Do sự xếp đặt của lịch sử, thành Hoàng Đế là kinh đô của 2 vương triều (Chămpa và Tây Sơn), qua ba lần đổi tên, từ Đồ Bàn, qua Hoàng Đế rồi cuối cùng là Bình Định.
Từ 1793 đến 1802, thành này là nơi diễn ra liên tục những trận chiến ác liệt giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh, bao nhiêu máu xương đã đổ xuống đây.
Trong đó cảm động nhất là việc sau khi quân Tây Sơn chiếm lại được thành, trước sự can đảm, trung liệt của hai tướng nhà Nguyễn (Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đã tuẫn tiết khi thành Bình Định thất thủ, đồng thời xin tha chết cho quân sĩ trong thành), anh hùng trọng anh hùng, hai tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đã cho an táng tử tế và tha chết cho quân sĩ nhà Nguyễn.
Trước đó 500 năm, trong một cuộc hôn nhân chính trị, Huyền Trân công chúa được gả cho Chế Mân, quốc vương Chiêm Thành, để đổi lấy hai châu Ô, Lý.
Không biết trong những ngày ngắn ngủi làm hoàng hậu Chămpa, Huyền Trân công chúa đã dạo bước những đâu ở thành Đồ Bàn, đứng ở đâu để ngoái trông theo bầy nhạn đang bay về phương bắc cho vơi bớt nỗi nhớ nhà?
“Đến đây, tôi bồi hồi cảm nhận dâu bể thời gian. Dưới chân mình là bao máu xương của tiền nhân. Vẫn như còn nghe đâu đây tiếng voi gầm ngựa hí, tiếng thở dài của công chúa Huyền Trân. Hiếm có nơi nào tạo cảm xúc đặc biệt như thế”, nhà thơ chia sẻ.
Theo mạch cảm xúc ấy của ông, tự nhiên trong tôi cứ vang lên bài ca Huế Nước non nghìn dặm, viết về mối tình duyên lịch sử Huyền Trân - Chế Mân: “Mối tình chi/Mượn màu son phấn/Đền nợ Ô, Lý/Xót thay vì/Đương độ xuân thì/Số lao đao hay là nợ duyên gì?/... Khúc ly ca sao còn mường tượng nghe gì/Thấy chim hồng nhạn bay đi”.
Những triều đại hưng rồi phế, những ngai vàng, lầu son gác tía rồi cũng thành tro bụi. Chỉ còn đó nỗi buồn của Huyền Trân công chúa và sự hy sinh cao cả vì đất nước của bà. Lịch sử đã chọn bà làm nhân vật chính của một cuộc hôn nhân lịch sử. Thật phũ phàng nhưng cũng thật vĩ đại!
Đứng giữa nền thành cũ, nghe trong gió ngàn năm thổi về, chợt như thấy một cánh hồng nhạn bay đi.
Bình luận (0)