Nhận biết sớm bệnh tay chân miệng trở nặng

21/04/2021 08:18 GMT+7

Theo Cục Y tế dự phòng ( Bộ Y tế ), thời tiết đang chuyển sang mùa hè với khí hậu nóng ẩm là thời điểm bệnh tay chân miệng (TCM) ở trẻ em gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng chống.

TCM là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh dễ lây cho trẻ liên quan đến hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay sạch với xà phòng thường xuyên.

Cảnh báo Tay Chân Miệng vào mùa, số ca bệnh nặng gia tăng

Tại Việt Nam, TCM là bệnh lưu hành quanh năm và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố; thường ghi nhận số ca mắc cao vào khoảng từ tháng 4 - 5 và 9 - 10 hằng năm. Trong 4 tháng đầu năm, số ca mắc TCM đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ 2020.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay (ảnh), lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong, nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Theo Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), cha mẹ, người trông giữ trẻ cần lưu ý 3 dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh TCM diễn biến nặng.
1. Quấy khóc dai dẳng kéo dài. Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15 - 20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15 - 20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng, nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.
2. Sốt cao không hạ. Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt paracetamol. Đây là dấu hiệu cảnh báo viêm rất mạnh trong cơ thể, gây nên tình trạng nhiễm độc thần kinh.
3. Giật mình. Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
Nếu trẻ có 1 trong 3 triệu chứng nêu trên, nên đưa trẻ đi khám để được xử trí kịp thời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.