Nhận biết sớm dấu hiệu trẻ tự kỷ

27/01/2024 08:03 GMT+7

Tự kỷ là một rối loạn phát triển lan tỏa với mức độ từ nhẹ đến nặng, thường khởi phát trước 3 tuổi.

Theo Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư (Hà Nội), các đặc điểm chính của rối loạn phổ tự kỷ là trẻ khó tương tác và giao tiếp xã hội, các hành vi và sở thích bị hạn chế và lặp đi lặp lại.

BIỂU HIỆN KHÁC NHAU THEO ĐỘ TUỔI

Mỗi độ tuổi phát triển, biểu hiện tự kỷ ở trẻ sẽ khác nhau. Do đó, cha mẹ cần nắm được các dấu hiệu để kịp thời phát hiện khi trẻ có biểu hiện bệnh và có biện pháp can thiệp phù hợp, mang lại cho trẻ chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Nhận biết sớm dấu hiệu trẻ tự kỷ - Ảnh 1.

Mỗi độ tuổi phát triển, biểu hiện tự kỷ ở trẻ sẽ khác nhau

Shutterstock

Với trẻ dưới 12 tháng tuổi, dấu hiệu mắc tự kỷ thường là: không thể hiện sự thích thú trên khuôn mặt; không giao tiếp bằng mắt; không trả lời khi trẻ được gọi bằng tên; không quay lại xem nơi phát ra âm thanh; không tỏ ra giật mình khi nghe thấy một tiếng động lớn.

Các bé cũng không thể hiện sự quan tâm đến các trò chơi mà các trẻ khác thường chơi và thích thú; không nói bập bẹ hay tạo ra âm thanh như tiếng cười, khóc khi thích thú hay giận dữ một chuyện gì đó; không sử dụng cử chỉ (chẳng hạn như đưa tay về phía cha mẹ khi trẻ muốn được bế).

Với trẻ mới biết đi từ 12 - 24 tháng tuổi, dấu hiệu tự kỷ thường thấy là: trẻ không có cử chỉ (chỉ tay, vẫy tay, bắt tay, nhìn mắt, cười đáp); không bập bẹ nói khi 12 tháng tuổi; không sử dụng các từ đơn khi 16 tháng...

Với trẻ có dấu hiệu tự kỷ, ở nhóm tuổi này, dường như trẻ phớt lờ hoặc không chú ý đến những người xung quanh; luôn lặp đi lặp lại một cử động cơ thể hoặc một hành động nhất định nào đó; đi nhón chân hoặc trẻ không thể bước đi; trẻ bị mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc kỹ năng xã hội.

Dấu hiệu tự kỷ của trẻ từ 2 tuổi trở lên: Trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp với cộng đồng và thích thu mình trong thế giới riêng, ít chơi hoặc quan tâm tới các trẻ khác cùng lứa. Trẻ chỉ thích chơi với một vài đồ vật nào đó, ngắm nghía quan sát hình dạng, màu sắc của chúng nhưng không quan tâm đến công dụng của những đồ vật này; không có trí tưởng tượng sáng tạo trong các hoạt động vui chơi, học tập.

Các trẻ này cũng không có khả năng thích nghi với những thay đổi trong sinh hoạt hằng ngày cũng như môi trường xung quanh và bắt mọi người phải tuân theo một nếp sinh hoạt nhất định. Trẻ có thể kháng cự, không hợp tác hoặc hoạt động quá mức, hiếu động, bốc đồng hoặc hung hăng.

PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG VẬN ĐỘNG CHO TRẺ TỰ KỶ

Theo Khoa Tâm thần - BV Nhi T.Ư, các nghiên cứu cho thấy đa phần trẻ tự kỷ có khó khăn trong phối hợp vận động như: ném bắt, sử dụng đôi bàn tay khéo léo; có thể gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cử động cơ thể và khả năng thăng bằng; dáng đi bất thường (bước đi ngắn, dao động cơ thể không đều, tư thế đánh tay kỳ lạ, đi kiễng gót nhiều...).

Những khó khăn về kỹ năng vận động ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tham gia các hoạt động can thiệp cũng như học tập các kỹ năng về nhận thức, ngôn ngữ và tương tác xã hội của trẻ tự kỷ.

Thạc sĩ - bác sĩ Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần - BV Nhi T.Ư, lưu ý các cha mẹ nên theo dõi quá trình phát triển vận động của trẻ ngay từ giai đoạn sơ sinh để phát hiện sớm những khó khăn về vận động của trẻ. Cho trẻ đi khám ngay sau khi phát hiện những khó khăn về kỹ năng vận động. Cha mẹ nên tạo cho trẻ nhiều cơ hội được sử dụng các kỹ năng vận động trong đời sống hằng ngày, giảm thời gian ngồi trước màn hình thiết bị điện tử; luôn tham gia, đồng hành cùng trẻ trong suốt thời niên thiếu để giúp trẻ tự tin và hỗ trợ trẻ tốt hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.