XÁC ĐỊNH TRƯỜNG HỢP NGHI NGỜ
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các ca nghi ngờ đậu mùa khỉ (mpox) là trường hợp có tổn thương trên da, niêm mạc nghi mpox - đặc biệt trên nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam, suy giảm miễn dịch; và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau: trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ mpox qua quan hệ tình dục, tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da hoặc tiếp xúc với vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh; có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh mpox trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng.
Lưu ý, ban đậu mùa khỉ gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân; có thể gặp niêm mạc (mắt, miệng) xuất hiện cùng thời điểm; ban là các nốt phỏng nước đơn lẻ hoặc có thể tạo thành đám tổn thương trên da; ban có kích thước trung bình từ 0,5 - 1 cm, có thể tập trung thành đám, tồn tại khoảng 2 - 4 tuần. Người bệnh có thể kèm theo sốt và nổi hạch toàn thân.
Ca bệnh xác định là trường hợp có kết quả xét nghiệm sinh học phân tử dương tính với vi rút đậu mùa khỉ.
WHO HỌP KHẨN CẤP VỀ ĐẬU MÙA KHỈ
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã có cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Khẩn cấp quy định y tế quốc tế về đậu mùa khỉ. Theo thông tin cuộc họp, trong số ca bệnh được xác nhận tại châu Phi, 96% được báo cáo tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh mpox ở quốc gia này liên quan đến 2 phân nhóm của vi rút đậu mùa khỉ nhóm I MPXV, gồm nhánh Ia và nhánh Ib.
Trong đó, nhánh Ia của MPXV là loại bệnh đặc hữu ở Cộng hòa Dân chủ Congo, căn bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em, khả năng lây lan thông qua nhiều phương thức lây truyền bao gồm lây truyền từ người sang người. Còn nhánh Ib của MPXV được nhận định là chủng MPXV mới xuất hiện, lây truyền giữa người với người, liên quan đến quan hệ tình dục. Mặc dù lần đầu tiên được mô tả vào năm nay, nhưng ước tính nó đã xuất hiện vào khoảng tháng 9.2023.
Bộ Y tế VN cũng cho biết, trong 2 tháng gần đây, WHO đã ghi nhận sự gia tăng cao bất thường số trường hợp mắc bệnh mpox tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Vi rút mpox nhánh Ib đang nổi trội trong đợt dịch tại nước này, bước đầu ghi nhận có một số đặc điểm dịch tễ của bệnh khác biệt so với các đặc điểm dịch tễ trong vụ dịch trước đó xảy trong năm 2022 - 2024 tại khu vực châu Âu và một số quốc gia khác.
BỘ Y TẾ KHUYẾN CÁO BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA
Tránh tiếp xúc với người, động vật có thể bị bệnh, bao gồm cả động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh mpox.
Tránh tiếp xúc trực tiếp với vật dụng, bề mặt có nguy cơ nhiễm mpox như khăn trải giường, quần áo, đồ dùng cá nhân của người bệnh.
Cách ly, điều trị người bệnh tại nhà hoặc cơ sở y tế tùy theo tình trạng bệnh.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường sau khi tiếp xúc với người, động vật nghi ngờ nhiễm bệnh.
Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi chăm sóc người bệnh.
Sử dụng vắc xin để phòng bệnh mpox cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Số ca mắc gia tăng nghiêm trọng
Số trường hợp mắc đậu mùa khỉ và tử vong vì căn bệnh này đang gia tăng ở Cộng hòa Dân chủ Congo giữa lúc quốc gia Trung Phi đang chờ vắc xin do Mỹ và Nhật Bản viện trợ.
AFP hôm qua dẫn lời Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Dân chủ Congo Samuel-Roger Kamba cho biết chỉ trong vài ngày, số ca mắc và tử vong tăng từ 16.000 ca bệnh và 548 người chết lên 16.700 ca bệnh và hơn 570 người chết. "Chúng ta đang nói đến tình trạng khẩn cấp khu vực", Bộ trưởng Kamba nhấn mạnh.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh khẩn cấp, Mỹ hứa gửi 50.000 liều vắc xin cho Cộng hòa Dân chủ Congo, trong khi Nhật Bản đồng ý gửi 3,5 triệu liều, nhưng chỉ dành cho trẻ em, theo AFP dẫn một nguồn thạo tin. Ngoài ra, Reuters hôm qua đưa tin Tập đoàn dược phẩm đa quốc gia Emergent BioSolutions (trụ sở ở Mỹ) thông báo về việc gửi tặng khẩn cấp 50.000 liều vắc xin đậu mùa khỉ cho Cộng hòa Dân chủ Congo, cũng như Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda. Tuy nhiên, vắc xin ACAM2000 của Emergent BioSolutions vẫn chưa được Mỹ phê duyệt để phòng bệnh đậu mùa khỉ.
H.G
Bình luận (0)