Năm đó, bác sĩ họ Đỗ bị lên bàn phẫu thuật, sau ca “đục sọ” thập tử nhất sinh và sau thời gian khá dài nằm trong phòng hồi sức, ông dần ý thức mình sống lại. Hé mở đôi mắt, hình ảnh đầu tiên mà ông thấy được là một chiếc lá vàng cong queo trên bệ khung cửa sổ. Ông nhìn nó hồi lâu và trong tâm cảm của người vừa quay về từ cửa tử, ông thấy chiếc lá khô thật sự là một báu vật. Những đường gân lá được cấu trúc vi tế diệu kỳ. Đường viền răng cưa quanh chiếc lá ánh lên những nguồn sáng lung linh. Dù đã rời cành nhưng ông dường như thấy nó đang mang sự sống khác, có gì đó như là hơi thở nhè nhẹ từ sắc vàng đằm thắm. Ông mở mắt nhìn rộng ra, chiếc lá trong tương quan với khung cửa và những tia nắng xiên chéo qua tấm rèm kéo lửng tạo thành một bức tranh sâu thẳm ý nghĩa sự sống...
Thái độ sống biết trân quý những gì tạo hóa ban cho quanh mình để đời sống con người được phong phú cũng là một phần trong đức tính hướng thượng. “Thấy gì cũng đẹp”, ngộ được bốn chữ này sẽ giúp những người dù sa chân lỡ bước, dù chủ động chọn lựa hay hoàn cảnh đưa đẩy cũng đều có được những ngày tháng sống an nhiên tự tại.
Trong mùa dịch Covid-19, không đi làm được, hằng ngày tôi ra phía sau nhà hái lá bạch đàn về nấu nồi xông, xông cho mình và cho nhà. Rừng bạch đàn lớn thật nhanh, mới đó mà tất cả đã vút lên thẳng thớm, ken dày. Bầu trời bên trên như được thêu dệt thành một tấm mành ren khổng lồ, với nhiều họa tiết kết hợp độc đáo đều đặn hun hút về xa. Những chùm lá non hồng hồng cong nhẹ, đong đưa tay vẫy, những chùm lá bạc lóng lánh nụ cười, tất cả đang cố khơi gợi một ý nghĩa huyền bí gì đó. Bỗng nhiên có cơn gió ùa đến, những ngọn cây đồng loạt nghiêng qua, nghiêng lại nhịp nhàng như sóng biển. Và nữa, những bầy ong vàng nâu bỗng từ đâu xuất hiện, phát ra những tiếng vo ve, u u, chúng đang hút mật hoa và đang thêu dệt gì đó nơi màn trời lấp ló hoa vàng và lá đỏ. Tôi tiến sâu vào rừng bạch đàn dăm mươi bước nữa, chìm ngập trong lòng một niềm vui mới mẻ. Tôi yên lặng ngất ngây ngắm nhìn và xúc động. Đẹp đến nghẹt thở! Rừng cây lạ lùng này ngay phía sau nhà tôi mà giờ tôi mới nhận ra.
Một họa sĩ bạn tôi nói, nhà văn cũng như người làm nghệ thuật thị giác (Visual Art) luôn thấy gì cũng đẹp, từ vật vứt đi đến cành cây, con vật đang sống, từ vẻ bất động buồn bã héo rũ đến những hành vi bất chợt, mạnh mẽ, từ mưa đến nắng, từ bão đến lặng, từ sần sùi đến mướt láng… Người thấy gì cũng đẹp là người đã lĩnh hội trọn vẹn nghệ thuật thị giác. Tuy nhiên, nói vậy là nói thuần về công việc sáng tạo. Điều tôi muốn chia sẻ là việc áp dụng nó vào đời sống, để dìu ba đào về chân trời khác và để sống an nhiên tự tại giữa những nơi đìu hiu hút gió hoặc với người có đời sống quạnh hiu, một cách tương tự như thiền bất cứ nơi đâu mà có lần thầy Nhất Hạnh đã dạy.
Cái đẹp không mang lại trực tiếp cơm gạo nhưng nó làm cho những người làm ra cơm gạo thấy hạnh phúc và biết quý trọng đời sống.
Bình luận (0)