Nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đức Toàn sinh ngày 10.3.1929 tại Hà Nội. Ông vốn học vẽ tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng sau này ông lại được công chúng biết đến nhiều hơn với các tác phẩm âm nhạc. Tháng 8.1945, ông tham gia đoàn quân cách mạng, viết bài hát đầu tiên có tên Ca ngợi đời sống mới. Năm 1946, ông tham gia đoàn kịch Sao Vàng cùng nhạc sĩ Đỗ Nhuận và lên đường đi kháng chiến.
Ca khúc Quê em được ông viết trong kháng chiến chống Pháp, đã vang lên từ đó cho đến tận bây giờ với những lời ca: “Quê em miền trung du, đồng xuôi lúa xanh rờn/Giặc tràn lên thôn xóm/ Dâu bờ xanh thắm, nong tằm chín lứa tơ/Không tay người chăm bón…”. Điều đặc biệt, mặc dù là bài hát kháng chiến, nhưng Quê em với tiếng hát của Thái Thanh - Thái Hằng đã vang lên trên sóng phát thanh phát trong vùng địch tạm chiếm.
Trong những năm 1968 - 1970, ông tu nghiệp tại Nhạc viện Kiev (Ukraina). Bên cạnh những sáng tác khí nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã viết nhiều ca khúc trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả như: Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi, Bài ca người lái xe, Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương, Khâu áo chiến sĩ, Bài ca xây dựng, Bài ca chiến thắng, Tiếng hát buổi bình minh. Những ca khúc như: Câu chuyện tình yêu, Chiều trên bến cảng, Tình yên biển cảng… được viết sau này khi nhạc nhẹ phát triển tại Việt Nam, đã đi vào lòng đông đảo khán giả.
tin liên quan
Hồng Nhung, Mỹ Linh 'vẽ' nên sắc màu 'Người Hà Nội'
Ông mang hàm đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam và được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng 3 vì những đóng góp cho quân đội, cách mạng. Năm 2000, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật.
“Nguyễn Đức Toàn là nhạc sĩ gạo cội của Quân đội nhân dân Việt Nam với những đóng góp lớn cho nền âm nhạc cách mạng. Ông là nghệ sĩ tài năng, vừa là họa sĩ vừa là nhạc sĩ. Ông ra đi là tổn thất lớn với nền âm nhạc và cả nền văn học nghệ thuật nước nhà”, nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ về người bạn, người đồng nghiệp.
Bình luận (0)