Những giọng hát nhạc Trịnh khó quên:

Nhạc Trịnh qua tiếng hát người Nhật - giúp chúng ta tự hào

09/04/2023 07:33 GMT+7

Người Nhật hát nhạc Trịnh khiến ta hiểu hơn về giá trị của nhạc Trịnh, từ tầm vóc âm nhạc đến văn hóa, lịch sử nghệ thuật…

Nhật Bản là đất nước mở cánh cửa đón nhận nhạc Trịnh một cách nồng hậu nhất. Sự đón nhận này không đến từ quảng bá hay bất cứ mô hình giao lưu văn hóa quốc gia nào, mà diễn ra tự nhiên, xuất phát từ chính nhu cầu thưởng thức của thị trường, khán giả.

Nhạc Trịnh qua tiếng hát người Nhật  - giúp chúng ta tự hào - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Tokiko Kato

TL

Cần biết rằng, Nhật Bản là thị trường âm nhạc lớn thứ hai thế giới, nơi hội tụ của hầu hết loại hình âm nhạc đến từ khắp nơi. Bản thân người Nhật cũng sành sỏi, có gu thưởng thức cao và am hiểu văn hóa, nghệ thuật. Bởi vậy, để âm nhạc từ một quốc gia như VN chen được vào thị trường sôi động, tấp nập này là điều vô cùng khó khăn.

Những giao cảm khiến người Nhật say mê

Từ đầu thập niên 1970, Khánh Ly đã được mời sang Nhật để trình diễn nhạc Trịnh. Trong những năm về sau, người Nhật thường xuyên mời Khánh Ly đến biểu diễn, thu âm, phát hành CD nhạc Trịnh, thậm chí lên hẳn sóng truyền hình quốc gia, tới mức bà phải thừa nhận không nhớ nổi đã đến Nhật bao nhiêu lần.

Người Nhật tỏ ra vô cùng trân trọng nhạc Trịnh, khiến Khánh Ly cũng phải bất ngờ. Bà nói: "Bản thân tôi ngạc nhiên, tôi không nghĩ mình được đón tiếp nồng hậu như vậy. Tôi hãnh diện, sung sướng vì qua ông Trịnh Công Sơn mà tôi được người ta biết đến". Hãng đĩa và đài truyền hình Nhật còn cho người bay sang Mỹ để tìm gặp Khánh Ly và thu âm nhạc Trịnh, tại phòng thu nổi tiếng. 

Album nhạc Trịnh phát hành tại Nhật từng bán tới 2 triệu bản, một kỷ lục chưa nhạc sĩ hay ca sĩ VN nào đạt được. Ca khúc Diễm xưa nổi tiếng tới mức được phổ tiếng Nhật cho nhiều ca sĩ Nhật thể hiện. Diễm xưa còn được đưa vào chương trình giáo dục về môn văn hóa Việt tại một trường đại học ở Nhật Bản. Trường đại học Kansai Gakuin cũng có một cuốn sách viết về bài Diễm xưa, kèm theo DVD. Cũng có cả luận án tiến sĩ của nhà nghiên cứu người Nhật về nhạc Trịnh Công Sơn.

Ðạo diễn Nhật Hideo Kado còn làm phim về Khánh Ly và nhạc Trịnh. Sau khi bộ phim công chiếu, cuốn sách viết riêng cho Khánh Ly cũng được xuất bản.

Sở dĩ người Nhật mê nhạc Trịnh đến vậy vì họ tìm thấy sự giao cảm từ giai điệu tới tâm hồn. Văn hóa Nhật gắn với "đạo", tức là nhìn nhận vạn vật trong cuộc sống với sự nghiền ngẫm, suy tưởng, thiền tịnh của cái tâm an nhiên (như trà đạo, thơ Haiku, bonsai, nghệ thuật vườn cảnh…).

Vì vậy, người Nhật muốn nghe những thứ nhạc mang giai điệu mộc mạc, bằng phẳng, giản đơn, không trúc trắc, lên xuống, phức tạp, như nhạc Trịnh, để thiền tịnh tâm hồn, suy ngẫm nhân sinh. Với nhạc Trịnh, chỉ cần thanh âm cất lên cũng mở ra không gian "đạo" đúng chất Nhật.

Phần ca từ sâu sắc, giàu triết lý, đặc biệt thấm nhuần tư tưởng Phật giáo nguyên thủy và tính hiện sinh chủ nghĩa trong nhạc Trịnh cũng rất hợp với tính cách, văn hóa, gu thưởng thức của người Nhật giai đoạn bấy giờ.

Nếu liên hệ, có thể thấy nhạc Trịnh (cũng như nhạc của Bob Dylan) có đôi nét khá tương đồng với văn học của Murakami Haruki, đặc biệt ở sự cô đơn, trống rỗng, nỗi buồn thế hệ và những hình ảnh siêu thực. Ðó chính là xúc cảm của thế hệ khán giả Nhật thập niên 60, 70 thế kỷ trước mà họ tìm thấy được ở nhạc Trịnh.

Nhạc Trịnh qua tiếng hát người Nhật

Trên thực tế, người Nhật chủ yếu nghe nhạc Trịnh qua tiếng hát Khánh Ly vì ăn sâu vào tiềm thức họ, nên không nhiều ca sĩ người Nhật hát nhạc Trịnh. Có một điều đặc biệt là đa số ca sĩ Nhật hát nhạc Trịnh cũng đều là những giọng ca nữ (tương tự ở VN), cho thấy rõ chất "âm tính" của nhạc Trịnh, thứ âm nhạc dành riêng cho cái đẹp.

Trong số những người Nhật từng hát nhạc Trịnh thì cái tên Michiko Yoshii gây chú ý nhiều nhất vì bà không phải ca sĩ mà chính là người có tình cảm sâu nặng với Trịnh Công Sơn và ông cũng vậy.

Michiko Yoshii đến với Trịnh Công Sơn ban đầu bằng lòng ngưỡng mộ của một người yêu văn hóa, ngôn ngữ, âm nhạc VN. Cả hai dành cho nhau một tình yêu trong sáng, thuần khiết và sâu nặng. Sợi dây gắn kết họ chính là đồng điệu văn hóa, âm nhạc. Tuy không đi đến cái kết viên mãn nhưng mối tình dang dở vẫn để lại những ký ức đẹp trong lòng Michiko Yoshii.

Vì là người gắn bó với Trịnh Công Sơn và nghiên cứu khoa học về nhạc Trịnh nên Michiko Yoshii hiểu nó hơn bất cứ ai, lại thêm trái tim tràn ngập tình yêu. Bởi vậy, bà hát nhạc Trịnh trong sự đắm say, tha thiết, gửi gắm trọn tâm hồn, suy tư bao quát và cả những xúc cảm riêng tư chỉ bà mới có.

Tokiko Kato là nhà soạn nhạc, nhà thơ và ca sĩ có tiếng tại Nhật. Bà nghe nhạc Trịnh từ năm 1970 và quá mê tới mức nhận Khánh Ly làm chị em kết nghĩa. Bà cũng từng đến thăm Trịnh Công Sơn tại nhà, viết lời Nhật cho một số ca khúc nhạc Trịnh, nổi bật nhất là Diễm xưa.

Sở dĩ Tokiko Kato đồng điệu với nhạc Trịnh vì bà là nghệ sĩ thuộc âm nhạc hiện sinh chủ nghĩa thập niên 1960 (hát nhạc phản chiến, dòng folk, phong cách du ca). Cả Tokiko Kato và Trịnh Công Sơn đều thấu hiểu nỗi đau, mất mát của chiến tranh nên say mê hát nhạc phản chiến, lấy những giai điệu folk cội nguồn làm chủ đạo và chỉ ôm cây guitar hát du ca.

Nhạc Trịnh được Tokiko Kato thể hiện với sự mộc mạc, trong sáng, nhẹ nhàng và phóng khoáng để tôn vinh hòa bình, yêu thương, đề cao tự do, quay về tự nhiên. Bởi vậy, nghe Tokiko Kato hát nhạc Trịnh sẽ cảm thấy dễ chịu, thư thái như nằm trên cánh đồng dưới bầu trời xanh trong.

Shimazu Aya và Tendo Yoshimi thuộc thế hệ sau nhưng lại có những bản thu nhạc Trịnh hoàn chỉnh, với phần hòa âm phối khí chuyên nghiệp, đầu tư, thiên về nhạc cụ dân tộc truyền thống. Họ cũng hát nhạc Trịnh với phong cách mãnh liệt, cao trào hơn. Cả hai từng song ca với nhau và nếu Tendo Yoshimi gây ấn tượng bởi giọng nữ trung trầm dày, nội lực như Thanh Lam thì Shimazu Aya lại là nữ cao trong trẻo, tha thiết. Tiếng hát của họ góp phần đưa nhạc Trịnh đến đông đảo khán giả Nhật, với lối thể hiện rất riêng, đậm chất Nhật, thổi vào nhạc Trịnh màu sắc mới.

Những nghệ sĩ này khiến chúng ta hiểu hơn về giá trị đích thực của nhạc Trịnh, vượt khỏi ranh giới âm nhạc để vươn tầm văn hóa, lịch sử, nghệ thuật… (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.