Nhạc sĩ Tô Hải với hồi ức buồn Nụ cười sơn cước

28/05/2007 22:21 GMT+7

Nhân dịp đến dự lễ trao tặng xe lăn cho các tướng lĩnh và cán bộ có công do Báo Quân Đội Nhân Dân tổ chức, tôi thật sự xúc động khi thấy một ông già quân phục chỉnh tề, huân chương đỏ ngực, chống gậy lập cập lên nhận xe. Đó chính là nhạc sĩ Tô Hải, tác giả ca khúc nổi tiếng một thời Nụ cười sơn cước... Sau buổi đó, tôi đã đến gặp ông tại nhà riêng.

Nhà của ông là căn hộ tập thể tận tầng lầu thứ 11 của chung cư Miếu Nổi (Q.Bình Thạnh - TP.HCM). 81 tuổi, đi đứng khó khăn do từng bị hoại tử khớp xương hông phải thay xương chậu, xương đùi bằng chất liệu titan do Pháp chữa trị... vì những lý do đó nên nhạc sĩ Tô Hải rất ít xuất hiện nơi này, nơi nọ.

Thế nhưng, dù không đi đâu ông lại biết rất nhiều những sự kiện đang diễn ra trên toàn cầu. Với khả năng thông thạo 3 ngoại ngữ, mỗi ngày ông dành từ 10 đến 12 tiếng để đọc tin tức trên internet. Cô Lâm Ái, vợ ông, khoe: "Chỉ một mình anh ấy đọc nhưng sau bữa cơm trưa hoặc tối là tôi và con gái Tô Lâm Phượng (sinh năm 1993) đều biết hết mọi chuyện xảy ra trên thế giới...".

*Thế ông không còn cảm hứng để viết nhạc?

- Đã hơn 20 năm nay tôi không còn làm âm nhạc, vì âm nhạc của lứa chúng tôi không còn đất sống. Thời buổi bây giờ chẳng ai sử dụng ca khúc của lớp già chúng tôi: Chu Minh, Hoàng Vân, Nguyễn Đức Toàn, Huy Du, Hồ Bắc, Doãn Nho... trừ những ngày lễ lạc gì đó họ mới hát lại! Bọn chúng tôi trở nên lạc lõng, hỏi tên chẳng ai biết. Thôi thì, tự an ủi là bọn tôi đã hoàn thành nghĩa vụ đối với một thời kỳ lịch sử.

* Ông đến với âm nhạc từ lúc nào?

- Thời tiểu học, tôi học hát và tham gia ban đồng ca Saint Joseph, từng đoạt giải thưởng âm nhạc Chim Sơn Ca của Hướng đạo sinh toàn Đông Dương. Đang học dở tú tài 2 thì tôi nhập ngũ ngày 19.8.1945. Tôi viết ca khúc đầu tay Trở về đô thành (1946) rồi Nụ cười sơn cước (1947) đều do bản năng và mê nhạc mà thành. Tôi luôn tự cho mình là một người lính làm nhạc cho mình, cho đồng đội mình hát.

Chỉ đến năm 1951, khi về Đoàn văn công Khu 4, tôi có dịp gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Được ông động viên khuyến khích, tôi thấy tự tin hơn để chuyên tâm vào sự nghiệp âm nhạc. Khi hòa bình lập lại, tôi được tham dự lớp sáng tác 18 tháng đầu tiên của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (1957-1958) do các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên dạy. Cùng lớp với tôi có các nhạc sĩ: Trọng Loan, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý, Lưu Cầu, Vũ Trọng Hối, Lương Ngọc Trác, Văn Chung, Nguyên Nhung, Vân Đông...

Năm 1958, tôi là người đầu tiên viết bản giao hưởng đại hợp xướng gồm 4 phần (thể loại cantale) Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy. Dạo ấy, ở nước mình làm gì có trống định âm (Timpani), hạc cầm... nhưng tôi vẫn cứ viết. Bản giao hưởng này được biểu diễn năm 1959 và được hàng loạt giải thưởng. Có lẽ vì thế mà trong Bách khoa từ điển của Pháp (Encyclopédie de la Musique) xuất bản năm 1960 có tên tôi, họ ghi là "nhà soạn nhạc" (compositeur) cùng với 11 người viết ca khúc (chansonnier) thời ấy...

* Ca khúc Nụ cười sơn cước đã được ông sáng tác trong hoàn cảnh nào? Và "Ai về sau dãy núi Kim Bôi..." là ở đâu vậy?

- Kim Bôi là một dãy núi thuộc tỉnh Hòa Bình. Dạo đó đơn vị tôi ở nhờ một làng dân tộc Mường. Tôi được ở trong một gia đình có cô con gái rất đẹp, nàng tên là Phẩm. Cũng chỉ là "để ý" thầm vậy thôi! Khi đơn vị tôi chuyển quân, với tình cảm lưu luyến hết sức chân thành tôi đã: "hình dung một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng trăng, một chiếc vòng sáng lóng lánh với nụ cười nàng quá xinh !" và chuyển những tình cảm này thành ca khúc, ca ngợi chung những bông hoa rừng mà tôi đã từng gặp.

* Sau này có bao giờ ông gặp lại nàng "sơn nữ" này?

- Có, và đó là nỗi ân hận của tôi. Năm 1973 hay 1974 gì đó tôi có lên Hòa Bình tìm lại "người xưa" dù biết rằng cô ấy đã có chồng con. Sau dãy núi Kim Bôi đã biến thành vùng công nghiệp khai thác suối nước nóng, đường sá mở rộng, người miền xuôi lên ở nhiều. Cô Phẩm ngày xưa giờ đã là một thiếu phụ luống tuổi, ăn mặc theo kiểu người Kinh và... chẳng biết tôi là ai cả ! Nhắc lại chỉ thêm buồn... Biết vậy, cứ hãy sống với kỷ niệm xưa.

* Đã ở bên kia ngưỡng tuổi 80. Nhìn lại hơn 60 năm hoạt động nghệ thuật, ông có điều gì muốn tâm sự?

- Phương châm sống của tôi hiện nay là hãy quên đi quá khứ (để khỏi tiếc nuối, kể công với lịch sử), hãy sống với hiện tại (để luôn vui với những gì mình đang có) và đừng nghĩ đến tương lai (để khỏi thấy mình quá già, sắp chết). Tôi có một valy tác phẩm chưa hề sử dụng. Tôi dặn vợ: khi tôi chết hãy vẫn cứ để chiếc valy ở đấy cho đến khi nó có "duyên" tìm được tri kỷ hoặc có ai cần nghiên cứu về cái thời đẹp nhất đã xa xưa của lũ nhạc sĩ già chúng tôi thì cho mượn... Nhược bằng chẳng ai rỗi hơi "tìm về quá khứ" thì con gái tôi (Tô Lâm Phượng - chơi piano tàm tạm) sau này có điều kiện sẽ dựng lại... cho cháu chắt tôi nghe vậy !

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.