Nhận biết dị ứng sữa bò ở trẻ nhỏ

09/12/2017 10:01 GMT+7

Dị ứng sữa bò ở trẻ nhỏ có thể không được nhận biết, thậm chí còn “đổ oan” cho bệnh đường tiêu hóa.

Sau thời gian bị nổi mẩn ngứa, bé trai 18 tháng tuổi được mẹ đưa đến khám tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư (Hà Nội). Mẹ của bé cho biết: “Thỉnh thoảng con bị nổi mẩn đỏ xung quanh miệng. Những nốt mẩn này chỉ xuất hiện 5 - 10 phút sau mỗi lần bé uống sữa. Ban đầu, các nốt mẩn xuất hiện xung quanh vùng miệng, có khi lan dần ra mặt rồi cả tay chân và bụng”. Tại phòng khám chuyên khoa dị ứng của BV Nhi T.Ư, sau khi thăm khám và được chỉ định làm test, kết quả cho thấy bé trai dị ứng đạm sữa bò.
Trường hợp khác là bé gái 6 tháng tuổi ở Hà Nội được cha mẹ đưa đến khám do cháu thường xuyên nôn và tiêu chảy, thậm chí có những lần đi ngoài ra máu sau khi uống sữa. Nghi ngờ con mắc hội chứng lị, gia đình đưa bé đến khám tại BV Nhi T.Ư. Sau khi cho con thăm khám, làm các xét nghiệm để loại trừ nguyên nhân bệnh lý, gia đình vô cùng bất ngờ khi được bác sĩ cho biết “thủ phạm” khiến trẻ tiêu chảy kéo dài là dị ứng đạm sữa bò.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Lê, chuyên khoa miễn dịch - dị ứng - khớp (BV Nhi T.Ư), dị ứng đạm sữa bò là phản ứng của hệ miễn dịch của cơ thể trẻ với thành phần đạm trong sữa bò và sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bò. Dị ứng với đạm sữa bò có tỷ lệ mắc phải cao nhất trong các loại dị ứng thức ăn mà trẻ nhũ nhi (mới được sinh ra đến 30 ngày tuổi) và trẻ nhỏ thường hay gặp (khoảng 2 - 7,5% trẻ trong độ tuổi này). Dị ứng đạm sữa bò thường xảy ra từ vài phút đến vài giờ sau khi sử dụng sữa hoặc các chế phẩm từ sữa, và tình trạng này hầu hết sẽ chấm dứt trước khi trẻ lên 3 tuổi.
Bác sĩ Lê cho biết thêm, Khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp (BV Nhi T.Ư) đã tiếp nhận nhiều trường hợp dị ứng đạm sữa bò. Ngoài dấu hiệu nổi mẩn sau khi dùng sữa bò thì những trẻ thuộc nhóm này còn có thể xuất hiện khò khè, nôn ói. Các triệu chứng dị ứng nêu trên có thể xuất hiện ngay sau khi trẻ uống sữa (trong vòng 2 giờ). Một số trẻ dị ứng muộn (trên 48 giờ) thường có một số biểu hiện như đi tiêu phân lỏng, có thể ra máu, tiêu chảy, căng cứng bụng, rất dễ nhầm lẫn bệnh lý đường tiêu hóa.
Chăm sóc trẻ dị ứng đạm sữa bò
Bác sĩ Lê lưu ý thêm, trẻ dị ứng đạm sữa bò có nguy cơ dị ứng thực phẩm khác như trứng, đậu nành, đậu phộng, thịt bò, lạc…; viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng... Những trẻ có bố và/hoặc mẹ có tiền sử mắc các bệnh dị ứng như dị ứng thuốc, mày đay, hen, viêm mũi dị ứng… thường có nguy cơ mắc dị ứng đạm sữa bò cao hơn những trẻ khác. “Khi trẻ được chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò thì cần phải kiêng sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò và nên tránh sử dụng các loại sữa động vật khác. Cần lưu ý thông tin trên nhãn sản phẩm để tránh cho trẻ dùng sản phẩm có đạm sữa bò”, bác sĩ hướng dẫn.
Theo các chuyên gia, dị ứng đạm sữa bò thường chỉ là tình trạng tạm thời và hầu hết sẽ khỏi khi trẻ từ 1 - 4 tuổi. Khi đó bác sĩ sẽ khám, chỉ định cho trẻ thử dùng lại các sản phẩm dinh dưỡng thông thường có chứa sữa bò. Tuy nhiên, việc này cần được theo dõi của bác sĩ.
Nuôi con bằng sữa mẹ là lựa chọn tốt nhất cho trẻ, đồng thời sữa mẹ cũng bảo vệ trẻ tốt nhất khỏi nguy cơ dị ứng thức ăn. Sữa mẹ có thành phần đạm từ người mẹ mà bé có thể dung nạp tốt nhất. Ngoài ra, sữa mẹ còn có những thành phần giúp bảo vệ hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ trước các chất lạ như đạm có nguồn gốc từ thực phẩm.
Nếu bạn không có khả năng nuôi con bằng sữa mẹ và con bạn cũng thuộc nhóm có cơ địa dị ứng, bạn nên đến khám và được bác sĩ tư vấn sử dụng loại sữa phù hợp giúp hạn chế đến mức thấp nhất khả năng gây dị ứng cho trẻ. (Nguồn: BV Nhi T.Ư)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.