Vừa làm vừa tận hưởng công việc
|
Tôi chỉ thấy hứng thú nhất khi mình thoát được tất cả những gì đã phải làm trong gần 20 năm qua. Trước đây mình luôn bị cuốn theo công việc, làm theo những gì người ta thuê, nhờ, đặt hàng. Nếu xem chuyến du học Mỹ là cuộc “thoát” lần đầu khỏi guồng quay đó, thì bây giờ là “thoát” lần hai.
Từ lúc làm ở Trường nhạc nhẹ MPU (2012), tôi chủ động hơn về thời gian, tập trung cho những thử nghiệm của mình, viết tài liệu giảng dạy, nghiên cứu thêm những lĩnh vực mà mình chưa sâu hay ngày trước chưa có thời gian tìm hiểu. Tôi chỉ giữ lại việc viết nhạc cho phim. Tôi nghĩ đó là việc tôi làm tốt nhất hiện nay. Tôi dừng những công việc khác, vì thấy đã có rất nhiều bạn trẻ làm hay rồi, từ viết ca khúc, hòa âm, sản xuất... Còn việc dấn thân vào giáo dục âm nhạc, chỉ là bước chuyển để không chán với công việc của mình.
Vì sao anh lại nói viết nhạc phim là việc anh làm tốt nhất hiện nay?
Tôi có lợi thế khi viết nhạc phim, cả kim lẫn cổ. Tôi được học ngành viết để ứng dụng công nghệ và đồng thời là người viết cho dàn nhạc lớn. Hơn nữa, tôi có kinh nghiệm làm nhạc phim khá lâu rồi. Đến nay, những đạo diễn đã từng làm việc và tin tưởng tôi vẫn hay mời tôi hợp tác như anh Lưu Huỳnh, Nguyễn Quang Dũng. Ngoài ra, tôi cũng nhận những dự án phù hợp (mới đây là nhạc phim 11 niềm hy vọng). Tôi không nhận tràn lan, không phải kén chọn nhưng khi thấy việc đó có người làm tốt, thậm chí là tốt hơn mình, thì mình không nên tham lam. Tôi không còn bị rơi vào tình trạng phải làm để kiếm sống như ngày xưa, mà làm để được tận hưởng công việc của mình.
Anh từng cho biết hạn chế tối đa việc xuất hiện trên các chương trình truyền hình thực tế, nhưng vài năm gần đây lại hay thấy anh trên ti vi, lý do gì khiến anh thay đổi?
Từ khoảng 2010, tôi rất ngại xuất hiện, chỉ lẳng lặng làm công việc của mình. Lúc đó tôi vừa lập gia đình, bị soi mói đời tư khá nhiều. Tôi cần thời gian tránh xa sự soi mói đó để bảo vệ gia đình riêng.
Còn lý do khác không, thưa anh?
Sau đó, khi anh Lương Minh (cố nhạc sĩ Lương Minh - Phó ban Văn nghệ, Đài THVN) mời tôi và các nhạc sĩ tham gia hội đồng nghệ thuật Bài hát Việt, tôi đã nhận lời, cùng nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, Anh Quân, Huy Tuấn... Rồi, khi đang chuẩn bị cho sự ra đời của Sing my song - Bài hát hay nhất, chương trình anh Lương Minh rất tâm huyết, thì anh đột ngột qua đời. Tôi lại tiếp tục tham gia vào chương trình này ở vai trò huấn luyện viên, như một lời hứa giữa hai anh em với nhau...
Thế hệ sáng tác trẻ rất tươi mới, nhưng...
Sau hai mùa đồng hành cùng sân chơi này, hay trước đó là Bài hát Việt, anh thấy lỗ hổng hay những yếu tố tích cực nào từ thế hệ người viết trẻ?
Các bạn rất tươi mới và không bị thiếu thông tin như lứa chúng tôi ngày xưa. Các bạn rất thoáng trong cách nghĩ, cách viết, sẽ trở thành lớp nhạc sĩ chuyên sâu vào từng thể loại tốt hơn chúng tôi. Thế hệ trước viết thể loại gì cũng được, từ truyền thống đến R&B hay rock, phối bài gì cũng hay nhưng không chuyên mảng nào. Bây giờ có những người giỏi và chuyên từng thể loại. Sự định hình của các tác giả trẻ rõ hơn.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng có chút lo lắng. Lớp trẻ hiện nay có tươi mới, tiếp cận thông tin nhưng tôi có chút nghi ngờ về chiều sâu, về sự truyền đạt văn hóa của người truyền dạy cho các bạn. Nói vậy không phải là chê, mà tôi muốn nhấn mạnh về sự trau dồi của người trẻ là cần thiết, bởi nếu không để tâm về vấn đề văn hóa, về sự trau dồi, thì ca khúc các bạn dù tươi mới nhưng sẽ dễ nhạt về nội dung. Vì nội dung đi từ việc hấp thụ văn hóa của người đi trước, hấp thụ văn hóa của dân tộc lẫn văn minh của thế giới.
|
Người nghe bây giờ, bên cạnh thưởng thức, thường hay so sánh và soi xét, anh có nghĩ như vậy?
Hành xử của người nghe hiện nay hơi tiêu cực. Thứ nhất, nhiều người mặc định nhạc của giới trẻ là không sâu sắc, và họ quay về tìm lại những bài hát xưa. Thật ra không phải sâu sắc hay không, mà mỗi thời mỗi khác.
Thứ hai, là cho rằng âm nhạc bây giờ chỉ mang tính giải trí, còn những gì khó nghe thì cho là nghệ thuật. Tôi lại nghĩ, những cái mang tính nghệ thuật không hẳn khó nghe và những thứ khó nghe chưa chắc là nghệ thuật. Vì vậy, người nghe nên bao dung hơn, cần có kiến thức đủ để cảm nhận thật kỹ.
Thứ ba, là bao giờ người sáng tác cũng bị rình rập xem bài hát mới của họ có chôm chỉa từ đâu không. Thực tâm mà nói, làm sao người viết có thể đi nghe hết tất cả những bài nhạc đang tồn tại để tránh? Cái nhìn tiêu cực đó đánh đồng cả những người đàng hoàng và những người có máu thích dùng đồ của người khác.
Đừng đóng khung âm nhạc dân tộc
Sinh thời, GS Trần Văn Khê từng khen anh có duyên với âm nhạc dân tộc và triển vọng còn tiến xa trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian. Ông hẳn có lý do khi kỳ vọng như vậy?
Tôi vẫn còn giữ những cuộn băng do gia đình quay hình lúc bác Khê đến nhà tôi nói chuyện, chơi đàn, cùng các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Tô Vũ và nhiều nghệ nhân khác. Lúc đó tôi đang học cấp II. Bác nói đại ý rằng: bọn con trẻ mà chơi âm nhạc dân tộc, điều đó quý hơn bao nhiêu lần so với thế hệ của bác, vì người trẻ chơi nhạc dân tộc làm cho những đồng trang lứa khác tin rằng có người trẻ như mình chơi nhạc dân tộc, chứ không phải nó chỉ là âm nhạc của người già hay loại nhạc chỉ giữ lại trong bảo tàng. Những người có ý nghĩ rằng, chơi âm nhạc truyền thống phải mặc áo dài, hát nhạc truyền thống phải theo nguyên tắc thế này thế kia... thì có khi chỉ làm cho nó bị đóng khung.
Chính vì thế, dù tôi không chơi nhạc truyền thống nhưng nó lại nằm trong công việc của tôi, qua những sáng tác của tôi. Quan trọng là làm sao anh cho người ta thấy anh yêu nó, và những người làm việc cùng anh cũng thấy nó hay chứ không thấy nó “cũ”. Tôi nghĩ rằng làm được điều đó quý hơn cả việc chỉ bảo vệ âm nhạc dân tộc.
|
Anh nói gia đình mình kinh doanh nhưng vì sao thường có những buổi sinh hoạt văn nghệ tại nhà với những tên tuổi nghệ sĩ như thế?
Đó là sinh hoạt từ lâu của gia đình, bắt đầu từ sở thích, mê nhạc cổ của ba tôi. Thật ra từ khi biết tôi có khiếu âm nhạc thì ba tôi mới thường xuyên tổ chức những buổi gặp gỡ đó hơn, thông qua những người bạn (nhạc sĩ Phan Chí Thanh, tác giả ca khúc Tiếng hát từ cội nguồn, là bạn của ba tôi)... Thời đó, mỗi khi bác Khê về nước thì nhà tôi thành nơi bác gặp gỡ bạn bè âm nhạc. Mà không có bác Khê thì các thầy cổ nhạc cũng hay đến chơi với ba tôi, ở lại ăn cơm rồi có hôm đờn ca suốt đêm. Ngày xưa văn hóa đó phổ biến lắm.
Đó có phải là lý do khiến anh theo học đàn bầu?
Đàn bầu là một trong những cánh cửa đưa tôi đến với âm nhạc. Dù trước khi học đàn bầu tôi cũng học piano, trống hay thậm chí học thanh nhạc khi mới 4 tuổi, vì ba má thấy tôi hát hay. Nhưng những “cửa” đó không rộng bằng. Tôi không đánh đàn bầu nhiều bằng chơi nhạc nhẹ (tôi từng lén gia đình đi đánh đàn cho đám cưới một thời gian). Nhưng có vài lần đánh đàn bầu ở Nhà thiếu nhi thành phố thì lại được chú ý, tự nhiên nổi, nên “cửa” đó lại rộng mở.
Có một điều tôi muốn chia sẻ, không biết từ đâu lại có thông tin tôi xuất thân từ gia đình có truyền thống nghệ thuật, trong khi ba má tôi kinh doanh. Nói như vậy để các bạn trẻ thấy rằng, dù sinh ra trong gia đình bình thường, như tôi, nhưng khi có được sự giáo dục kỹ càng thì hoàn toàn có thể thực hiện được đam mê âm nhạc. Vì vậy các bạn trẻ không có “gien” hay truyền thống hãy tin vào bản thân, vẫn có thể tự bổ sung và phát triển nếu thật sự đam mê.
Nhạc sĩ Đức Trí sinh năm 1973 tại TP.HCM. Dù không xuất thân trong gia đình có truyền thống âm nhạc nhưng anh thành công với âm nhạc khá sớm. Khi đang là sinh viên Nhạc viện TP.HCM (chuyên ngành lý luận âm nhạc, nay là âm nhạc học), anh cùng Đen Trắng - ban nhạc chơi pop rock có tiếng của TP.HCM những năm 1990 - đã đoạt giải nhất Liên hoan pop rock TP.HCM (1992).
Anh tham gia biên tập âm nhạc cho chương trình Duyên dáng VN từ số 7 (1998) và đồng hành gần 10 số của chương trình với vai trò giám đốc âm nhạc. Năm 2000, giữa lúc tên tuổi được săn đón (khi mang đến thành công cho nhiều ca sĩ với loạt bài hit trước đó như Ta chẳng còn ai - Phương Thanh, Có quên được đâu - Thanh Thảo... hay sản xuất album đầu tay cho Mỹ Linh) thì Đức Trí sang Mỹ học ngành biên soạn và sản xuất âm nhạc đương đại ở Trường Berklee College of Music ở Boston. Về nước, anh thành lập Công ty Music Faces cùng những người bạn, chuyên sản xuất băng đĩa, chương trình âm nhạc và đào tạo, giới thiệu những giọng ca mới đến công chúng: Hồ Ngọc Hà, Phạm Anh Khoa, Lê Hiếu, Phương Vy...
Hiện nay, cùng với sáng tác ca khúc lẫn nhạc kịch, nhạc phim (nhận giải Cánh diều vàng cho âm nhạc xuất sắc phim Huyền thoại bất tử, Tấm Cám, Sài Gòn anh yêu em, Dạ cổ hoài lang), sản xuất âm nhạc, anh đang giảng dạy và là Hiệu trưởng Trường nhạc nhẹ MPU.
|
Đức Trí là người tôi rất nể dù trẻ
Từ năm 1995 - 1996 tôi và Đức Trí đã thâu băng đĩa và biểu diễn với nhau khắp nơi, Trí vừa đờn cả tân nhạc lẫn cổ nhạc cho tôi hát. Đến nay, Đức Trí là nhạc sĩ tạo cho tôi sự tin tưởng khi làm việc, về hòa âm phối khí, cách làm bài hát hay nhất... Tôi chưa thấy ai vừa tập trung cho âm nhạc cả tân và cổ mà hay như Trí, lại còn đánh đàn rất hay nữa.
Trí là người tôi rất nể dù trẻ. Trí yêu, đam mê, và có tâm với nghề của mình. Đức Trí cũng là nhà sản xuất âm nhạc mát tay, đào tạo và giúp nhiều ca sĩ nổi danh. Mà làm việc với ai, bao giờ Trí cũng nhã nhặn, nhẹ nhàng, không hề có chút gì phách lối của người trẻ có tài.
Danh ca Hương Lan
Không đem học thuật ra để làm “trang sức”
Tôi và anh Đức Trí làm việc với nhau qua 2 bộ phim của tôi là Dạ cổ hoài lang, Tháng năm rực rỡ, 2 chương trình Duyên dáng VN và một số game show truyền hình. Về chuyên môn thì không phải bàn cãi. Rõ ràng anh Trí là người thành công từ rất trẻ; gia đình có điều kiện và ủng hộ anh, nhưng anh là một người tự lập.
Ai làm việc với Đức Trí có lẽ đều thấy anh thông minh và lém lỉnh. Anh học nhiều, nghiên cứu nhiều nhưng ưu điểm là khi anh làm nhạc những thứ đó trở thành nền tảng cho cảm xúc, chứ anh không đem học thuật ra để làm “trang sức” hay đánh đố người nghe để chứng tỏ đẳng cấp.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng
|
Bình luận (0)