>> DẠ LY
Điều mà những người yêu mến ông quan tâm nhất lúc này là sức khỏe của nhạc sĩ hiện thế nào…
Tôi xin cám ơn tất cả mọi người đã quan tâm đặc biệt đến sức khỏe của tôi. Tôi bị ung thư phổi thời kỳ thứ tư, đang được các bác sĩ của Bệnh viện Ung bướu, TP.HCM điều trị một cách tích cực. Trời vẫn chưa qua khỏi mùa lành lạnh, những người như tôi rất sợ không khí lạnh và gió mùa đông bắc. Khối u trong phổi vẫn còn đó, các bác sĩ điều trị hy vọng với sự chữa trị tích cực này, kích cỡ khối u sẽ nhỏ lại.
Thời điểm này tinh thần của ông và người bạn đời của mình đã, đang và sẽ phải “đối diện” với căn bệnh này ra sao?
Tôi và vợ tôi là hai người già trên 70 tuổi cả rồi. Mà đến tuổi này thì dù muốn dù không người ta cũng phải bình thản, điềm nhiên chấp nhận mọi bệnh tật, đau yếu. Mọi sự phó thác cho sự đưa đẩy của thời gian, không cưỡng cầu, không lo lắng. Tôi thật sự không lo bởi tôi biết mình có lo lắm thì cũng không thể làm gì để cải thiện tuổi già được.
Nhiều người vẫn nghĩ nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển với ngần ấy “gia tài” về sáng tác, về viết sách, viết báo… hẳn khấm khá. Nhưng được biết nhạc sĩ hiện đang rất chật vật tài chính để chữa bệnh. Vợ chồng ông làm sao để vượt qua?
Tôi nghỉ công việc ở cơ quan nhà nước không có lương hưu vì không đủ niên hạn, cho nên tôi xác định phải làm việc mới nuôi được bà xã và mấy đứa cháu nội. Số tiền thu nhập từ nhuận bút của hai tờ báo viết, tiền viết sách, tác quyền âm nhạc của tôi thuộc loại khá. Nhưng hai năm trở lại đây thì khó khăn rồi. Tôi chuyên làm việc bằng tiếng nói, hai năm qua bệnh nặng mất tiếng nói, hết được đi dạy, thuyết trình, giao lưu, làm talkshow, chấm thi nên mọi sự cũng xuống cấp theo. Vậy nhưng ông bà ta dạy “khéo co thì ấm”, tôi cũng đang khéo co...
Nói đến sự nghiệp sáng tác, không thể không nhắc bài hát đánh dấu sự nghiệp của ông khi ở tuổi đời chưa đến 20: Thu, hát cho người. Bài này đến giờ vẫn còn sức sống mãnh liệt trong lòng người trưởng thành và cả người trẻ. Theo ông vì sao?
Tôi vẫn thường mường tượng sáng tác ca khúc như một trạng thái lên đồng (cười); hễ khi nào đồng nhập trọn vẹn thì ca khúc ra đời. Ca khúc Thu, hát cho người tôi viết năm 1968 ra đời trong trạng thái… lên đồng như vậy. Giả thiết rằng, bây giờ tôi trở lại với đồi núi ngày xưa ấy, ngồi một mình trong chiều thu vàng ruộm với ngàn hoa sim tím đẹp mênh mông thì tôi vẫn không thể viết ra được một khúc tình ca như Thu, hát cho người của ngày xưa ấy. Vì sao vậy? Trạng thái… lên đồng đã mất, tôi đã già, không còn tâm hồn, tâm tình và những suy tưởng, cảm xúc trong sáng của thời đôi mươi. Cái giây phút ấy đi qua một lần và đi mãi.
Nhưng có bao giờ nhạc sĩ trở về đồi sim nơi đã ghi dấu một ca khúc quá đẹp Thu, hát cho người?
Năm 2017, tôi lên đồi sim Duy Sơn của quê nhà Quảng Nam nơi viết lên Thu, hát cho người và tôi viết ra bài tình ca Trên đồi xưa ngay trong đêm ấy trong một khách sạn nhỏ. Đó là một ca khúc hay nhưng dẫu có cố gắng bao nhiêu thì Trên đồi xưa vẫn không thể theo kịp Thu, hát cho người. Tôi chứng nghiệm lại rằng sáng tác ca khúc tình ca chỉ mong chờ giây phút ấy; nếu người nhạc sĩ bỏ qua không kịp nắm bắt thì e rằng tâm tình ấy, tâm hồn ấy không bao giờ trở lại nữa. Theo tôi, Thu, hát cho người có sức sống bền bỉ vì nó là một bài tình ca đẹp về giai điệu, giàu tính tư tưởng và tính nghệ thuật về ca từ. Nó ra đời ở năm đôi mươi khi người ta còn rất trẻ, nỗi si tình cũng mới tinh khôi. Âm nhạc là một trong bảy nghệ thuật nên ca từ của ca khúc phải đẹp, nếu không đẹp thì không phải là âm nhạc ca khúc. Tôi thích viết ca từ đẹp.
Và dường như rất khó và không thể có Thu, hát cho người lần 2, thưa ông?
Đúng là không thể có lần hai; mà tôi cũng chẳng muốn có Thu, hát cho người… thứ hai. Sáng tác là tạo ra cái mới, phải làm ra cái mới tinh tuyền chứ không thể lặp lại chính mình. Bạn để ý mà xem, tập ca khúc Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang - Trăm khúc tình ca của tôi vừa được Nhà xuất bản Trẻ in không bài nào lặp lại bài nào dù là một vế nhạc hay một vài chữ trong ca từ.
Tại sao có thể dành cho mối tình đầu một ca khúc bất hủ như thế nhưng khó để viết một… bản tình cuối day dứt và “đẫm tương tư” như thế, thưa ông? Phải chăng phải “gặp” đúng cảm xúc mới có thể viết lên?
Có lẽ chưa có một nhạc sĩ nào so sánh (và cũng rất khó để so sánh) độ cảm xúc, độ rung động để viết lên bản tình ca thoát tục cho tình đầu mà khó viết bản tình ca day dứt, đẫm tương tư cho tình cuối. Cái khó là không thể xác định tình cuối vì chẳng biết nó đến khi nào (cười). Tôi chỉ thích nói về thuật ngữ… lên đồng. Hễ khi nào tâm hồn người nhạc sĩ thăng hoa đến độ vượt thoát tất cả như người lên đồng vượt thoát khỏi thực tại thì anh sẽ có tác phẩm tình ca đẹp, mới lạ, hay hơn tất cả những gì anh đã có. Trạng thái đó có thể có trong bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời.
Về “nàng thơ” tên Thu của Thu, hát cho người, ông từng nói sau này không muốn gặp lại bởi vẫn muốn được giữ hình ảnh đẹp nhất của nàng trong trái tim, trong tâm hồn. Nhưng rồi ông có “trốn chạy” mãi được không hay đã gặp lại (dù vô tình hay cố ý)?
Về Thu, trên 50 năm rồi chúng tôi không hề gặp lại, không nghe tin tức gì về nhau. Tôi vẫn tin rằng người bạn ấy có một cuộc sống bằng an, hạnh phúc và vui vẻ. Không gặp nhau vẫn có cái hay bởi hình tượng luôn hay hơn hình ảnh. Nếu bây giờ, gặp lại người bạn xưa giữa một đám đông nào đó thì chưa chắc tôi đã nhìn ra. Nhưng nếu bạn hỏi ngày xưa người bạn của tôi như thế nào tôi có thể mô tả ngay hình tượng ấy được (cười). Đạo Phật dạy ta tùy duyên - phải biết tùy duyên mà sống. Gặp là duyên, xa nhau là duyên, không gặp nhau mãi cũng là duyên.
Người bạn đời của ông có bao giờ… thắc mắc về một “ai đó” đã vô tình hay “cố ý” đi vào đời và âm nhạc của ông?
Vợ tôi ngày xưa xuất thân là biên tập viên của một đài phát thanh, nghĩa là cũng là một người làm báo. Chúng tôi cưới nhau, bà ấy mới “đi lạc đường” sang giáo dục. Thi thoảng, vợ tôi cũng chịu khó nghe tôi hát nháp những ca khúc tôi mới viết ra. Có vài lần vợ tôi khen nhạc tango của tôi hay và sang trọng. Đó là tình trạng chồng hát vợ khen hay (cười). Ít khi vợ tôi hỏi bài này viết cho ai vì bà ấy là người miền Nam thoáng đãng, rất phân biệt thế giới sống thật của đời thường và thế giới lãng mạn của sáng tác âm nhạc. Bây giờ thì vợ tôi không cần nghe nhạc tôi nữa rồi bởi vợ tôi bị... lãng tai (cười). Tôi tạm gọi tình trạng này là “chồng câm vợ điếc”.
Những ai yêu nhạc của Vũ Đức Sao Biển đều có cùng nhận xét nhạc của ông cứ man mác buồn, cứ day dứt, thổn thức… Phải chăng đời ông cũng cứ buồn buồn như thế?
Tôi sinh ra giữa một làng quê nghèo ven biển miền Trung, không biết kết bạn với ai mà cũng ít có ai để kết bạn. Lớn lên đi học, không hiểu sao tôi lại yêu thi ca của Đường Tống, Trung Hoa và thi ca trường phái lãng mạn Pháp. Bạn biết đấy, thi ca Đường Tống rất cô đọng, đọc lên tự nhiên nghe buồn bã. Thời trung học, tôi dành nhiều thời gian cho việc đọc sách. Khi tôi viết Thu, hát cho người cũng nặng trĩu những suy tưởng về sự sống, tình yêu và sự xa biệt. Từ đó về sau, hàng trăm ca khúc của tôi đi theo một khuynh hướng riêng, lãng mạn và tình tứ. Tác phẩm âm nhạc ca khúc là sự tổng hòa các tâm tình mà đời mình đã sống, các nguồn tri thức của người xưa mà mình đã học, các quan hệ tình cảm mà mình đã trải qua. Trên 300 ca khúc của tôi là sự tổng hòa những điều ấy.
Để có được một tác phẩm hay, theo ông “nguyên liệu” nào là quan trọng nhất? Có bao giờ ông phải mải miết đi tìm cảm xúc để hoàn thiện một tác phẩm mà ông đau đáu, ấp ủ?
Người mẹ hoài thai, ấp ủ mầm sống là đứa con yêu quý trong bụng mình đúng tháng, đúng ngày rồi mới chuyển dạ sinh con. Người nhạc sĩ hoài bão một tâm tình, đến tháng đến ngày bắt gặp lúc cảm xúc lên đến cao trào rồi mới sáng tác ca khúc. Tôi cho rằng yếu tố quan trọng nhất của mọi sáng tác âm nhạc là cảm xúc phải trung thực. Cảm xúc trung thực quyết định hồn vía của ca khúc làm cho ca khúc có độ chín muồi, độ rung động đến với tâm hồn người nghe. Người ca sĩ hát một ca khúc là truyền đi một thông điệp nối kết tâm hồn tác giả và tâm hồn người nghe, tạo ra sự giao cảm, sự hòa điệu. Cái gì đến thì tự nhiên nó sẽ đến, không đem chuối non giú ép để chỉ có những trái chuối chín không đều.
Ngoài nhạc, ông còn được gọi là “Nhà Kim Dung học VN”. Có bao giờ ông bị “nhiễm” nhân vật hay đưa triết lý của Kim Dung vào cuộc sống?
Năm 16 tuổi, tôi vào tiệm cho thuê sách, thấy có tập Lãnh nguyệt bảo đao của Kim Dung do Tam Khôi dịch bèn thuê ngay về đọc. Đọc thấy hay, hấp dẫn, tôi bèn thuê thêm những Thần đao Hồ đại đảm, Độc bá quần hùng... Từ đó cái tên Kim Dung ghi ấn tượng với tôi. Năm 1993, tôi viết bài đầu tiên đăng trên giai phẩm xuân Kiến thức Ngày nay về Kim Dung, được bạn đọc khen ngợi. Từ đó, tôi viết một loạt bài nghiên cứu về tiểu thuyết của ông. Viết đến đâu, NXB Trẻ cho in và tái bản đến đó. Kim Dung giữa đời tôi đã ra đời như vậy.
Tôi thích những nhân vật của Kim Dung vì họ ứng xử rất nhân hậu. Tiêu Phong, Lệnh Hồ Xung, Hư Trúc, Đoàn Dự... là những con người nhân hậu. Tôi cũng thích cách si tình của họ. Cứ viết về họ mãi, không ảnh hưởng nhiều thì cũng ảnh hưởng chút ít.
Từng có thời gian tôi được mời đi nhiều nơi, nhiều trường đại học để nói chuyện, thuyết trình về tác phẩm Kim Dung. Đến giờ tôi vẫn nhớ mãi một chương trình mà tôi bình luận trên Đài Đồng Nai về những phim dựng từ tác phẩm Kim Dung rất hay.
Đồ họa: Duy Quang