Ví như thăm nom, tán gẫu, dạo chơi, đọc sách, ngồi một mình ngẫm ngợi... Tất cả chỉ vì ý nghĩ: mình bận rộn, nên luôn cần cân đo xem người đó, việc kia có ích hay không đã.
Xưa, chị bước hầu như không chạm đất, dáng người giống hệt đang chạy lướt về phía trước. Nếu bảo chị dừng lại mà ngó về đằng sau, xem mình vì vội mà đã bỏ lỡ những gì, chị sẽ cười thật nhiều vì “đó không phải thói quen”. Vậy mà cuối cùng chị cũng đã “ngộ” ra, nhanh không hẳn lúc nào cũng tốt. Sau các va vấp mất mát, sau nhiều mỏi mệt bon chen cấp tập, chị xa xót hiểu rằng, hóa ra chị bấy lâu tất tả đến quên cả chính mình. Cũng may là còn kịp...
Chị vẫn không quên cái hôm tự mình mở đĩa nhạc êm dịu ưa thích, bật âm thanh vừa đủ nghe. Rồi kéo từ trong góc ra cái thảm tập, trải sẵn, sau đó đi pha một ly trà xanh. Xong xuôi, chị mở điện thoại ra ôn lại bài thể dục. Ngay gần chỗ chị tập là lối ra ban công. Ở đó, bầu trời lẫn cây cối bên ngoài đang tươi xanh hữu tình quá mức...
Trong clip hướng dẫn bài tập của chị có câu “Động tác được thực hiện càng chậm, bài tập càng hiệu quả”. Những người quen với việc tập thể dục chắc đều thấm cái khái niệm “chậm” này. Nó mang một chút gì như “bản lĩnh” và cũng chứa đầy hấp dẫn. Chậm thôi, chậm lại, chậm nào. Nhưng không có nghĩa là ngừng hẳn đâu, nhớ nhé. Khó nhất là vẫn chuyển động trong chậm rãi. Chính cái sự “chậm” này mới phát huy nhiều nhất năng lượng, sự dẻo dai, khéo léo, kiên nhẫn và cả tình yêu đối với một việc gì đó thì phải. Cũng nhờ cái “chậm” này mới khiến mình trải nghiệm trọn vẹn và thăng hoa với từng khoảnh khắc cuộc đời.
Người ta từng có lúc lầm tưởng rằng, càng sống nhanh sống vội thì càng tận hưởng cuộc sống được nhiều nhất. Lầm nhé! Sống chậm mới khó. Mới nắm bắt được mỗi phút giây mình đang tồn tại có ý nghĩa to lớn tới mức nào. Mới biết cơn gió cuối năm có hương vị gì, mùi của mấy món ăn trong căn bếp ấm áp đang tỏa ra bao gồm những thức gì. Tập sống chậm thật ra không dễ, nhưng chẳng khó tới mức lo bỏ cuộc. Từ ăn chậm, nhai chậm, chậm ngồi vào bàn, tức là đừng ăn khi chưa thấy mình đói, mình thật sự nạp vào năng lượng, đừng hấp tấp qua loa khi chưa đông đủ người mình muốn cùng họ dùng bữa... Nói chậm chớ đừng chen ngang “giành đường vượt ẩu”, nói mà chưa kịp suy nghĩ dễ khiến người thân phải tổn thương. Dọn dẹp cũng chậm thôi, để có thể chạm tay vào từng ký ức dịu dàng...
Điều quan trọng nhất, là bạn có đủ chậm để ngộ ra cái sự hay ho của nó hay không, trước khi bắt đầu?
Bình luận (0)