Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương: 'Chắc chỉ ở Việt Nam mới xảy ra đạo beat'

02/12/2014 15:38 GMT+7

(TNO) “Về ca từ, giai điệu, đúng luật soi ra thì không phải đạo nhạc, nhưng những người trong nghề ai cũng hiểu họ đã viết nên những giai điệu, ca từ bằng cách sử dụng beat của người khác để viết ca khúc của mình”, nhạc sĩ Lưu Thiên Hương nhận xét, sau khi Cục Nghệ thuật biểu diễn kết luận về ca khúc Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng M-TP .

* Việc "mượn" nhạc beat là hình thức đạo nhạc mới mà từ trước đến giờ, chúng ta chưa thực sự chú ý đến. Chính điều đó dẫn đến việc hiểu biết chưa đúng đắn về kiểu đạo nhạc mới này?

nhac-si-luu-thien-huong
Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương - Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương: Các ca sĩ nghiệp dư thường phải dùng cách này để viết nhạc, vì vừa nhanh, đỡ tốn công, lại chẳng phải học hành gì. Việc lấy beat của người khác trong bài hát nổi tiếng thì dễ dàng bị phát hiện ra thôi. Tôi có đọc bài báo đưa ra hai bản nhạc phân tích, bản nhạc của Việt Nam ghi hòa thanh, bản của Hàn Quốc thì không. Chúng tôi trong nghề biết ngay đây là chống chế với khán giả. Vì với cá nhân tôi chẳng hạn, khi viết nhạc, tôi ít ghi hòa thanh, vì hòa thanh phụ thuộc vào người phối khí. Đó là sơ hở của vụ việc này.

* Mới đây Cục Nghệ thuật biểu diễn kết luận bài hát "Chắc ai đó sẽ về" của Sơn Tùng M-TP không vi phạm luật. Chị nhận xét gì về kết luận này?
 
Điều đó giống như phủ định ý kiến của những người trong nghề. Những người nghe có hiểu biết, những thanh niên nghe nhạc Hàn Quốc đã phát hiện ra đấy chứ. Theo luật thì bạn không vi phạm về giai điệu, ca từ, nhưng ở đây bạn dùng bản phối của người khác, bạn đã vi phạm về phối khí, như vậy là không nên.

Ở đây các bạn đang lách luật. Thầy giáo tôi, một nhạc sĩ chuyên nghiệp về hòa thanh đã nhận xét, tôi thấy rất đúng: Việc này giống như nhập phụ tùng của nước ngoài lắp thành sản phẩm của Việt Nam. Đó không phải là sản phẩm sáng tạo của các bạn. Các bạn biết rằng, một bài hát được tạo nên từ nhạc đệm, giọng hát, ca sĩ… Nếu bài hát không sử dụng nhạc đệm như thế thì không ai nói được gì.

* Theo chị, kết luận của Cục Nghệ thuật biểu diễn có tạo ra tiền lệ xấu với các nghệ sĩ trẻ?

Theo tôi, để bài hát lưu hành với bản phối như vậy thì không nên. Điều đó sẽ cổ súy cho cách sáng tác không cần trường lớp. Những người biết đệm đàn, đệm hát, biết chơi nhạc cụ thì mới đánh được hòa thanh, còn nếu không thì sẽ chỉ viết trên beat của người khác. Chắc chỉ có Việt Nam mới có kiểu đạo beat như thế.

* Trong khi luật chưa có quy định cụ thể với việc mượn beat, chúng ta cần dựa vào đâu để phân xử những vụ việc như thế này?

Có thể cãi lý với luật, nhưng khán giả không ngu ngốc. Nhóm FB Boiz đã từng thừa nhận sai lầm khi mượn beat. Có lẽ bài hát này liên quan đến nhiều thứ quá, nên họ cứ phải đấu tranh đến cùng. Càng làm thì càng sai. Nếu nghĩ tích cực là họ không đạo nhạc đi, vậy thì hãy phối khí lại, hòa thanh khác đi.

>> 3 ca khúc hit của Sơn Tùng M-TP bị gỡ khỏi các trang nhạc trực tuyến
>> Sơn Tùng M-TP bị loại khỏi giải Làn sóng xanh vì nghi án 'đạo nhạc
>> Sơn Tùng M-TP 'đạo nhạc' hay người Việt xấu xí?

Minh Ngọc (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.