Điều trị miễn phí hoàn toàn
Ths-Bs Hà Tuấn Minh - Phòng chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Da liễu T.Ư) cho biết những năm 80-90 của thế kỷ trước, bệnh phong rất nhiều, mỗi năm trên cả nước phát hiện hàng ngàn bệnh nhân phong mới. Trước năm 1982, bệnh phong chỉ được điều trị bằng thuốc sulfone nên trực khuẩn phong kháng thuốc, rất khó khỏi bệnh. Từ năm 1982, với việc áp dụng nhiều loại thuốc, tức là đa hóa trị liệu - ĐHTL (rifampicine, chlofazimine, sulfone), việc điều trị bệnh phong đơn giản và hiệu quả hơn nhiều. Bệnh nhân được điều trị miễn phí hoàn toàn.
“Tuy nhiên khi được chẩn đoán bệnh phong, người bệnh cần uống thuốc đều, đủ liều mới tránh được hiện tượng kháng thuốc và tồn lưu của trực khuẩn phong. Với thể phong có trực khuẩn, thời gian điều trị là một năm, thể không có trực khuẩn thời gian điều trị trong một tháng”, bác sĩ Tuấn Minh cho biết. Ngoài ra, trong quá trình điều trị bệnh nhân sẽ được cung cấp kiến thức để phòng và phát hiện các biến chứng (phản ứng phong, viêm dây thần kinh) để tránh được các tàn tật có thể xảy ra.
63/63 tỉnh thành tiêu chí loại trừ bệnh phong
Theo Bệnh viện Da liễu T.Ư, với việc áp dụng đa hóa trị liệu, dịch tễ bệnh phong ở Việt Nam đã thay đổi một cách đáng kể. Hàng trăm ngàn bệnh nhân đã được chữa khỏi trong các năm qua. Và đặc biệt là khi có Chương trình mục tiêu Y tế quốc gia phòng chống bệnh Phong từ 1995 đến nay, dịch tễ về bệnh phong đã chuyển biến tích cực. Nhờ sự nỗ lực của ngành Y tế trong nhiều chục năm qua, tỷ lệ phát hiện, tỷ lệ lưu hành, số bệnh nhân phong mới đều giảm rõ rệt. Từ năm 2015, cả 63/63 tỉnh trong cả nước đã đạt tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong trên quy mô cấp tỉnh. Hiện nay tiếp tục triển khai loại trừ bệnh phong tuyến huyện theo TT 17 của BYT.
Có thể điều trị tại nhà
Bác sĩ Tuấn Minh cho biết bệnh phong là bệnh lây truyền. Bệnh lây từ người bệnh sang người lành qua tiếp xúc trực tiếp qua da và niêm mạc bị xây xát. Phải tiếp xúc lâu dài và thể nhiều khuẩn mới có khả năng lây cao. Những người sống trong cùng nhà với người bị bệnh phong sẽ có khả năng tiếp xúc nhiều và có nguy cơ bị mắc cao hơn người bình thường.
Trước kia bệnh nhân Phong thường được phát hiện muộn, để lại tàn tật, di chứng nặng nề, gây nên định kiến về bệnh. Hiện nay bệnh phong đa số được phát hiện sớm, điều trị khỏi không để lại tàn tật. Tuy nhiên, tàn tật có thể xuất hiện trước, trong và sau điều trị đa hóa trị liệu nên các bệnh nhân phong cần được quản lý và theo dõi chặt chẽ. Tỷ lệ bệnh nhân phong mới bị tàn tật độ 2 đã giảm còn dưới 15%.
Số mắc mới hiện đã giảm nhiều. Những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 10 triệu lượt người khám, điều trị bệnh da trong cả nước nhưng chỉ có khoảng 100 - 200 bệnh nhân phong mới được phát hiện.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện chưa có vắc xin phòng bệnh phong, vì vậy các biện pháp dự phòng bao gồm: Tuyên truyền giáo dục sức khỏe bằng nhiều hình thức để mọi người hiểu rõ về bệnh, không sợ hãi, tránh kỳ thị; Vệ sinh môi trường, ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ nâng cao sức đề kháng của cơ thể; Khi nghi ngờ có triệu chứng của bệnh, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tàn tật có thể xảy ra.
Các dấu hiệu sớm của bệnh phong:
- Thay đổi màu sắc da kèm theo mất cảm giác.
- Tổn thương dây thần kinh ngoại biên.
- Tìm thấy trực khuẩn phong tại thương tổn da hoặc thần kinh.
Một người được chẩn đoán là bị mắc bệnh phong khi có ít nhất 1 trong 3 dấu hiệu trên.
Nhiều năm qua ngành y tế đã thực hiện rộng rãi việc phát hiện sớm bệnh phong bằng các biện pháp: tuyên truyền giáo dục y tế về bệnh phong để người dân biết và chủ động đi khám tại các cơ sở y tế. Khám bệnh da tại cộng đồng, ưu tiên lựa chọn các vùng có tỷ lệ lưu hành cao để tìm bệnh phong còn lẩn khuất trong cộng đồng.
|
Bình luận (0)