Tại Hội thảo "Thơ & nhạc, tương sinh hay tương khắc?" do Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Âm nhạc TP.HCM tổ chức sáng 23.2 nhân Ngày thơ VN năm 2024, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã có nhiều chia sẻ thú vị về hoàn cảnh ra đời các ca khúc phổ thơ nổi tiếng của ông.
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trịnh Bích Ngân: "Từ ca khúc phổ thơ đầu tiên được giới thiệu công khai là bài Bình minh do nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát phổ thơ Thế Lữ (bài thơ đăng trên báo Ngày Nay số ra ngày 31.7.1938) cho đến nay, thật khó thống kê đầy đủ đã có bao nhiêu ca khúc được phổ từ thơ. Sau lớp nhạc sĩ tiền chiến như Đặng Thế Phong, Hoàng Quý, Lê Thương, Văn Cao, Doãn Mẫn… thì phần lớn các nhạc sĩ tài danh được công chúng mến mộ đều có ca khúc phổ thơ. Thậm chí, có những nhạc sĩ mà ca khúc phổ thơ làm nên sự nghiệp của họ như Hoàng Hiệp, Phan Huỳnh Điểu, Thuận Yến, Phú Quang… Rõ ràng, nhiều bài thơ đã thành bệ phóng cho những ca khúc thăng hoa vào lòng công chúng. Vì vậy, có thể nói, nhà thơ có vai trò đáng kể, nếu không muốn nói là quan trọng trong sự phong phú và lan tỏa của hoạt động sáng tác âm nhạc từ trước đến nay".
"Ca sĩ Tạ Minh Tâm hôm qua cũng hát sai từ này..."
Có thể nói, trong giới âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn là một tên tuổi nổi tiếng. Ông có nhiều tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả như: Bài ca không quên, Đất nước, Mùa xuân, Khát vọng… trong đó có tác phẩm Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (thơ Nguyễn Nhật Ánh) là một trong những bài hát được người dân TP.HCM rất yêu thích và đã trở thành "thương hiệu" của nhiều chương trình nghệ thuật cả trên sân khấu và sóng truyền hình.
Tiết lộ về mối lương duyên để cho ra đời ca khúc Đất nước (thơ Tạ Hữu Yên), nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn kể: "Cuộc đời làm văn nghệ mà có sáng tác hay về Bác Hồ và đất nước là ước mơ của biết bao người, tôi cũng vậy. Trước đây có nhiều người viết rất thành công và vì "sinh sau đẻ muộn" nên tôi mong ước lắm. Rất may năm 1984, tôi tìm gặp được bài thơ Đất nước tôi rất hay của anh Tạ Hữu Yên. Lời thơ dung dị, trữ tình, phản ánh độ dài hơn 4.000 năm của đất nước, phù hợp với suy nghĩ của mình nên qua sự gợi ý của nhạc sĩ Huy Thục, tôi bắt tay vào thực hiện ngay".
Còn ca khúc Dấu chân phía trước thì lại dựa vào bài thơ khá dài của nhà thơ Hồ Thi Ca. Ông kể: "Tôi loay hoay không biết viết thế nào đây để chắt lọc hết câu từ trong khả năng của mình cho phép. May quá cuối cùng cũng xong và hơn 40 năm qua, ca khúc này đã khẳng định được chỗ đứng trong lòng khán giả".
Tới bài Khát vọng (phổ thơ Đặng Viết Lợi) nhạc sĩ lại muốn khai thác tính chân phương, cổ điển. Tiếc là hiện nay có một số ca sĩ hát nhầm lời: "Hãy sống như đời sông/Để biết yêu nguồn cội/Hãy sống như đời núi/Vươn tới những tầm cao". Ý tôi muốn nói: Sống phải như đời sông có nguồn cội, phải yêu sông, yêu suối. Chỉ cần ca sĩ thêm một dấu sắc thôi là sai ý đồ của tác giả rồi. Ở trên là đời sông thì dưới mới đi theo là đời núi chứ. Ngay hôm qua gặp gỡ văn nghệ sĩ Xuân Giáp Thìn 2024 (sáng 22.2) tại TP.HCM anh Tạ Minh Tâm hát hay lắm, tôi rất xúc động nhưng đã bị sai một từ đời sông lại thành... đời sống, nên không đúng ý đồ tác giả rồi", nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tiếc rẻ.
Bình luận (0)