(iHay) Đây là thời điểm mà phim ảnh (cả phim truyền hình lẫn điện ảnh) được 'ra lò' với tốc độ nhanh như 'mì ăn liền'. Và một trong những vấn đề gây tranh cãi trong giới làm phim hiện nay là cổ xúy diễn viên học thuộc kịch bản hay chịu cảnh 'đớp lời' (nhắc thoại phim) trên phim trường.
>> Diễn viên Hollywood nhận tiền để nhớ kịch bản, còn diễn xuất là miễn phí
Tuy có những góc nhìn khác biệt về chuyện nhắc thoại ở phim trường nhưng Tường Vi, Trương Nam Thành, Cát Phượng và Trang Nhung đều có chung sự nhiệt huyết, hết mình dành cho nghề diễn xuất
|
Ồ ạt phim mới
Theo thống kê từ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19, năm 2015 có hơn 40 phim điện ảnh được xuất xưởng, trong đó có khoảng 30 phim được chính thức ra rạp. "Thừa thắng xông lên", năm 2016, nhiều đơn vị sản xuất phim tư nhân đã vào cuộc đua dự án phim "bom tấn" và đặt kế hoạch một năm sản xuất ra thị trường từ 2-3 phim. Như công ty Liên Á O.C.E.T với 2 phim Ám ảnh và Găng tay đỏ (dự kiến khởi chiếu vào mùa thu năm nay), nhà sản xuất kiêm đạo diễn Ngô Thanh Vân với dự án Tấm Cám: Chuyện chưa kể (dự kiến ra rạp vào tháng 8.2016), đạo diễn Victor Vũ với phim Status (chưa xác định ngày ra rạp)... Bên cạnh đó, những đại gia trong ngành sản xuất và phát hành phim như CGV, Galaxy, BHD... cũng có kế hoạch mở thêm nhiều hệ thống cụm rạp ở các tỉnh, thành để đáp ứng nhu cầu phim Việt ra rạp ngày càng tăng.
Từng kiêm nhiệm cả hai vai trò diễn viên lẫn nhà sản xuất phim, hơn ai hết, Trần Bảo Sơn tâm huyết làm ra những sản phẩm điện ảnh chất lượng nhất
|
Tham khảo ý kiến của nhà sản xuất kiêm diễn viên Trần Bảo Sơn, anh cho biết: "Thị trường điện ảnh nước nhà đang phát triển mạnh. Trung bình bây giờ một tháng có 4 phim được chiếu rạp. Với kinh phí thấp việc lấy lại vốn rất dễ, nhưng phim như vậy sẽ không thắng và khán giả cũng sẽ biết lựa chọn, đào thải những phim kém chất lượng".
Kẻ nói 'không chuyên nghiệp', người bảo 'chỉ là chuyện nhỏ'
|
Theo chia sẻ của Trương Nam Thành, bây giờ làm phim có hai xu hướng, một là ghi hình và thu tiếng trực tiếp, hai là ghi hình trước và lồng tiếng sau. Với cách thứ nhất, đơn vị sản xuất và đạo diễn phải mất nhiều công sức lẫn thời gian mới có thể hoàn thành một bộ phim, trong khi đó, cách thứ hai dễ dàng và tiết kiệm chi phí cho ê kíp đoàn phim hơn. Ví dụ như, một bộ phim điện ảnh chỉ ghi hình thì quay cật lực trong vòng 15 - 20 ngày là xong, nếu thu cả tiếng trực tiếp phải mất gấp đôi thời gian. Trong khi đó, chi phí của một đoàn làm phim lại được phía nhà sản xuất tính theo ngày, mỗi ngày từ 150 - 200 triệu (bao gồm chi phí ăn, ở và đi lại của cả ê kíp).
Chính vì phải chạy theo tiến độ từng ngày nên cả đoàn phim trên dưới đều phải rất tranh thủ, khi ê kíp chuẩn bị xong máy quay và cảnh diễn, bắt buộc đạo diễn và diễn viên cũng phải ở trong tư thế sẵn sàng "chiến", có khi phải làm việc liên tục 2 - 3 ngày không ngừng nghỉ, thức trắng đêm. Với cường độ làm việc cao và không giờ giấc, các diễn viên đóng vai chính không tránh khỏi chuyện bị đuối sức, không thể nhớ nổi thoại phim khi bước vào những cảnh quay xuyên đêm. Do vậy, mới có chuyện xuất hiện tổ nhắc thoại cho diễn viên ở phim trường.
Nói tiếp về vấn đề này, Trang Nhung cho biết: "Trước đây việc nhắc thoại chỉ dành cho những diễn viên cao tuổi, trí nhớ hạn chế nhưng bây giờ ngay cả những diễn viên trẻ cũng ít nhiều phụ thuộc vào chuyện này. Thế nhưng, chuyện nhắc thoại là bình thường, bởi khi diễn, diễn viên thường phải nói chính xác câu thoại trong phim, với những con số hoặc nói về chủ đề chiến tranh, lịch sử càng phải chính xác hơn nữa. Nên nếu chỉ chăm chăm vào việc học thuộc lòng kịch bản rồi diễn như trả bài sẽ không thể nào diễn tốt được. Đặc biệt là phim điện ảnh, "nhất cử nhất động" của diễn viên đều được quan sát "từng li, từng tí".
"Theo quan điểm của tôi, diễn viên được nhắc thoại hay không thì không có gì to tát hết, nhiều khi là do vấn đề trí nhớ hay lười lao động một chút, không sao cả, việc học thoại tùy thuộc vào khả năng của mỗi người mà", Trang Nhung chia sẻ thêm.
Đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ không chấp nhận việc nhắc thoại ở phim trường bởi theo anh, điều này không chuyên nghiệp và thể hiện sự thiếu tôn trọng ê kíp làm việc
|
Trong khi đó, diễn viên kỳ cựu Cát Phượng tâm sự: "Tôi đi diễn từ trước đến giờ chưa bao giờ để phải nhắc thoại, khi mình tự trọng thì người ta mới tôn trọng mình. Chuyện diễn viên học thuộc thoại tưởng bình thường nhưng với một số người đó là vấn đề nan giải, có người không chịu học thoại, chỉ đợi nhắc vì ỷ y mình nổi tiếng, có chút nhan sắc. Tôi nói thật, những người này nếu gặp, tôi cũng không để tâm, vì làm việc như vậy khó trụ lại được với nghề lắm. Còn với những người đã cố gắng hết sức nhưng không nhớ được thoại, do tâm lý, mình sẵn sàng nương theo, "đẩy lửa" và hỗ trợ thôi, dù việc nhắc thoại như vậy ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và diễn xuất của mình".
Bên cạnh đó, Cát Phượng còn tiết lộ nguyên nhân phổ biến của việc diễn viên không thuộc thoại là do "chạy show" nhiều phim cùng một lúc và kịch bản không được hoàn thành đồng bộ, mà quay đến tập nào mới xuất bản kịch bản của tập đó nên diễn viên không có thời gian để chuẩn bị.
"Bản thân tôi không bao giờ cùng lúc nhận hai phim vì nếu nhận nhiều như vậy mình không chuẩn bị tâm lý tốt, hoàn toàn tập trung vào vai diễn. Nhưng bây giờ ai cũng chạy sô đóng phim hết, biết nói sao, mình đâu có lo cho cuộc sống gia đình của người ta được thì lấy tư cách gì phán xét. Làm bộ phim lâu sẽ tốn tiền của đạo diễn và nhà sản xuất nên ai nấy cũng khẩn trương làm cho nhanh, cho lẹ. Thử nghĩ coi một bộ phim truyền hình 50 - 60 tập mà quay chỉ có 3 - 4 tháng là xong nên phim bây giờ nhiều nhưng ít hay hơn ngày xưa...", Cát Phượng trải lòng.
Trên thực tế, không phải diễn viên nào cũng đồng tình với chuyện nhắc thoại trên phim trường, chẳng hạn như Tường Vi. Cô cho biết nếu phải diễn xuất với người được nhắc thoại nhiều quá, ảnh hưởng đến tâm lý diễn xuất, cô sẽ "làm việc riêng" với đạo diễn. Tường Vi cho rằng bất kỳ ai ở giai đoạn cũ đều bắt đầu từ giai đoạn mới, cô thấu hiểu những lý do dẫn đến tình trạng diễn viên không thuộc thoại. Thế nhưng không vì vậy mà Tường Vi chấp nhận một cảnh diễn "sống sượng", như trả bài kịch bản trên phim trường, bởi thái độ làm việc không nghiêm túc này là tự coi thường bản thân và nghề nghiệp.
Và đây cũng là quan điểm của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ - người đưa phim Cuộc đời của Yến tham dự liên hoan phim World Premieres Film Festival Philippines ngày 30.6 vừa qua. Anh nói: "Tôi không đồng ý chuyện nhắc thoại cho diễn viên trên phim trường. Thứ nhất, việc học thoại thể hiện sự tôn trọng của diễn viên với bộ phim, với ê kíp và đặc biệt với chính nhân vật mà mình thể hiện. Thứ hai, không thuộc thoại sẽ bị động trong diễn xuất và thể hiện cảm xúc như một con rô bốt. Lúc đó gần như chỉ hoàn thành vai diễn một cách cơ học chứ không có chuyện "hóa thân" vào nhân vật nữa. Hiện nay, khi mà ngày càng nhiều bộ phim yêu cầu thu tiếng trực tiếp, việc nhắc thoại sẽ gần như không thể xuất hiện ở một đoàn phim chuyên nghiệp nữa".
Bình luận (0)