Nhàn đàm: Báo và nhà báo

20/06/2021 06:36 GMT+7

Tôi vừa tiếp chuyện một vị khách. Anh ta đến Văn phòng Báo Thanh Niên để nhờ can thiệp một vụ tranh chấp. Tôi hỏi anh ta một câu mà tôi thường hỏi nhiều bạn đọc ghé văn phòng để “nhờ can thiệp” một việc nào đó oan ức: “Anh có hay mua và đọc Báo Thanh Niên không ạ?”. Anh ta thật thà: “Tôi bận lắm anh, không có thời gian để mua và đọc báo nữa”.

Trong mắt một số người, tờ báo và nhà báo là nơi để giải oan cho họ. Còn nhà báo sống bằng gì thì họ không quan tâm.
Bất cứ một nhà báo nào khi viết những vấn đề nóng của địa phương mà mình phụ trách, cũng đều muốn các vị lãnh đạo ở đó đọc và phản hồi. Tôi cũng thế, bài báo đăng hôm trước, hôm sau đã gặp ngay vị lãnh đạo của địa phương mà tôi vừa viết: “Anh đọc bài báo tôi viết chưa ạ?”. Vị lãnh đạo thoáng một chút ái ngại rồi nói: “Tôi bận quá nên cũng chưa xem bài báo ấy anh à”. Một đồng nghiệp nghe cuộc nói chuyện ấy, ghé tai tôi nói nhỏ: “Anh có viết đích danh ông ấy đâu mà bảo ông quan tâm”.
Trong suy nghĩ của một số vị lãnh đạo ở các địa phương, báo chí hoặc là công cụ để “ngợi ca” các vị ấy, hoặc để làm những việc… ngoài chức năng của báo.
Nhưng không phải tất cả đều ứng xử với báo và nhà báo như cái ông bạn đọc kia và vị lãnh đạo nọ. Cách đây mấy năm, có một vụ chìm tàu đánh cá ngoài biển, vừa cập bờ, việc đầu tiên là ông trưởng tàu gọi điện cho… nhà báo. Không phải ông ấy nhờ đưa tin mà để xin cứu trợ. Hỏi sao không gọi chính quyền mà gọi chúng tôi, ông ngư dân khai thiệt: “Gọi nhà báo cho chắc, họ xử lý nhanh, không lục vấn giấy tờ các kiểu mà chỉ cần quan sát thực tế”. Hẳn ông trưởng tàu và số bạn chài của ông chưa từng đọc báo, mua báo lại càng không nhưng luôn “tin ở nhà báo”. Còn nhà báo chúng tôi thì luôn tin ở sự thật thà của những người gặp hoạn nạn cần giúp đỡ như thế. Không cứ gì bạn phải mua báo, nhà báo mới quan tâm đến.
Lũ lụt, sạt núi, lở đèo chôn vùi hàng chục mạng người hồi cuối năm rồi. Nhà báo không đến hiện trường cũng chả ai trách, nhưng họ đã theo chân lực lượng cứu hộ để lên đường. Và rồi họ đã trở thành nạn nhân của thiên tai.
Tôi dẫn ra vài điều trên đây không phải để “kể công” cho nhà báo mà để cắt nghĩa vì sao một khi đất nước gặp khó, hễ thấy cơ quan báo chí kêu gọi là có ngay hàng trăm ngàn bạn đọc chìa tay ra để chia khó với đồng bào mình. Bởi vì họ tin ở chúng tôi, như chúng tôi đã tin ở họ.
Hằng ngày, các nhà báo luôn song hành với hai mặt của đời sống như thế. Có thể gặp những chuyện kém vui, thậm chí rất muộn phiền, song mỗi nhà báo đều tin ở sự lương thiện và tử tế. Chính niềm tin đã níu giữ và kết nối giữa chúng tôi với ngàn vạn cuộc đời này.
Vì thế, chúng tôi muốn nói thêm một tiếng “cảm ơn” đến tất cả nhân ngày Nhà báo Việt Nam 21.6 này!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.