1.Đêm. Nghe đi nghe lại bản nhạc Có một dòng sông đã qua đời của Trịnh Công Sơn, chợt giật mình khi nhớ đến một bài báo trên Thanh Niên đọc lúc ban ngày: Lễ hội đua voi phải xin nước thủy điện.
Đoạn sông Srêpôk này cần thêm nước để tổ chức lễ hội đua voi - Ảnh: Ngọc Quyền |
Những dòng sông bây giờ không còn chau mày nữa. Mà đã kêu đau tha thiết. Không chỉ một dòng sông, mà rất nhiều dòng sông như thế. Sông đã cạn dòng thì đâu còn là sông!
Tôi đã đi qua rất nhiều dòng sông trên đất nước này. Sông núi trùng trùng, giang sơn gấm vóc đã lùi vào dĩ vãng… Bây giờ sông chỉ còn trơ đáy, như bức hình trong bài báo, Srêpôk ơi, dòng sông mẹ của Tây nguyên!
Trịnh đã thấy tự bao giờ, những dòng sông đã qua đời và rồi sẽ qua đời. “Tôi dang tay ôm nước vào lòng/Sông mở nước ôm tôi vào dạ” như nhà thơ Tế Hanh đau đáu nhớ về, không còn nữa đâu!
2. Dòng Srêpôk những buổi trưa tháng 3.1991, tôi và bạn bè nhảy ùm xuống vẫy vùng thỏa thích. Tháng 3 Tây Nguyên nóng như nung, bụi mù mịt trên cung đường T5 huyết mạch. Hoa dầu bay, lá rụng muôn trùng. Vẻ đẹp của những bông hoa cuối xuân ẩn khuất sau những lùm bụi ven đường lùi dần qua kính cửa xe U oát, như ánh lên dưới nắng. Qua ngầm rồi lại qua ngầm. Thảng hoặc lại gặp những bầy bò rừng nhởn nhơ gặm cỏ. Sau đó, chúng hồn nhiên vô tư đầm mình xuống dòng Srêpôk xanh trong. Cảnh vật đó chắc không còn?
Bây giờ sông phải xin nước! Để có những tòa nhà cao vút, ánh điện lung linh giữa phố phường Buôn Mê, Srêpôk phải xin con người nhỏ cho một ít nước, để cho bầy voi còn sót lại của Buôn Đôn, Buôn Trí xuống tắm, trong một lễ hội đậm màu sắc tâm linh của người Ê Đê.
3. Những ngày của các năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, tôi đã từng được thưởng thức món cá mõm trâu đặc biệt của dòng Srêpôk qua sự chế biến rất đặc biệt của một già làng Ê Đê ở Buôn Đôn.
Ông nhẩn nha kể cho tôi nghe sự dụng công, vất vả để đánh bắt được loài cá này. Chúng sống ở tầng nước sâu nhất của Srêpôk. Những trai bản có sức vóc vạm vỡ nhất, lặn sâu giỏi nhất nắm các đầu lưới, lặn xuống vài chục mét nước và quét qua các tầng đá thoải dưới lòng sông. Hú họa, mới bắt được vài con. Và con cá đang nằm trên tàu lá chuối hôm ấy chính là công sức của mấy chàng trai Ê Đê, trong đó có 2 đứa cháu của già làng…
Ông cho tôi chứng kiến cách chế biến kỳ lạ món cá đặc biệt này: Làm sạch cá, chọn một cây sung to nhất, có nhiều tổ kiến đỏ rồi treo cá lên. Kiến sẽ túa ra bu kín con cá mõm trâu, chích vào đó tất cả chất đặc biệt của chúng. Khi con cá đỏ hồng, ông lấy xuống đặt lên tàu lá chuối, với nước chấm tuyệt ngon, rau rừng đủ loại mơn mởn. Cuốn rau với cá, và uống với ché rượu cần lâu năm mà ông bê ra từ góc nhà sàn. Bữa ăn ấy, với loài cá có cái miệng loa ra rất rộng, một cách ăn gỏi cá rất riêng, là bữa tiệc nhớ đời giữa núi rừng Tây Nguyên, giữa tiếng cồng chiêng cúng nhà mồ vang dội lại trong buổi chiều tà, rất khó quên…Bây giờ, khi sông còn xin nước, thì cá mõm trâu đi về đâu?
--------
Ngày 10.3.2016, tôi đi qua 2 dòng sông lớn nhất miền châu thổ Cửu Long, qua 2 chiếc cầu lớn và đẹp nhất miền Tây. Từ Vĩnh Long, tôi băng qua sông Tiền về bên sông Hậu. Sông Tiền vẫn lững lờ trôi, quá đẹp. Sông Hậu vẫn hiền hòa đón nước tự thượng nguồn Mê Kông đổ về hạ lưu. Buổi tối, ngồi ở nhà hàng nổi bên dòng Hàm Luông Bến Tre., tôi buột miệng nói đẹp quá, anh Năm Chiếm, một người bạn dân gốc xứ này, bảo rằng: Đẹp vậy, mà mặn chát đó. Rồi anh kể suốt nhiều ngày qua, Bến Tre khát khô họng, mỗi m3 nước ngọt phải mua 300 ngàn đồng!
Giữa vùng sông nước mênh mông bao đời, giờ người dân xứ dừa phải đi mua nước. Chợt nghe làn gió từ sông mơn man thổi qua, phả vào tôi vị muối!
Bình luận (0)