img

Ở nhạc sĩ Dương Thụ có sự hiền lành, dễ chịu, phóng khoáng và hiện đại trong cách hành xử lẫn suy nghĩ; đằng sau vẻ ngoài đôi khi thâm trầm đến mức bị nhiều người chưa quen cho là "hơi truyền thống", "khó chịu". Dương Thụ thực sự là một "kho tàng kiến thức sống", đầy sự uyên bác và luôn truyền cảm hứng tích cực, gợi mở sáng tạo cho người đối diện sau mỗi cuộc trò chuyện, dù bất kể là đề tài gì.

Nhạc sĩ Dương Thụ: Dù tuổi cao, tôi vẫn còn những giấc mơ khác để làm- Ảnh 1.

Với album cá nhân riêng đầu tiên là đĩa than Dương Thụ - 80 năm một giấc mơ, nhạc sĩ gửi gắm và mong muốn điều gì? 50 năm làm nghề, 80 năm cuộc đời chỉ gói gọn trong 1 album này, liệu có đủ với một nhạc sĩ thuộc hàng "đại thụ" của nền nhạc nhẹ đương đại VN?

Tôi chỉ là người viết nhạc may mắn được một một số người biết đến và có lượng người nghe khiêm tốn. Làm nhạc cả đời cũng nên có một cái gì đó như album của riêng mình hay tập nhạc in chẳng hạn, để chia sẻ với người thích nghe và muốn biểu diễn nhạc mình.

Bước sang tuổi 82 rồi, chắc chẳng còn giấc mơ nào nữa. Nếu còn đủ sức viết thì sẽ là một thứ âm nhạc khác. Dương Thụ như các bạn từng nghe đã ở lại trong bộ đĩa than này.

Khi viết nhạc, tôi chẳng có ý gửi gắm cho người nghe điều gì vì có viết cho ai đâu. Giờ làm bộ đĩa than này thì khác. Tôi xin gửi cho người nghe những giấc mơ của tôi, những giấc mơ man mác buồn, những giấc mơ chan chứa hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn.

Bộ đĩa có 16 bài thôi, tương đương với 2 album CD. Với người nghe chắc tạm đủ. Còn với tôi, nếu có điều kiện về tài chính phải làm 4 bộ nữa. Vì trong những bài còn lại có những giấc mơ khác.

Nhạc sĩ Dương Thụ tại buổi ra mắt đĩa than 80 năm một giấc mơ

Nhạc sĩ Dương Thụ tại buổi ra mắt đĩa than 80 năm một giấc mơ

Trong số những ca sĩ hát ca khúc Dương Thụ, ông thích cách của ai hát nhất? Đĩa nhạc mới ra mắt Dương Thụ - 80 năm một giấc mơ này thiếu vắng vài cái tên ca sĩ được xem là có gắn nhiều với nhạc Dương Thụ, vì sao vậy?

Mỗi người một vẻ, ai cũng đều có cái hay riêng. Đầu tiên là Hồng Nhung, tôi rất thích. Năm 1989 khi làm album (cassette) chung với nhạc sĩ Phú Quang, dựng bài trong phòng thu cho Thanh Lam, tôi nhận ra Lam có cái hay khác. Rồi Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Khánh Linh, phần nào Bằng Kiều và sau này là Trần Nguyễn Minh Đức cũng thế. Tôi gọi họ là các cháu, họ trao cho tôi ước mơ âm nhạc của họ, tôi giúp đỡ họ từ những bước đi đầu tiên. Họ là gia đình âm nhạc của tôi. Trong gia đình này, "cô út" Nguyên Thảo là thiệt thòi nhất.

Một số ca sĩ khác cũng hát nhạc tôi như Tùng Dương, Trần Thu Hà, Đức Tuấn, Hà Linh, Uyên Linh, Phạm Thu Hà…, có những cái hay riêng. Nhưng như đã chia sẻ, dung lượng đĩa giới hạn, mình không nên tham quá. 

Nhạc sĩ Dương Thụ: Dù tuổi cao, tôi vẫn còn những giấc mơ khác để làm- Ảnh 3.

Nhạc sĩ còn mong muốn làm điều gì cho âm nhạc, nhạc trẻ VN ở tuổi này? Nhạc sĩ có mong muốn lưu trữ "gia tài" âm nhạc khá đồ sộ của ông ở các nền tảng số để các thế hệ sau tìm nghe?

Thực ra tôi thiên về nhạc thính phòng. 15 năm nay tôi hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đó, từ chương trình Điều còn mãi làm với Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia (2009 - 2016) đến chương trình Salon Âm nhạc thính phòng vào các tối thứ bảy hằng tuần tại Cà phê thứ bảy ở cả Hà Nội và TP.HCM. Nhạc trẻ như bạn nói, tôi không còn quan tâm nữa.

Riêng về việc lưu trữ, tôi muốn thu lại chương trình Ký ức nhạc Việt dựng lại theo phong cách thính phòng với các nghệ sĩ thính phòng mà tôi làm việc với họ từ năm 2009 ở TP.HCM và từ 2013 ở Hà Nội tại Salon Âm nhạc thính phòng của Cà phê thứ bảy. 15 năm nay tôi đã biên tập và cho biểu diễn hàng trăm tác phẩm của các nhạc sĩ VN. Nếu muốn lưu trữ phải cho thu lại. Việc này tốn kém, cần phải được tài trợ nhưng tôi không biết nên tìm nhà tài trợ ở đâu. Tiền bạc, khó đấy.

Nhạc sĩ Dương Thụ: Dù tuổi cao, tôi vẫn còn những giấc mơ khác để làm- Ảnh 4.

Nhạc sĩ Dương Thụ: Dù tuổi cao, tôi vẫn còn những giấc mơ khác để làm- Ảnh 5.

Nhiều người thắc mắc muốn biết cuộc sống của một nhạc sĩ nổi tiếng lúc tuổi cao về già sẽ ra sao, sống bằng tiền tác quyền có đủ? Các ca sĩ luôn nói "hàm ơn" ông trong sự nghiệp, thì họ bày tỏ "tình cảm" thế nào với ông trong cuộc sống riêng?

Để được làm nhạc chuyên nghiệp, tôi đã từ bỏ công việc giảng dạy trong trường đại học của nhà nước từ năm 1980. Hoạt động âm nhạc tự do đã cho tôi một cuộc sống ổn định, dù không được cấp nhà, không có lương hưu, không có bảo hiểm như khi còn trong biên chế. Tiền cát sê từ hồi có Trung tâm tác quyền của anh Phó Đức Phương, đều đặn, đủ sống. Tôi không sống như một nghệ sĩ mà sống như một người lao động: không chơi bời, hàng quán; tự mình làm lấy mọi công việc: làm nhà, làm vườn, làm nhạc, làm Cà phê thứ bảy, cái nào cũng thích thú nên về già thấy vẫn ổn.

Còn chuyện các ngôi sao bày tỏ "tình cảm" thế nào với tôi trong cuộc sống riêng ư? Khi tham gia các chương trình riêng của tôi, họ không lấy tiền. Và đĩa than này cũng thế. Như vậy còn đòi hỏi gì nữa.

Gần hai chục năm trước, khi còn làm album cho các bạn ấy, tôi và họ coi nhau như người trong gia đình. Tôi coi các bạn ấy như con cháu mình, và họ cũng thế. Tôi thấy hạnh phúc. Giờ các bạn ấy lớn rồi, cả về danh tiếng lẫn tuổi tác. Thỉnh thoảng nghĩ đến chú Thụ là được. Trong cuộc sống riêng ai cũng bận rộn. Chúng ta không nên đòi hỏi quá nhiều ở người khác.

Nhạc sĩ Dương Thụ và vợ, nhà báo Thủy Phạm, trong lần tới thăm nơi mà ông nói đùa là giấc mơ gãy cánh: Nhạc viện Paris (Pháp)

Nhạc sĩ Dương Thụ và vợ, nhà báo Thủy Phạm, trong lần tới thăm nơi mà ông nói đùa là giấc mơ gãy cánh: Nhạc viện Paris (Pháp)

Hằng ngày của nhạc sĩ hiện thế nào, khi mọi người thấy ông vài năm nay ít xuất hiện ở những chỗ đông vui? Ông có lo nhiều người bây giờ không biết Dương Thụ?

Tôi về sống ở Vũng Tàu, tôi muốn yên thân, thường không đến những cuộc gặp gỡ mà bạn bè hay tổ chức. Càng ít người biết càng tốt.

Nhạc sĩ có thể nói thêm về câu chiêm nghiệm mà ông hay nói: "Hạnh phúc phải được cảm nhận bởi chính mình, không bởi cách dư luận, xã hội đánh giá bạn"?

Tôi chẳng nhớ mình nói câu này lúc nào. Chắc là lâu lắm rồi. Giờ thì ai cũng có thể nói như thế, nhất là các bạn trẻ, họ đọc nhiều và thông minh lắm. Nói chắc họ cười "biết rồi, khổ lắm nói mãi".

Biết, hiểu là một chuyện, nhưng sống để nhận ra và thốt lên điều đó lại là chuyện khác.

Từ trái qua: nhạc sĩ Bảo Chấn, Dương Thụ, Huy Tuấn

Từ trái qua: nhạc sĩ Bảo Chấn, Dương Thụ, Huy Tuấn

Vì sao nhạc sĩ chọn và gắn bó mãi với công việc hơn 15 năm nay là làm các chương trình tọa đàm, giới thiệu, cung cấp tri thức cho người trẻ, lan tỏa những giá trị văn hóa nghệ thuật nước nhà đến đông đảo khán giả về âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, hội hoạ, sống xanh… ở không gian văn hóa phi lợi nhuận Cà phê thứ bảy?

Đây là công việc tôi nghĩ ra, làm cho mình chứ không phải là làm theo ý của người khác. Nên gắn bó mãi cũng là lẽ thường tình. Tôi nghĩ văn hoá nền của chúng ta còn yếu. Được những nhân vật hàng đầu trong giới trí thức, văn nghệ sĩ trò chuyện trong những buổi cà phê thì còn gì bằng. Lại được hỏi đáp, được tranh luận, dù ý kiến khác biệt vẫn được tôn trọng. Văn hoá theo con đường này vào dễ hơn. Cà phê thứ bảy là kiểu một "trường đại học bỏ túi". Ở tuổi ngoài 80, tôi vẫn được là "sinh viên" của nó. Và nhiều bạn đến cà phê cũng cảm thấy thế. Làm một việc không chỉ tốt cho mình mà còn tốt cho nhiều người. Một việc như thế đáng để theo đuổi đến suốt đời.

Nhạc sĩ nói "ở tuổi 81 vẫn làm việc như thanh niên", và đến nay ông và vợ vẫn rong ruổi trên hành trình khắp trong và ngoài nước. Bí quyết để ông giữ được cuộc hôn nhân bền chặt, hạnh phúc suốt 28 năm qua?

Chẳng có bí quyết gì cả. Chỉ là sự may mắn thôi. May mắn gặp được người mà nhờ họ, mình không bị mất sự nghiệp. "Thuận vợ thuận chồng Biển Đông tát cạn". Các cụ vẫn nói thế. Bí quyết này đâu phải của riêng mình.

Nhạc sĩ Dương Thụ: Dù tuổi cao, tôi vẫn còn những giấc mơ khác để làm- Ảnh 8.

Nhạc sĩ Dương Thụ: Dù tuổi cao, tôi vẫn còn những giấc mơ khác để làm- Ảnh 9.

Cái nhìn của nhạc sĩ về âm nhạc hiện nay - thị trường nhạc trẻ, về các ca sĩ và chất lượng ca khúc sáng tác theo "trend" đang nằm ở những top thịnh hành? Phải chăng khán giả đang có tâm lý "chạy theo" những bài hát đang hot, để không bị cảm giác "lỗi thời", và "vòng xoáy thời đại" này cứ thế tiếp diễn ở V-pop?

Tôi không dám nhận xét về thị trường nhạc trẻ, vì từ năm 2009 tôi không hoạt động trong khu vực này và cũng không có thì giờ để theo dõi nó. Năm ngoái được mời lên trao giải Cống hiến cho Nhạc sĩ của năm, tôi rất lúng túng vì tên nhạc sĩ được đề cử phần lớn đọc lên như tên Tây, may khi bóc phong bì người được giải lại có tên thuần VN. Tôi là người thuộc loại "muôn năm cũ", tôi chỉ có thể sống với những cái thực mình về văn hoá và âm nhạc. Đời sống đang biến đổi, tôi đã quá già để hiểu nó.

Nhạc sĩ Dương Thụ: Dù tuổi cao, tôi vẫn còn những giấc mơ khác để làm- Ảnh 10.

Kiểu ca khúc đậm chất thơ văn, lãng mạn, nhẹ nhàng, nhưng sâu sắc ở ý nhạc, lời ca liệu có còn cần thiết và phù hợp ở thời buổi này?

Còn cần thiết và phù hợp với số ít những người có nền tảng văn hoá tốt, có thị hiếu thẩm mỹ cao. Không còn cần thiết và phù hợp với số đông những người sống thực dụng, thiếu nền tảng văn hóa, không có thị hiếu thẩm mỹ tốt. Nhưng tôi tin vào số ít người làm nhạc "có chất", có nét riêng hiện giờ, bởi họ là tác giả của tương lai.

Những đúc kết, kinh nghiệm gì trong việc sáng tác để chạm đến tâm hồn, cảm xúc người nghe và có giá trị lâu với thời gian, từ chính nhạc sĩ?

Tôi không có đúc kết hay kinh nghiệm gì cả. Nếu coi âm nhạc là một công cụ để thương mại, để tuyên truyền, giáo dục hay để làm quảng cáo thì cũng nên đúc rút đấy. Vì người làm nhạc đó cần phải chinh phục người nghe. Nhưng nhạc của tôi không có mục đích ấy.

Nhạc sĩ Dương Thụ: Dù tuổi cao, tôi vẫn còn những giấc mơ khác để làm- Ảnh 11.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.