Nhạc sĩ xứ Quảng Thu Hường với niềm vui nhận thưởng tác phẩm ‘Hạnh phúc của em’

24/10/2021 12:05 GMT+7

Tối 23.10 tại Hà Nội, cuộc thi Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường đã làm lễ tổng kết và trao thưởng. Trong số các tác giả nhận giải có nhạc sĩ Trần Thu Hường - chị ruột của nhạc sĩ Trần Quế Sơn, đoạt giải nhì.

Nhận tin vui cùng các đồng nghiệp nhận giải thưởng cuộc thi Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường do Bộ Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, nhạc sĩ Trần Thu Hường (hội viên Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam) rất hạnh phúc. “Tôi rất mừng vì đã góp phần nho nhỏ trong việc tôn vinh nghề giáo, ca ngợi những người đi 'gieo hạt, trồng người' cho đất nước. Hy vọng sau cuộc thi này, những bài hát viết về thầy cô, trường lớp được phổ biến rộng rãi...”, tác giả ca khúc Hạnh phúc của em vừa nhận giải thưởng chia sẻ.

Nhạc sĩ - ca sĩ Trần Thu Hường (trái) và Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân tại một buổi trao giải thưởng âm nhạc phía Nam

NVCC

Không chỉ sáng tác nhạc, Trần Thu Hường còn là giọng ca được khán giả yêu thích

NVCC

Là người con quê Quế Hiệp, H.Quế Sơn (Quảng Nam), ca sĩ - nhạc sĩ Trần Thu Hường khá đa tài khi vừa hát hay, vừa sáng tác âm nhạc. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội (chuyên ngành âm nhạc), Thu Hường khăn gói theo "ông chồng đồng hương" lên cao nguyên lập nghiệp. Những năm tháng thanh xuân sống và làm việc tại Trường THCS Nguyễn Du (Di Linh, Lâm Đồng) với không khí mát mẻ, trong lành giữa bạt ngàn màu xanh của trà, cà phê…đã tạo cảm hứng cho 122 ca khúc về tình yêu quê hương đất nước của cô giáo dạy nhạc này ra đời. Nhiều tác phẩm như: Người lính gác đêm trăng, Còn nhớ còn thương, Về Quảng Nam nhé em, Nhớ quê, Tôi yêu quê tôi, Mong tiếng gọi đò, Nhớ nội, Ru mẹ... đã giúp nhiều người biết đến tên tuổi của một nhạc sĩ xứ Quảng trên đất Di Linh (Lâm Đồng). Đặc biệt, Trần Thu Hường dành nhiều tâm huyết với những sáng tác dành cho thiếu nhi và thành công với hơn 60 ca khúc: Vầng trăng cánh võng, Từ bục giảng yêu thương, Trăng của nội, Ru bà , Mẹ trực đêm… cùng mảng đề tài “ruột” về nghề của mình: Từ bục giảng yêu thương, Về cùng anh đi em, Tình yêu trên Tây nguyên, Hạnh phúc của em, Thầy cô nâng bước em từng ngày, Niềm vui đến trường, Lời thầy mãi trong tim con, Nhớ lời thầy, Lời yêu gởi mẹ...

Ca khúc Hạnh phúc của em vừa nhận thưởng của nhạc sĩ Trần Thu Hường

Cùng với em ruột là nhạc sĩ Trần Quế Sơn, Trần Thu Hường cũng làm rạng danh xứ Quảng với nhiều bài hát hay cho quê hương "ngũ phụng tề phi"

NVCC

Ca sĩ - nhạc sĩ Trần Thu Hường tâm sự: "Là một giáo viên đang trực tiếp đứng lớp, tôi rất hiểu những khó khăn, áp lực trong công việc của nghề giáo. Được công tác ở vùng thuận lợi, đầy đủ cơ sở vật chất nhưng đôi khi mình còn gặp phải những khó khăn nhất định nên tôi càng cảm thông và thấu hiểu sự vất vả hy sinh của thầy cô đang công tác nơi rẻo cao, những người gùi chữ lên non, gieo từng con chữ cho các em học sinh vùng sâu vùng xa. Vì vậy, khi viết về đề tài này, tôi thực sự nhập tâm".

Những bài hát thấm đẫm chất quê hương và nghề giáo giản dị, mộc mạc

Nói về sự ra đời của tác phẩm Hạnh phúc của em, nữ nhạc sĩ kể: “Một lần, Thu Hường xem một phóng sự trên truyền hình về những chặng đường trơn trượt, mưa lũ, thầy cô giáo nơi vùng cao vượt hàng trăm cây số đường rừng nguy hiểm, mà vẫn vui vẻ cắm bản, hạnh phúc khi gặp được các em. Ở đó, niềm vui và niềm hạnh phúc của thầy cô chính là những điểm 10 trên trang vở học trò, là ánh mắt hồn nhiên ngây thơ của các em. Bắt ngay mạch cảm xúc ấy, tôi quyết định dùng chất liệu dân ca vùng núi phía Bắc hoàn thành ngay ca khúc Hạnh phúc của em và gởi đi dự thi. Ai ngờ, được vào vòng chung kết và trúng giải…”.

Điểm nổi bật trong âm nhạc của Trần Thu Hường là thường được phát triển từ các chất liệu dân gian vùng miền như: miền Trung với những ca khúc Hỏi nắng đi mô, Mong tiếng gọi đò, Lời ru tháp Chàm; miền núi phía Bắc với Đêm Sapa, Nhớ câu dân ca; miền Tây Nam bộ: Miền Tây quê em ...Các sáng tác của Trần Thu Hường khi được phát trên VOV, VOH, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài PT-TH các tỉnh, thành: Đà Nẵng, Lâm Đồng, Bình Phước, Quảng Nam... được khán thính giả yêu thích. Trong 5 năm năm gần đây, Thu Hường nổi trội với những bài hát phổ thơ. Cách phổ thơ của Thu Hường không sa vào lối hát thơ mà biết cách sáng tạo, viết thêm ca từ, làm cho bài thơ trở nên mới mẻ mà không mất ý chính nên được các nhà thơ tín nhiệm và “đặt hàng” ngày càng nhiều.

Nhạc sĩ Trần Thu Hường luôn hạnh phúc với âm nhạc và "nghề đưa đò" trên cao nguyên Di Linh

NVCC

Từng là học sinh giỏi văn một thời tại trường THPT Quế Sơn (Quảng Nam) nên ngoài sáng tác ca khúc, Trần Thu Hường còn thử sức ở một số thể loại khác: truyện ngắn, thơ và đặc biệt là một số bài lý luận phê bình tác phẩm hoặc nghiên cứu các loại hình nghệ thuật dân gian.

Cùng với người em ruột là nhạc sĩ Trần Quế Sơn, Trần Thu Hường cũng làm rạng danh xứ Quảng với những bài hát thấm đẫm chất quê hương giản dị, mộc mạc. Hiện nhạc sĩ Trần Thu Hường có một số ca khúc đã được các nhà xuất bản chọn lọc đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Thời gian tới, Thu Hường cho biết sẽ tăng cường viết thêm mảng ca khúc cho thiếu nhi và hy vọng sẽ có thêm nhiều ca khúc hay để tiếp tục được tuyển vào các bộ sách giáo khoa giảng dạy trong trường phổ thông và phát hành tiếp DVD ca khúc thiếu nhi trong năm 2022.

Cuộc thi Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường thu hút hơn 400 ca khúc tham dự, với đề tài rộng, nhiều cấp độ, trải dài từ học sinh mầm non, mẫu giáo tới phổ thông đến đại học. Có nhiều tác phẩm về ký ức, thầy cô trong giai đoạn đi học của những người đã trưởng thành với sự biết ơn sâu sắc, chắt chiu về lời ca đẹp, về giai điệu âm nhạc. Kết quả: 2 giải nhất thuộc về các tác phẩm Em là cô giáo vùng cao của tác giả Đào Hữu Thi (Hà Nội) và Tình cô (nhạc sĩ Kiều Tấn Minh, thơ Phạm Bạch Trúc, Hội Âm nhạc TP.HCM). Các giải nhì được trao cho những tác phẩm: Em đi gieo mùa xuân đất nước, tác giả Đặng Hoàng Long (Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội), Bài ca về mái trường (Nguyễn Ngọc Thịnh, Hội Nhạc sĩ Việt Nam), Hạnh phúc của em (nhạc sĩ Trần Thu Hường, Trường THCS Nguyễn Du, Lâm Đồng) và Trở lại mái trường xưa (Phạm Xuân Hải, Trường Cao đẳng VHNT Nghệ An).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.