Hôm qua (24.12), tờ South China Morning Post đưa tin kể từ khi bắt đầu vào tháng 11, khoảng 60 ngân hàng của Trung Quốc đã hỗ trợ thanh khoản lên đến 4.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 573 tỉ USD) cho các công ty bất động sản (BĐS), mà trong đó chủ yếu là giãn nợ.
Thị trường BĐS của Trung Quốc đang đối mặt nhiều khó khăn |
AFP |
Hỗ trợ cho các doanh nghiệp BĐS “chất lượng cao”
Trước đó, từ tháng 11, Trung Quốc khởi động chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp BĐS. Tuy nhiên, kế hoạch hỗ trợ của Trung Quốc không áp dụng rộng rãi mà có chọn lọc, kèm theo mục tiêu rõ ràng. Reuters dẫn nguồn tin thân cận với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC - giữ vai trò là Ngân hàng T.Ư Trung Quốc) cho hay cơ quan này đang soạn thảo một “danh sách trắng” gồm các nhà phát triển BĐS quan trọng, hoạt động có hệ thống và chất lượng tốt để tiến hành tài trợ nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính. PBOC cùng Ủy ban Điều tiết hoạt động kinh doanh bảo hiểm và ngân hàng (CBIRC) đưa ra kế hoạch 16 điểm để hỗ trợ thị trường BĐS đợt này.
Nội dung hỗ trợ còn bao gồm mục tiêu sáp nhập và mua lại những dự án thiếu hiệu quả, thiếu chất lượng. Chương trình hỗ trợ cũng tập trung vào một mục tiêu quan trọng là nhắm đến đối tượng mua nhà. Điển hình như sẽ hỗ trợ người mua nhà để ở trong quá trình thế chấp, vay nợ. Với những trường hợp người mua gặp khó khăn về tài chính do tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập không ổn định bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến không tuân thủ tiến độ thanh toán, cơ quan chức năng sẽ xem xét không hạ điểm tín nhiệm tín dụng.
Theo tờ China Daily, kế hoạch 16 điểm trên đặc biệt dựa trên quan điểm “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”. Đây chính là quan điểm mà Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhấn mạnh để phát triển một thị trường BĐS lành mạnh và bền vững ở nước này.
Chưa thể sớm giải quyết
Theo tờ South China Morning Post, dù được hỗ trợ như trên, nhưng các nhà phát triển BĐS Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn.
Trước hết là chính các nhà phát triển BĐS Trung Quốc vẫn đang phải xử lý nhiều vấn đề về nợ nần. Tờ báo dẫn số liệu từ Bloomberg cho biết lĩnh vực BĐS Trung Quốc phải xử lý khoản nợ tới hạn lên đến 292 tỉ USD vào năm 2023, trong đó có đến 72,3 tỉ USD phải trả ngay trong quý 1/2023. Còn theo Tập đoàn tài chính JP Morgan ước tính khoảng 39 nhà phát triển BĐS Trung Quốc đang phải xử lý các khoản nợ có tổng lên đến 117 tỉ USD.
Ảnh hưởng không chỉ riêng Trung Quốc
Giữa tháng 12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố báo cáo kinh tế cập nhật về tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC). Theo đó, ADB đánh giá với Trung Quốc thì tình hình thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn cũng khiến triển vọng tăng trưởng của nước này trong năm nay bị hạ thấp từ mức 3,3% (theo báo cáo hồi tháng 9) xuống còn 3%, và dự báo tăng trưởng năm sau giảm từ mức 4,5% (theo báo cáo hồi tháng 9) xuống còn 4,3%.
Trong khi đó, giá BĐS của Trung Quốc lại đang có xu hướng giảm xuống sau một thời gian dài phát triển quá nóng. South China Morning Post dẫn một số nghiên cứu cho thấy người dân Trung Quốc phải tốn đến 69% số tiền tiết kiệm được để mua nhà, trong khi tỷ lệ này tại Mỹ chỉ 35%.
Sở dĩ giá nhà đất ở Trung Quốc tăng cao vì quá trình phát triển nóng đã thu hút dòng tiền đầu tư. Đặc biệt sau những biến động từ thị trường chứng khoán giai đoạn 2008 - 2009 thì càng khiến dòng tiền đổ vào thị trường BĐS nhiều hơn trong một thập niên qua. Ước tính, từ nay đến năm 2035, Trung Quốc chỉ cần khoảng 10 triệu căn nhà mới mỗi năm để đáp ứng nhu cầu nhà ở, tức chỉ bằng 50% so với số lượng căn nhà được bán ra trong năm 2021. Hiện mỗi năm Trung Quốc vẫn đang xây mới khoảng 10 - 18 triệu căn nhà.
Không những vậy, do giá nhà giảm xuống thì khả năng những người từng đổ tiền đầu tư vào BĐS sẽ càng có động lực bán ra những BĐS mà họ đang sở hữu, dẫn nguồn cung tăng lên, càng khiến giá cả giảm xuống. Điều này sẽ càng khiến các nhà phát triển BĐS thêm khó khăn.
Dự kiến, doanh thu thị trường BĐS Trung Quốc năm 2022 vào khoảng 13.000 tỉ nhân dân tệ - giảm 28% so với năm 2021, và đà giảm sẽ còn tiếp tục trong năm 2023.
Bình luận (0)