Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Tôi yêu văn hóa dân tộc như máu thịt mình

12/02/2022 06:56 GMT+7

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, chỉ với 2 tác phẩm đỉnh cao Tiếng hát giữa rừng Pác Bó và Xa khơi, nền âm nhạc cách mạng Việt Nam không thể không gọi tên nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Hôm qua 11.2, người nhạc sĩ đã rời xa cõi tạm, để lại những “nhớ thương cách vời”…

Số phận long đong của những ca khúc

Cuộc đời của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, người con sinh ra trong một gia đình Nho giáo xứ Nghệ, có nhiều thăng trầm cũng như “số phận” nhiều tác phẩm của ông, mà trong đó có ca khúc nổi tiếng Tiếng hát giữa rừng Pác Bó ra đời vào năm 1958 lúc nhạc sĩ 22 tuổi đang đi công tác biệt phái tại miền núi Tây Bắc. Ca khúc được NSND Quốc Hương thu âm lần đầu tiên vào năm 1959 tại Đài tiếng nói Việt Nam và sau đó được phát sóng vào đúng dịp sinh nhật Bác (19.5.1959). Tiếng hát giữa rừng Pác Bó sau này còn được thể hiện thành công qua nhiều giọng ca nổi tiếng như NSND Lê Dung, NSƯT Bích Liên, NSƯT Vi Hoa, NSND Thanh Huyền, NSƯT Tuyết Thanh… trở thành một trong những ca khúc cách mạng tiêu biểu và hay nhất về Bác Hồ.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ và ca sĩ Băng Tâm

Nguyễn Đình Toán

Vậy mà, từng có đơn tố cáo nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cho rằng ông sử dụng loại hình âm nhạc “ma quái” là hát then của dân tộc Tày để ca ngợi lãnh tụ. Nhà thơ Nông Quốc Chấn là Vụ trưởng Vụ Dân tộc miền núi của Bộ Văn hóa khi ấy đã giúp “giải oan” cho người nhạc sĩ.

Cùng với ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, ca khúc Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ được nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đánh giá là “tác phẩm lớn” không chỉ được khán giả trong nước yêu thích, mà còn được đến với khán giả ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng ít ai biết rằng, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cũng từng phải gánh nỗi “oan” với Xa khơi. Ca khúc được người nhạc sĩ viết với cảm xúc từ chuyến đi thực tế vùng giới tuyến khi nhìn thấy nỗi đau chia cắt, chia ly của nhiều gia đình, nhiều con người… Vài năm sau chuyến đi, đến năm 1963, ông mới hoàn thành Xa khơi, thế nhưng, ca khúc lại không được hội đồng xét duyệt khi ấy thông qua với lý do không có tính đấu tranh, không mang tinh thần ca ngợi công, nông, binh mà lại ủy mị, toàn nhớ với thương… Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã kiên quyết không sửa lại lời bài hát theo như đề nghị mà bảo vệ quan điểm: Giá trị của văn học nghệ thuật là tính nhân văn và nhân bản; chỉ tình yêu quê hương, yêu đất nước, yêu Tổ quốc, yêu gia đình, tình yêu đôi lứa… sẽ còn sống mãi với thời gian.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ

“Bác học hóa” âm nhạc dân gian

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ lúc sinh thời chia sẻ ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó được ông viết khi chưa từng đặt chân đến Cao Bằng, hay hang Pác Bó. Nhưng cách nhạc sĩ đưa âm hưởng âm nhạc dân gian của dân tộc Tày, Nùng, hay âm hưởng hát then, đàn tính, làn điệu sli lượn… vào trong ca khúc khiến người nghe tưởng như ông đã gắn bó từ lâu với mảnh đất này. “Âm nhạc dân gian Tày, Nùng hiện hữu rõ ràng trong ca khúc. Tuy nhiên, cái tài của nhạc sĩ và cũng là đặc trưng trong âm nhạc của ông chính là việc sử dụng những chất liệu âm nhạc dân gian theo cách đầy học thuật, hay màu sắc âm nhạc dân gian được đưa vào những tác phẩm có tính nghệ thuật cao. Chính bởi vậy, để thể hiện ca khúc của ông, ca sĩ cần giọng hát nhiều nội lực, có quãng rộng, có thể chuyển giọng xuống thấp, lên cao một cách uyển chuyển”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận.

Ông Long nhắc đến ca khúc Xa khơi như một minh chứng cho thấy Nguyễn Tài Tuệ là một trong những nhạc sĩ thành công trong việc phát triển dân ca ví, dặm, bên cạnh đó là đưa những điệu hò sông nước vào sáng tác. “Dân ca ví, dặm và hò sông nước đan xen với nhau vừa tạo nên sự da diết, trữ tình, nhưng lại mang nhiều tính kỹ thuật cho thấy đây là một trong những tác phẩm tầm vóc trong kho tàng ca khúc Việt Nam nói chung và ca khúc cách mạng nói riêng”, ông Long nhận định và cho rằng dù nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ không phải là nhạc sĩ Việt Nam duy nhất khai thác chất liệu âm nhạc dân gian, nhưng lại là người có thể tạo nên màu sắc âm nhạc riêng từ “hồn dân tộc”.

Có lẽ, sức ảnh hưởng của âm nhạc dân gian Việt Nam trong âm nhạc của Nguyễn Tài Tuệ được nuôi dưỡng từ tình yêu với văn hóa dân tộc ngay từ tuổi thơ ở xứ Nghệ. Chẳng thế mà, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ từng nói lúc sinh thời “Tôi yêu văn hóa dân tộc như máu thịt mình”.

Xin viết lại câu hát trong ca khúc Xa khơi với những làn điệu dân ca quê hương ông như lời tiễn biệt người nhạc sĩ: “Biển nói lên giùm bao ngày thương nhớ, biển ơi/Nhớ thương cách vời, ơi biển chiều nay…”.

Bà Vũ Thị Cẩm Tú, vợ nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, cho biết nhạc sĩ qua đời lúc 9 giờ 7 phút ngày 11.2 tại Hà Nội, hưởng thọ 87 tuổi.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh năm 1936, tại xã Thanh Văn, H.Thanh Chương, Nghệ An. Sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho giáo, nhưng ông sớm được gia đình cho theo học trường Pháp.

Cuộc cải cách ruộng đất đã tác động lớn đến gia đình nhạc sĩ và ảnh hưởng đến cuộc sống của ông. Khi biến cố xảy đến, Nguyễn Tài Tuệ rời quê ra Hà Nội. Ông kéo xe ba gác tại bến phà để có tiền sinh sống, bên cạnh đó dành thời gian đến thư viện đọc sách.

Một lần, ông gặp nhạc sĩ Trọng Bằng xin thử làm ca sĩ tại Đoàn văn công nhân dân T.Ư mà ông Bằng làm trưởng đoàn. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và Nguyễn Văn Thương nghe ông hát xong thì đồng ý. Lúc đã trở thành ca sĩ, Nguyễn Tài Tuệ nuôi ước muốn trở thành nhạc sĩ, được sáng tác ca khúc.

Năm 1957, Nguyễn Tài Tuệ lên công tác tại Ðoàn ca múa Lao - Hà - Yên. Năm 1959, ông về công tác tại Ban Nghiên cứu âm nhạc dân gian, nay là Viện Nghiên cứu âm nhạc dân gian. Năm 1963, ông về công tác ở Sở Văn hóa Quảng Ninh. Từ năm 1966 - 1972, ông được cử đi học sáng tác âm nhạc bậc đại học tại Nhạc viện

Bình Nhưỡng (Triều Tiên) và gặp cô gái Vũ Thị Cẩm Tú, sau này hai người nên duyên vợ chồng. Trở về, ông công tác ở Nhà hát Ca múa nhạc VN với vai trò nhạc sĩ sáng tác và chỉ đạo nghệ thuật.

Những tác phẩm của ông có thể kể đến ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Xa khơi, Mùa xuân gọi bạn, Lời ca gửi Noọng, Suối Mường Hum còn chảy mãi, giao hưởng thơ Những cánh chim cao nguyên, Kỷ niệm quê hương (cello và piano).

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật đợt 1 (2001), Huân chương Lao động hạng nhì; được trao Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.