Nhàn đàm: Cải lương… thương quá đỗi

18/09/2022 08:30 GMT+7

Ai đã từng nghe cải lương rồi sẽ mê như điếu đổ. Ngày xưa, nếu có gánh cải lương về xã thì dù có đầu tắt mặt tối cũng sắp xếp để đi nghe.

Không hiểu sao cải lương lại có sức quyến rũ đến lạ. Bất kể trẻ già, đàn bà, đàn ông, đều bị những làn điệu cải lương làm cho mê mẩn.

Cái thời “xưa thật là xưa nhớ mấy cho vừa”, mỗi lần có gánh cải lương về là xóm làng vui như mở hội. Ông mặt trời tan ca là gánh cải lương sáng đèn. Bà con lối xóm lũ lượt kéo nhau đi về phía sân bãi xem hát. Tiếng nói cười rộn ràng phá tan giấc ngủ của con đường làng.

Ngày ấy, làm gì có ghế để ngồi. Người xách gạch, kẻ lót dép… mà ngồi nghiêm chỉnh, thẳng lối ngay hàng. Sân bãi ngày thường, đàn bò đi cả buổi mới hết. Vậy mà đêm xem hát, chẳng đủ chỗ cho bà con. Hồi xưa đoàn bán vé chứ không “diễn chùa”. Con nít đứa nào muốn coi thì phải có người lớn bảo lãnh, không thì khó lòng được xem.

Riêng tôi được đặc cách và không ngồi phía dưới sàn diễn. Vì ông ngoại tôi là ông bầu và kiêm luôn kép hát. Tôi thường nép trong cánh gà nghe hát, xem cận cảnh và biết hết các “đồ chơi” của nghệ sĩ. Từ chuyện bắn súng giả sao cho có tiếng nổ, đến việc bay trong mấy tuồng kiếm hiệp hay đánh chưởng sao cho ra khói…, tôi rành sáu câu.

Hồi đó, sân khấu đơn sơ lắm. Sàn diễn lót ván gỗ, chỉ có vài ánh đèn xanh đỏ, một tấm màn nhung đỏ như son. Nhưng nghệ sĩ ca thì ngọt như mía lùi. Dưới sân khấu mà nghe xuống vọng cổ là vỗ tay như sấm dậy. Ai nấy say sưa nghe ca cho tới khi hết nhịp. Ai bảo cải lương buồn ngủ? Thời tôi còn tí xíu cho tới giờ, chưa khi nào tôi thấy ai đi xem cải lương mà ngáp ngắn ngáp dài cả. Bởi cải lương khiến người ta thích thú. Giọng ca mùi mẫn ru hồn chứ không ru ngủ. Những lớp tuồng khiến người ta thích thú, háo hức, đợi chờ đến nỗi không dám chớp mắt. Dù trời khuya, sương lạnh nhưng ai nấy tỉnh rụi. Chừng nào màn đóng người ta mới rủ nhau đi về. Nhiều người cuồng cải lương tới nỗi tuồng gì, lớp nào, nhân vật nào sắp xuất hiện, nhân vật ca gì…, họ biết tuốt. Họ thuộc nằm lòng.

Rồi xã hội đổi thay, sự phát triển của các phương tiện nghe nhìn đã khiến cải lương dần dần vắng bóng, chỉ còn tìm thấy ở miền Tây Nam bộ hay trong các nhà hát cải lương. Mặc dù sau này, các đoàn hát được đầu tư nhiều hơn, hiện đại hơn nhưng đã mất đi không khí ngày nào.

Hôm lễ 2.9 vừa rồi tôi về quê, một làng nhỏ ở Quảng Ngãi. Vô tình biết có một đoàn cải lương từ Nha Trang ra biểu diễn. Tôi đến xem. Nhìn thấy từ sân khấu, diễn viên, cách bài trí…, ôi sao mà giống ngày xưa quá. Tôi thốt lên: “Đây mới đúng là cải lương!”. Đó là đoàn cải lương mà lâu rồi tôi chưa được thấy. Vì cải lương xưa, nghệ sĩ phải ngủ dưới sàn diễn, nấu cơm cho nhau ăn, có những đêm mưa phải đóng màn, khán giả ngồi xem ở “rạp hát ngàn sao” thì mới đúng bài.

Đoàn cải lương hôm ấy về diễn không bán vé. Tôi đi sớm và ngồi hàng đầu tiên. Một vài trích đoạn cải lương được đưa ra mào đầu, nhưng khi xuống vọng cổ thì chẳng có tiếng vỗ tay nào cả. Tôi ngó lại chỉ thấy loe ngoe vài người, hàng ghế trống trơn. Nghệ sĩ người nào người nấy áo mão xênh xang, sân khấu lộng lẫy, nhưng gương mặt ai nấy đều thể hiện vẻ trầm tư, ảo não. Lòng tôi cũng đằm một nỗi buồn tê tái. Thương cho những nghệ sĩ và thương cải lương quá đỗi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.