Hoàn cảnh éo le
Anh Hoàng Ngọc Chấn (người dân tộc Nùng, ngụ tại TT.Yên Thế, H.Lục Yên, Yên Bái) không may bị căn bệnh Thalassemia (bệnh thiếu máu tán huyết bẩm sinh), nên 20 năm qua, anh luôn phải truyền máu để duy trì sự sống, với một hành trình đầy nghị lực.
Anh Chấn kể: “Tôi sinh ra đã bị bệnh rồi, do cả bố và mẹ đều mang gien bệnh. Đến năm 2 tuổi thì bệnh trở nặng, khiến khuôn mặt tôi bị biến dạng: hộp sọ to, bướu trán, hai gò má cao, mũi tẹt, răng cửa hàm trên vẩu, da sạm xỉn, mắt vàng…
Thấy tôi xanh xao, vàng vọt, bố mẹ đã đưa đi khám ở bệnh viện huyện, nhưng không phát hiện được bệnh. Khi ấy, gia đình không có điều kiện, nên mãi đến năm 8 tuổi, tôi mới được đưa lên tỉnh khám và phát hiện bị bệnh tan máu bẩm sinh”.
|
Anh Chấn cho biết, gia đình anh rất khó khăn. Bố mẹ anh đều làm nghệ thuật, bố anh là nghệ sĩ Hoàng Nừng, nhạc công của Quân khu Tây Bắc, còn mẹ là diễn viên múa quần chúng, nên thu nhập thấp, lại nuôi 3 người con, trong đó 2 người bị bệnh.
Anh Chấn là con thứ 3, trên anh có 2 chị gái. Một người chị của anh cũng bị bệnh tan máu bẩm sinh, không được chữa trị kịp thời, nên đã mất, còn anh đã phải trải qua rất nhiều gian nan để duy trì sự sống.
“Hôm đưa tôi đi khám ở tỉnh, mẹ bán được một lứa lợn, còn bố để dành 2 tháng lương, tổng được khoảng 3 triệu đồng. Tôi được chỉ định mổ nách vì bệnh đã tiến triển khá nặng và nằm viện 1 tháng liền. Sau đó, tôi được về nhà, hẹn 6 tháng tái khám, nhưng do khó khăn, bố mẹ tôi cũng không có tiền đưa tôi đi, chỉ nuốt nước mắt vào trong. Mãi 10 tuổi, tôi mới được đưa đi truyền máu lần đầu tiên…”, anh Chấn ngậm ngùi kể.
Khó khăn chồng chất
Dù bệnh tật, nhưng anh Chấn vẫn ham học và trải qua những tháng ngày khó nhọc đến trường. “Tôi bị bạn bè kỳ thị vì thấy cơ thể khác thường. Các bạn nghĩ tôi bị bệnh gan, nên sợ lây. Vậy là tôi phải ngồi một mình một bàn, không ai dám lại gần…”, anh Chấn nhớ lại. Nhưng không tự ti, anh Chấn vẫn cố gắng học và lúc nào cũng là cây văn nghệ số 1 của lớp.
“Bố tôi động viên: con cứ học thật giỏi, đánh đàn hay thì mai sau khắc có vợ! Câu nói đó của bố đã giúp tôi học hết 12 năm học và thi đỗ vào Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc”, anh Chấn kể.
Tuy nhiên, năm đầu tiên đi thi Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, anh đã bị trượt do ngoại hình “như con nghiện”. Mặc dù điểm năng khiếu của anh rất cao nhưng vì không xin chứng nhận là bị bệnh, nên anh bị cho rằng không đảm bảo sức khỏe và bị trượt. Anh phải ngậm ngùi thi lại vào năm sau.
Anh mong muốn được học ngành diễn viên, nhưng do ngoại hình không đủ điều kiện, nên đành phải từ bỏ ước mơ và theo học cao đẳng ngành sư âm nhạc. Tốt nghiệp ra trường, anh vẫn thích nghiệp diễn, nên đi theo Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh Hà Giang để lưu diễn khắp nơi với vai trò nhạc công. Sau đó, anh công tác tại Phòng Văn hóa H.Quảng Bình, tỉnh Hà Giang.
|
Trong thời gian này, anh Chấn may mắn gặp được một nửa của đời mình. “Cô ấy là người dân tộc La Chí, làm giáo viên tiểu học ở Hà Giang. Khi quen nhau, tôi cũng không giấu bệnh tật của mình. Tôi hỏi anh bệnh tật như vậy, em có đồng ý làm vợ anh không?, thì cô ấy nói ngoài bố mẹ anh, bây giờ anh còn có em luôn ở bên cạnh để chăm sóc cho anh. Vậy là từ tình thương đã trở thành tình yêu, và chúng tôi nên vợ, nên chồng”, anh Chấn xúc động kể.
Nhưng sức khỏe anh Chấn ngày một yếu hơn và không muốn sống xa gia đình, nên anh đưa vợ về quê sinh sống. Từ đó, hai vợ chồng anh đối mặt với vô vàn khó khăn. “Chúng tôi sinh được một đứa con trai khỏe mạnh, hiện cháu đã 3 tuổi, nhưng khó khăn thì chồng chất”, anh Chấn tâm sự.
Khi về địa phương, cả hai không có việc làm. Anh chỉ sáng tác nhạc, phổ thơ để phục vụ các hoạt động văn hóa xã hội của địa phương và dạy kèm một vài học sinh tại nhà, nên thu nhập không ổn định.
“Tôi thu nhập chỉ khoảng 1 - 2 triệu đồng/tháng, vì sáng tác ở địa phương thù lao thấp lắm, có khi còn không có tiền mà thù lao chỉ là… một tràng pháo tay!”, anh chia sẻ. Vợ anh cũng không xin được việc làm, phải đi bán hàng thuê cho một cửa hàng xe máy với mức lương 5 triệu đồng/tháng, trong khi vừa nuôi con, vừa nuôi chồng bệnh tật.
|
Những năm gần đây, khoảng 1 tháng anh phải đi xuống Hà Nội truyền máu 1 lần, ở Viện Huyết học truyền máu T.Ư, với mỗi đợt khoảng 10 ngày.
Dù viện phí đã được bảo hiểm chi trả hơn 90% nhưng chi phí đi lại, ăn uống mỗi đợt như vậy cũng tốn khoảng 3 - 4 triệu đồng, nên anh không đủ tiền chữa bệnh.
“Bố tôi có lương hưu 4,6 triệu đồng/tháng, nhưng tháng nào cũng phải chu cấp cho tôi đi chữa bệnh. Mọi người cứ thấy tôi xuống viện vào tầm ngày 5 hàng tháng, là vì lúc đó bố tôi mới được lĩnh lương. Nhưng năm nay ông 86 tuổi rồi, tôi không biết được nương nhờ đến khi nào…”, anh Chấn nghẹn ngào kể.
Khắc khoải ước mơ
Hiện anh Chấn là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái. Với niềm đam mê nghệ thuật, anh đã sáng tác được rất nhiều bài hát trữ tình về cảnh vật và con người Việt Nam, về tình yêu quê hương đất nước…
Đặc biệt, một bài hát kêu gọi hiến máu tình nguyện của anh đã được ca sĩ Thu Hường (đại sứ của Hành trình đỏ) và nhạc sĩ Trọng Phương phối khí (miễn phí) cho ra đời bản nhạc mang tên Giọt hồng yêu thương, với những ca từ lay động lòng người.
“Những người bị căn bệnh này phải truyền máu cả đời. Tôi sống được là nhờ 20 năm qua được truyền máu của người khác. Mỗi lần được truyền máu là như được ăn cơm, lại có sức khỏe để làm việc. Có những lần xuống viện mà chưa có máu để truyền, chúng tôi phải chờ đợi mệt mỏi lắm”, anh kể, và cho biết đã lấy cuộc đời mình để đưa vào lời ca.
Vì vậy, bài hát có những câu gây xúc động lòng người: “một giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại”, “mỗi giọt máu cho đi giúp cho bao tâm hồn ở bên nhau mãi mãi”…
|
“Ai sinh ra cũng muốn mình bình thường khỏe mạnh, khi chúng tôi chưa được truyền máu thì mệt mỏi vô cùng, và không có máu chúng tôi sẽ chết, nhất là những cháu bé không may mắc bệnh... Vì vậy, tôi đã sáng tác bài hát Giọt hồng yêu thương, để kêu gọi mọi người hiến máu tình nguyện”, anh Chấn trải lòng.
Tuy nhiên, cho đến nay, trong số hàng chục bài hát được anh sáng tác thì chỉ có duy nhất bài Giọt hồng yêu thương được truyền tải tới công chúng, nhờ được các nghệ sĩ hỗ trợ miễn phí, còn lại các bài khác thì chỉ được anh ôm đàn hát rồi “cất đi” vì anh không có tiền.
“Muốn làm được bản MP3 cũng tốn kém lắm, chưa nói đến làm MV. Tôi có nhờ một vài nghệ sĩ làm cho, nhưng tiền chi phí cho ca sĩ và nhạc sĩ phối khí thấp nhất cũng phải 7 triệu đồng 1 bài. Tôi lấy đâu ra tiền…”, anh Chấn buồn rầu nói.
Hiện anh mong mỏi những bài hát mình sáng tác được làm thành những sản phẩm âm nhạc hoàn hảo để lan tỏa tới nhiều người, qua đó có thể được sử dụng trong các sự kiện, giúp anh có cơ hội được trả thù lao, lấy tiền chữa bệnh và tiếp tục theo đuổi đam mê.
“Tôi không sống ỷ. Tôi luôn trăn trở với nghề nhưng không thể có kinh phí để thực hiện được ước mơ của mình và hy vọng có tiền từ những sản phẩm âm nhạc đó...”, anh Chấn buồn rầu chia sẻ. Anh cũng lo lắng một ngày nào đó, người cha già yếu không còn, lương của cha để cho anh chữa bệnh cũng chấm hết, cuộc đời anh rồi không biết sẽ ra sao.
Chia sẻ về hoàn cảnh của anh Chấn, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái Nguyễn Hà Thành cho biết: “Anh Chấn rất yêu nghề. Những bài hát của anh chứa đựng tình yêu quê hương đất nước và có sức lan truyền cảm hứng. Hoàn cảnh của Chấn thì khó khăn lắm, tháng nào cũng phải đi điều trị tốn kém mà không có tiền. Chúng tôi cũng hỗ trợ sử dụng tác phẩm của anh, nhưng tiền nhận bút của nhạc sĩ ở địa phương thì không đáng là bao. Rất mong được cộng đồng hỗ trợ cho anh Chấn, để anh có tiền chữa bệnh và tiếp tục sáng tác cống hiến cho xã hội”.
Mọi sự hỗ trợ của bạn đọc, vui lòng liên hệ anh Hoàng Ngọc Chấn, tổ 4, thị trấn Yên Thế, H.Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Số tài khoản: 8707205055560 Ngân hàng Agribank Chi nhánh Lục Yên, Yên Bái. Điện thoại: 0978709531.
|
Bình luận (0)