Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh tại làng Mỹ Trà, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ông là nhà nghiên cứu, giảng dạy âm nhạc dân tộc nổi tiếng, từng đi diễn thuyết, giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới.
Lần thứ hai về thăm quê hương Đồng Tháp, ông đã có buổi giao lưu với khán giả qua chương trình mang tên Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - Tiếng đờn ngân mãi của Đài truyền hình Đồng Tháp. Tại buổi gặp gỡ, bằng lối nói chuyện dí dỏm, ông đã có những chia sẻ về cuộc đời và niềm đam mê âm nhạc dân tộc của mình. Mặc dù có một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ và những đóng góp to lớn cho sự nghiệp âm nhạc dân tộc nhưng ông chân tình bộc bạch: “Tiếng đờn đối với tôi giống như một môn giải trí và khi có những vấn đề gì không giải quyết được thì tôi sẽ ngồi vào đàn…”.
Tháp tùng trong chuyến về thăm quê của nhạc sư còn có một số môn sinh của ông. Đạo diễn sân khấu Huỳnh Tấn Phát là một trong số đó, anh không khỏi xúc động: “Chắc khó ai có thể hình dung một ông già 101 tuổi lại có thể làm cho khán giả khi thì bồi hồi, da diết, lúc lại tràn ngập tiếng cười qua cuộc trò chuyện, diễn tấu hơn 3 giờ… Những câu chuyện từ những năm 30 - 40 của thế kỷ trước thế mà thầy lại có thể kể vanh vách, từ những kỷ niệm thuở ấu thơ đến cuộc đời trôi nổi theo bao thăng trầm thế sự; từ việc thầy bắt đầu làm quen với âm nhạc tài tử đến hiện nay, thầy vẫn có thể lên internet để dạy bộ môn này cho các môn sinh ở nước ngoài để truyền bá cổ nhạc của vùng đất phương Nam…”.
Cô Thu Anh, trưởng nữ của nhạc sư Vĩnh Bảo, cho biết: “Năm nay, ba Vĩnh Bảo đã thỏa mãn ước nguyện được về lại thăm quê hương Cao Lãnh, Đồng Tháp. Đó sẽ làm tăng thêm động lực cho ba thọ thêm nhiều năm nữa. Ba rất cảm động với tình cảm của ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cùng ban lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo TP.Cao Lãnh. Mọi người ở Đồng Tháp đều tiếp đón nhạc sư với tình cảm như đón người thân đi xa trở về gia đình. Sức khỏe của ba khi về vẫn khỏe, có lẽ vì ba rất vui sau chuyến đi…”.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo từ nhỏ đã biết chơi nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Từ năm 1955 - 1964, ông dạy môn đàn tranh và là trưởng ban nhạc cổ miền Nam tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ ở Sài Gòn. Năm 1972, ông cùng giáo sư Trần Văn Khê diễn tấu ghi âm đĩa Nhạc tài tử Nam bộ cho hãng Ocora và UNESCO tại Paris (Pháp). Ông cũng được Chính phủ Pháp tặng Huy chương nghệ thuật và văn học. Ông cũng là người cải tiến cây đàn tranh từ 16 dây lên 17, 19, 21 dây…
Bình luận (0)