Nhạc Cung Tiến, còn mãi một say mê…

06/06/2022 13:29 GMT+7

Với âm nhạc, tôi là người ngoại đạo. Nhưng niềm say mê những ca khúc của nhạc sĩ Cung Tiến dường như đã cho tôi rất nhiều, tỉ như ngày nào trên dặm đường dài, với chiếc xe vượt hành trình trên dưới trăm cây số, là tôi hát đi hát lại một mình các bản nhạc của ông.

Nhạc sĩ Cung Tiến (1938-2022)

T.L

Để rồi có buổi chiều, với bản Hương xưa hát đi hát lại theo cách ấy, tự dưng tôi chảy nước mắt lúc nào không hay. Trên con đường Sài Gòn - Dầu Giây hằng tuần đi về, kiếp phận với chữ nghĩa và trọ lại để mưu sinh hơn hai chục năm trước. Lúc Sài Gòn dần lùi khuất sau lưng, trong cơn mưa ngọn nắng dẫn tôi về ngôi nhà nhỏ ở ngã ba thị trấn có tuyến đường ngược Bắc xuôi Nam và Quốc lộ 20 khá chật hẹp ngược lên Đà Lạt ấy, ông cùng với những bản nhạc của mình đã hiện diện với tôi trong những tháng ngày rong ruổi. Này đây, những Hoài cảm, Thu vàng, Nguyệt cầm… và nhất là bản Hương xưa, không hiểu sao khi ngân lên một mình, trong tiếng xe bon qua bao ruộng đồng vườn tược ao hồ, là tôi lại lịm đi xúc động:

Người ơi, còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao

Người ơi, còn nhớ mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao…

Nhạc Cung Tiến đưa chúng ta vào một mộng tưởng thần kỳ với mây, trăng, gió, nắng, sớm, chiều và muôn vạn hồi ức thơ ấu. Chẳng thể nào nói hết được sự tinh khôi hay muộn mằn của một tình yêu quê hương, chỉ biết ông gợi nhớ quá nhiều điều mỗi khi nghe ngân vọng ca từ và giai điệu. Lang thang, một nghĩa từ rất rộng giữa cõi nhân gian, khi vào nhạc ông, tôi lại liên tưởng đến chắt lọc tinh túy trên khung tranh Mùa thu vàng của Levitan thuở nào, trong bảnThu vàng:

Chiều hôm qua lang thang trên đường, hoàng hôn xuống chiều thắm muôn hương

Chiều hôm qua lòng tôi bâng khuâng, có mùa thu về tơ vàng vương vương

Nhẩn nha kể và bộc lộ một niềm say mê như theo đuổi tận cùng cái vẻ đẹp mùa thu, mà nếu không có một sự tinh tế tột cùng thì chẳng thể viết được:

Mùa thu vàng tới là mùa lá vàng rơi

Và lá vàng rơi khi tình thu vừa khơi

Điệp khúc đẹp vô bờ bến ấy trong điệu valse của bản nhạc luôn dặt dìu và hối thúc trí não của người nghe cuốn theo sức tưởng tượng, dù bạn có ngồi trong khán phòng, lòng cũng hướng đến một cõi xa nào đó và hình dung thảm lá vàng của một chiều chớm thu đang muộn dần về phía hoàng hôn.

Nhớ nhạc của ông, tôi còn hát lên một mình như thấy hiển hiện trước mắt buổi chiều mà ông ghi lại trong bản Hoài cảm, với một cảm thức rất đẹp. Không xót xa, không cay đắng và chẳng muộn phiền. Bởi, cái nỗi nhớ mà ông cho vút lên như cánh chim gửi vào trời mây trong đoạn điệp khúc, dường như được hóa giải:

Lòng cuồng điên vì nhớ, ôi đâu người đâu ân tình cũ

Chờ hoài nhau trong mơ nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa

Một mùa thu xa vắng như mơ hồ về trong đêm tối

Cố nhân xa rồi có ai về lối xưa

Nén vào lòng mình, và tôi đồ rằng ông không chỉ tự nhủ, mà còn nhắn nhủ người khác cái cách để hóa giải nỗi nhớ, bằng sự hiển lộ của đoạn ca từ hoài vọng ký ức. Chỉ có hoài vọng ký ức, mới là yếu tố có thể khiến cho con người ta ẩn đi một nỗi muộn phiền nhung nhớ, chuyện của muôn đời muôn kiếp, khi yêu.

Tôi có một người bạn ở Quảng Ngãi yêu nhạc Cung Tiến. Một ngày, anh gửi cho tôi toàn bộ những bản nhạc của người nhạc sĩ tài hoa này với nhiều giọng hát nổi tiếng. Anh nói với tôi rằng: “Mình thích sự tinh tế trong ca từ và giai điệu của nhạc Cung Tiến. Ông đã cho mình những khoảnh khắc nhẹ nhàng, bình yên khi nghe. Và hơn hết, là những gì tâm trạng con người đã trải, bằng cách biến hóa thần tình, giai điệu nhạc Cung Tiến vẫn luôn mượt mà, dìu dặt, thơ mộng”.

Cũng thế, khi nghe ca sĩ Đức Tuấn và Nguyên Thảo song ca bản Hương xưa được chuyển ngữ sang tiếng Anh bởi Paulina Nguyễn (Giáng Tiên), một nữ nhạc sĩ người Việt ở Mỹ, tôi vẫn y nguyên cảm xúc. Nét nhạc ấy, dù chuyển qua tiếng Anh, vẫn lột tả được một vẻ đẹp như người bạn đã nhận xét: dìu dặt và thơ mộng.

Nét nhạc ấy, dù bằng một cảm thức riêng, cả hai ca sĩ khi thể hiện đều đã gây cho người nghe một sự rợn ngợp vô cùng, nhất là cũng ở đoạn điệp khúc. Nói điều này, tôi muốn tâm sự một cách riêng tư rằng, sự thăng hoa trong các điệp khúc trong nhạc của Cung Tiến là một sự dụng công kỹ lưỡng, có thể hình dung giống như qua tiếng dương cầm thể hiện các bản nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng Tây phương. Nghe mà hình dung như tiếng gió thổi trên hồ, tiếng ngựa phi nước kiệu hay có thể là gào thét một âm ba trận chiến…

****

Với những gì Cung Tiến trải qua trong cuộc đời của mình, kể cả sau này với một cuộc sống ở nơi được mệnh danh là Vùng đất của 10.000 hồ của miền Minesota lạnh giá của nước Mỹ xa xôi, xin được mạn phép nói rằng bằng sự dâng hiến cho cuộc đời những bản nhạc hay, ông đã có một sự vinh danh đặc biệt trong lòng người hâm mộ. Và biết đâu rằng trong những năm tháng xa quê hương ấy của ông, tiếng Nguyệt cầm, như tên một bản nhạc xuất chúng của người nhạc sĩ ấy, đã dìu ông về với bao ký ức quê nhà với những câu chuyện tình một thuở:

Nguyệt cầm nghe nấc từng câu

Có hàng mây trắng về đâu

Mắt chìm sâu đêm lắng đời sâu

Nguyệt cầm khơi mãi tình sầu khơi mãi nguồn đêm

Mùa trăng úa làm vỡ hồn ta

Ngập ngừng xa suối thu dồn lá úa trôi qua…

Mây trắng về đâu, hỏi lên trời một tiếng và có lẽ chẳng bao giờ có câu trả lời.

Duy chỉ còn nhạc của ông đọng lại, trong tôi và với bao người…

Sài Gòn 6.2022

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.