ này. Thế rồi Nam Khoác kiếm tiền dài dài. Tuy nhiên, đêm nọ, Mẫn Vương ((泯王, 300 –283 TCN), con trai sắp kế vị của Tề Tuyên Vương yêu cầu nhạc công độc tấu, chơi riêng lẻ từng người. Biết là sẽ bại lộ, trước khi biểu diễn, Nam Khoác lặng lẽ chuồn ra ngoài, nhanh chóng đào tẩu, một đi không trở lại. Từ đó, trong dân gian xuất hiện thành ngữ “lạm vu sung số”. Ngày nay, người Trung Quốc vẫn sử dụng thành ngữ này song nhạc cụ Vu thì đã thất truyền. Song ta có thể thấy những hình vẽ Vu trong quyển Cổ kim đồ thư tập thành (古今圖書集成) - một bộ sưu tập đầy đủ các hình minh họa và những bài viết từ thời xa xưa đến hiện tại, còn được gọi là Bách khoa toàn thư Hoàng gia, được viết trong triều đại nhà Thanh, và quyển Trung Quốc âm nhạc sử đồ giám (中國音樂史圖鑑) - sách minh họa lịch sử âm nhạc Trung Quốc do Lưu Đông Thăng biên soạn (2008).

Ở Đông Nam Á, người ta thường gọi chúng là khèn bè?

Vu là một nhạc cụ hơi mà người Trung Quốc sử dụng từ thời Chiến Quốc. Vào thời nhà Hán, Vu có một vị trí quan trọng, và là nhạc cụ chính trong dàn nhạc dân gian. Đến đời nhà Tống có ba loại Vu thường được sử dụng là Vu sanh (竽笙), Hòa sanh ( 巣笙) và Hồ sanh (和笙), tất cả đều có 19 ống, nhưng Vu sanh âm thấp hơn, còn Hòa sanh thì âm cao hơn. Về sau Vu sanh không còn được sử dụng.

Hình minh họa vua nước Tề nghe các nhạc công công thổi Vu

steemit.com

Hai loại Ngô trúc sanh ở Nhật Bản, kích cỡ dài 53.1cm và 78.8cm

hix05.com

Vu du nhập vào Nhật Bản trong thời kỳ Nara (710 - 794), đến thời kỳ Heian (794 – 1185) thì mai một dần. Ở Nhật Bản cũng có 3 loại Vu, tuy nhiên tất cả chỉ có 17 ống, mỗi loại có âm vực cách nhau một quãng tám, tính từ thấp lên cao. Loại phổ biến nhất là Ngô trúc sanh (呉竹笙/ Kuretake sho) có tổng chiều dài khoảng 49 – 79 cm.

Vài hình ảnh trong bộ sách Cổ kim đồ thư tập thành

atimebook.com

Ở Việt Nam có loại nhạc cụ hơi mà cách thổi và hình thức khá giống Vu song số lượng ống ít hơn, chỉ từ 6 đến 14 ống làm bằng nứa tép (các ống có kích cỡ tương tự nhau chứ không dài ngắn như ở Vu); người Tà Ôi và Vân Kiều gọi nhạc cụ này là Khèn, còn người Giẻ Triêng gọi là Đinh Duar, người Xơ Đăng gọi là Đinh Khén. Ở Đông Nam Á, người ta thường gọi chúng là khèn bè vì có cấu trúc bên ngoài giống như chiếc bè; người Lào gọi là ແຄນ (khǣn), Thái Lan gọi là แคน (kɛ̌ɛn), còn Campuchia gọi là គែន (kɛɛn).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.