Ở khu phố Niềm Xá, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, còn một nhân chứng sống của cuộc thảm sát Gạc Ma ngày 14.3.1988.
Ông Nguyễn Sỹ Minh kể lại cho Thanh Niên nghe ký ức về thảm sát Gạc Ma ngày 14.3.1988 - Ảnh: Lê Nam |
Cựu binh tên Nguyễn Sỹ Minh, sinh ngày 15.3.1963, người có mặt trên tàu HQ 604, chứng kiến những làn đạn man rợ của Hải quân Trung Quốc xuống đồng đội mình.
Chúng tôi bước vào một căn nhà ống nhỏ hẹp nằm giữa những căn nhà tầng san sát trong khu phố Niệm Xá. Ánh sáng từ chiếc đèn tuýp mở lúc 12 giờ trưa vẫn chưa đủ làm mặt người trong căn nhà rõ lên. Ông Nguyễn Sỹ Minh, người lính Gạc Ma năm nào dáng người nhỏ thó, chân run rẩy, vịn thành ghế bước ra, biết tin có người sang thăm và muốn nghe câu chuyện của ông ở trận chiến Gạc Ma 28 năm trước, ông niềm nở bắt tay, mắt rưng rưng.
"Tôi từng nghĩ đến cái chết, nhưng không run sợ"
“Thực hiện đúng chủ trương quyết tâm bảo vệ biển đảo Tổ quốc, từ đêm 11.3, tôi nhận được lệnh lên tàu HQ 604 di chuyển từ căn cứ công binh 83 sang Gạc Ma. Tôi biết nhiệm vụ trước mắt vô cùng gian nguy, tôi có viết lại một lá thư gửi cho thủ trưởng tôi, nhờ gửi cho bố tôi ở quê nhà, nếu tôi có ra đi và không bao giờ trở lại. Lá thư có viết mấy dòng, “bố ơi, bố nuôi nấng em trai giúp con”. Tôi lên tàu 604, trong ba lô trên vai chỉ có hai bộ quần áo, vừa đi tôi vừa nhẩm câu hát Bản tình ca đầu tiên, ra đời trên biên giới”, ông Nguyễn Sỹ Minh nhớ lại.
Quyết định phục viên của ông Nguyễn Sỹ Minh do Thiếu tướng Trần Đức Long ký và đóng dấu ngày 1.4.1991. Theo thời gian, tờ giấy này không còn nguyên vẹn - Ảnh: Lê Nam
|
“Đêm 13.3, các tàu lớn của Trung Quốc áp sát tàu 604, dùng loa khiêu khích, chạy quanh đảo Gạc Ma uy hiếp cán bộ chiến sĩ trên tàu, chúng tôi động viên nhau giữ vững ý chí, không mắc mưu kẻ thù. Ngay trong đêm 13.3, theo lệnh của chỉ huy, chúng tôi thả thuyền nhôm, chuyển vật liệu xây dựng từ tàu 604 lên đảo ngay trong đêm”, ông Nguyễn Sỹ Minh kể.
“Sáng sớm 14.3, tàu Trung Quốc bủa vây chúng tôi. Đó là một cuộc chiến không cân sức. Tàu của Trung Quốc đều là những tàu lớn, hiện đại, họ siết vòng vây và nã đạn liên tục vào tàu. Tôi đã tận mắt nhìn những đồng đội trên tàu mình ngã xuống, những hình ảnh ngày 14.3 vẫn chưa thể nào quên trong tâm trí tôi”, ông Minh xúc động.
Cựu binh năm xưa kể lại, đã có lúc ông nghĩ rằng mình có thể sẽ chết, nhưng ông không run sợ, khi tàu 604 sắp chìm, ông vẫn động viên đồng đội cùng nghĩ cách thoát ra khỏi tàu bằng các thuyền nhôm, thuyền cao su. Sau nhiều giờ lênh đênh giữa biển khơi, ông Nguyễn Sỹ Minh được đồng đội trên tàu HQ 505 cứu.
Cựu binh Gạc Ma chưa được hưởng chế độ Nhà nước
Ngồi bên cạnh ông Nguyễn Sỹ Minh, bà Nguyễn Thị Xuân, vợ ông, nước mắt chực rơi khi nghe chồng kể lại những năm tháng tưởng đã hy sinh ngoài đảo xa.
“Trong những cơn mê sảng, giữa giấc ngủ trưa hay giữa đêm hôm khuya khoắt, ông ấy cứ tự nhiên bật dậy rồi la lớn những câu khẩu hiệu. Hoặc có khi, ngồi trước các con, ông thao thao kể lại chuyện các chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng như thế nào trên đảo. Những hôm ti vi chiếu các chương trình tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma, ông ấy lặng người, nước mắt cứ chảy ra”, bà Nguyễn Thị Xuân kể lại.
(Từ trái qua) Ông Nguyễn Sỹ Minh, bà Nguyễn Thị Xuân và ông Nguyễn Đăng Nghĩa - Chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh khu phố Niềm Xá và nhà thơ Nguyễn Xuân Dương - người báo những thông tin về ông Nguyễn Sỹ Minh cho báo Thanh Niên - Ảnh: Lê Nam
|
Từ năm 1990, sau khi đi hợp tác lao động tại nước Đức về, ông Nguyễn Sỹ Minh về thành phố Bắc Ninh sinh sống và mưu sinh bằng nhiều công việc khác nhau, từ làm thuê tới phụ xây cho các nhà trong vùng.
Hiện nay, sức khỏe của ông Minh rất yếu, ông đi lại không vững, hay mê sảng. Chi tiêu của cả gia đình trông chờ vào bà Xuân ngày ngày đi bán mớ rau ngoài chợ, cả hai con trai của ông Minh hiện chỉ đang làm công nhân tại địa phương, thu nhập thấp.
Bà Nguyễn Thị Xuân cho biết trong nhiều năm qua, gia đình bà đã làm hồ sơ để ông Nguyễn Sỹ Minh được hưởng chế độ theo quyết định 62/2011/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30. 4.1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc, nhưng đến nay chưa giải quyết được. Bao nhiêu năm qua, ông Nguyễn Sỹ Minh không có bất kỳ khoản trợ cấp, bảo hiểm y tế nào.
“Chúng tôi gửi hồ sơ và chưa nhận được bất cứ phản hồi nào của phòng lao động thương binh và xã hội ở phường, thành phố hay tỉnh Bắc Ninh. Chúng tôi cũng không biết mình đã thiếu những giấy tờ gì, còn cần bổ sung những giấy tờ gì nữa”, bà Xuân thắc mắc.
Ông Nguyễn Sỹ Minh từng viết đề nghị tặng thưởng huy chương chiến sĩ vẻ vang, Hạng 3 - Ảnh: Lê Nam
|
Ông Nguyễn Đăng Nghĩa, Chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh khu phố Niềm Xá xác nhận với chúng tôi thông tin ông Nguyễn Sỹ Minh, một cựu binh Gạc Ma đang có hoàn cảnh rất khó khăn.
“Chúng tôi cũng hỗ trợ anh Minh trong việc xin chế độ hỗ trợ theo quyết định 62 của Thủ tướng chính phủ nhưng đến nay chưa thấy hồi âm”, ông Nguyễn Đăng Nghĩa cho biết.
Dù cuộc sống còn đầy khó khăn nhưng người cựu binh năm xưa vẫn đau đáu với biển đảo quê hương: “Tôi muốn trở lại chiến trường xưa, tôi muốn một lần được ra Trường Sa mà không biết phải làm sao. Tôi có còn khỏe để đi được không?”, ông Nguyễn Sỹ Minh níu tay chung tôi hỏi mãi.
Tại gia đình của bà Nguyễn Thị Xuân hiện nay vẫn còn lưu lại một số giấy tờ ghi lại thời gian công tác trong quân đội của ông Nguyễn Sỹ Minh. Trong đó, đáng lưu ý là quyết định phục viên do Thiếu tướng Trần Đức Long ký và đóng dấu ngày 1.4.1991.
Quyết định phục viên này ghi rõ:
Ông Nguyễn Sỹ Minh
Quê quán : Thanh Lương, Thanh Chương, Nghệ An
Cấp bậc: Thượng úy
Quá trình công tác trong quân đội
Tháng 1.1982 đến 5.1982 chiến sỹ D 13 F 441
Từ tháng 6.1982 đến tháng 9.1983 chiến sỹ E487 F 309 mặt trận 479
Từ tháng 10.1983 đến tháng 7.1986 Học viên trường sỹ quan chính trị quân sự
Từ tháng 8.1986 đến tháng 10.1988 Trợ lý chính trị E83 Quân chủng Hải quân (Trung đoàn công binh 83).
|
Bình luận (0)