Nhưng, nơi đó vẫn vắng lặng, buồn hiu với những cơn gió bấc se sắt lòng. Mẹ vẫn chưa về! Xung quanh tôi, ngang nhà tôi, bên sông, đám trẻ con đang tíu tít vui đùa, xênh xang áo quần mới, giày dép mới tung tăng. Còn tôi, chỉ có hai bộ đồ cũ và đôi dép vá mấy lần bằng chỉ. Trong bếp, là ơ cá lòng tong kho khô tôi câu được hôm qua. Mặc cho mai vàng rộn rã nở đón giao thừa, mặc cho mùi thịt kho, mùi mứt dừa, mùi bánh phồng, bánh tráng nướng, mặc cho màu dưa hấu thằng Ngoan kế bên nhà khoe với tôi vì má nó mới xẻ cho ăn đầy "quyến rũ", tôi vẫn hướng mắt đau đáu về phía đầu vàm. Vậy mà nơi đó vẫn vắng tênh và xám xịt một màu chiều tàn cuối năm.
Tôi là đứa con ngoài giá thú, mẹ tôi ra riêng với hai bàn tay trắng, bươn chải đủ cách để nuôi tôi ăn học. Hai mẹ con nương nhau mà sống. Được một người bà con cho mượn chiếc ghe nhỏ, mẹ tôi cũng bắt chước một số người trong xóm chèo ghe vào vùng Đồng Tháp để buôn gạo lậu. Chuyến nào thoát được mấy cái "trạm" thì có cái để nhét vào bụng, còn bị bắt thì vốn lời mất trắng. Và chuyến đi này, hơn một tuần rồi (thay vì bốn, năm ngày như thường lệ), mẹ vẫn chưa về. Trước khi đi, mẹ xoa đầu tôi: Vái trời chuyến này đi suôn sẻ, về có tiền mẹ sẽ sắm đồ tết cho con, rồi mua dưa thịt cúng ông bà. Vậy mà, hoàng hôn đỏ ối cuối vàm sông đêm ba mươi tết vẫn trống lõng, hun hút bóng mẹ.
Đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, đời sống rất khó khăn nhưng tết vẫn đậm tình người, tình đời. Không gian tết xưa rộn ràng khi bắt đầu bước vào tháng chạp. Sự thiếu thốn lưu cữu, nên mỗi năm có một dịp tết người ta dồn hết chi phí cho những ngày này, để người thân, con cái mình không thua sút hàng xóm, bạn bè. Đầu tháng chạp mấy bà, mấy chị lục đục xay bột để tráng bánh tráng sớm, xay tay (sau này có máy xay bột thì tiện lợi hơn). Và, cái mùi khói lá dừa, củi dừa nhóm lửa cho nồi nước tráng bánh gần sáng phảng phất lan tỏa trong không gian gợi thèm cái bánh tráng dừa nướng bằng than gáo dừa thơm phức, giòn rụm; hay cái bánh ướt nhưn đậu xanh, dừa rám chấm nước mắm tỏi ớt ngon mãi trong tiềm thức.
Tới mùng mười tháng chạp, gần sáng bắt đầu nghe những âm thanh huỳnh huỵch, huỳnh huỵch quết bánh phồng, âm thanh báo hiệu mùa xuân đang tràn về. Rằm tháng chạp, đã coi như bắt đầu bước vào mùa tết khi nhà nhà, người người đổ ra sân, ra vườn lặt lá mai. Hai mươi tháng chạp đã thấy lác đác những dây lạp xưởng treo bên hông nhà hay phía sau chái bếp; những xề mứt dừa, mứt bí, mứt chùm ruột... phơi trước sân nhà. Hai mươi ba tháng chạp, đưa ông táo về trời thì coi như đã bước vào tết. Mai, vạn thọ bắt đầu bung nụ quanh nhà, dọc đường quê, mùa xuân tràn vào từng ngõ ngách cuộc sống. Tết xưa là vậy, còn bây giờ công nghiệp hết, bánh tráng, bánh phồng, dưa hấu, mứt các loại có quanh năm. Cảm giác "thèm" tết không còn nữa, chỉ có những bông mai, bông vạn thọ là còn tạo chút không khí xuân ở làng quê.
Trở lại chuyện đêm ba mươi Tết Canh Thân, tôi ngồi đợi mẹ mòn mỏi, rồi lủi thủi vào nhà và ngủ thiếp đi trên bộ vạt tre lúc nào không biết. Giữa khuya, giật mình nghe tiếng lục đục ở cầu bến, tôi choàng dậy mở cửa, giọng tắc nghẹn vì vui mừng: Mẹ...! Chỉ vài phút sau là tôi nghe rộn rã giao thừa. Đó là một cái tết không bánh mứt, không thịt cá, không đồ mới, dép mới, nhưng nó lại là cái tết đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi.
Bình luận (0)