Mỗi dịp xuân về tết đến, lại miên man nhớ về ánh lửa nấu bánh tét, tỏa đượm từ những gốc sim quê nhà.
Cây sim, ngày trước mọc rất nhiều ở vùng trung du các tỉnh miền Trung. Đồi núi nhấp nhô, sim vô tư mọc lên khắp mọi chỗ. Nhiều đến nỗi người đi hái trái sim nhưng đôi khi gặp những bụi không phải hái, chỉ đưa nón hứng và rung cành là sim chín rụng từng vốc tay. Đó là mùa sim vào dịp giữa cho đến cuối hè, sau khi đã ươm đủ nắng gió suốt cả mùa xuân, từ lúc ra hoa cho đến khi trái chín, cũng tròm trèm 4 - 5 tháng. Nhiều sim, ăn vã chơi không hết, người ta làm rượu sim hoặc lựa trái chín nẫu để cho sim lên men, thành một thứ nước giải khát mùa hè hiếm có.
Nhưng, ngoài loại trái nho nhỏ bầu bĩnh ấy ra, sim còn có rất nhiều công dụng khác mà nếu không ở các vùng bán sơn địa thì ít ai biết. Đó là gốc, rễ, thân, lá, chưa kể cái màu tím của hoa sim huyền thoại đã đi vào thơ, nhạc với sự rung cảm tận cùng. Màu tím loài hoa ấy, có lẽ là sắc màu tự nhiên được xưng tụng tuyệt vời nhất, hơn cả nhiều loài hoa được chăm trồng vun xới, tôi nghĩ vậy.
Rồi đến rễ sim, rất cứng và rắn rỏi xòe tỏa dưới gốc. Đào gốc sim về, chặt ra vài nhánh rễ, cạo lớp vỏ mỏng bên ngoài rễ vào bát nước. Thứ nước này sẽ chuyển dần sang tím nhạt và rất dính. Người quê tôi vẫn thường hay dùng để phết như một loại hồ dán lên giấy bổi (loại giấy các cụ ngày xưa thường dùng viết chữ hán, chữ nôm hay viết thư pháp) dán quạt nan hoặc trộn phẩm màu vẽ lên các thanh tre làm vật trang trí cho vui cửa vui nhà.
Lá sim có nơi dùng để nấu uống, nhất là lúc đi hái vào dịp Đoan Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Thân sim dài thẳng, lúc tươi thì dẻo khi khô thì cứng, người nhà quê rất thích làm roi chăn trâu bò hoặc khi cày ruộng vì cầm rất êm tay hoặc cũng có thể làm củi đun, cháy rất lâu.
Nhưng có lẽ cháy đượm độc nhất vô nhị là gốc sim. Cuối hè hoặc chớm thu, lũ thiếu niên chúng tôi ngày ấy thường đi cuốc gốc cây về chất hè nhà, để dành đốt sưởi mùa đông. Một vùng đồi miên man đủ thứ cây mọc thành bờ bụi. Chọn tìm gốc sim già, thường là đã bung hết một thuở thanh xuân hoa trái, bây giờ chỉ còn loi nhoi đôi nhánh. Đào được dăm gốc sim như vậy đem về, để riêng ra nấu bánh tét. Mùa đông, mưa phùn gió bấc lây phây, lấy vào gác giàn bếp cho khô hẳn. Qua tháng chạp, khi dần về cận tết, soạn ra gói và nổi lửa nấu bánh là lúc gốc sim phát huy hết cái tinh chất đượm đà dưới đáy nồi. Chỉ cần dăm bảy gốc sim to là cháy qua hơn một đêm dài. Rừng rực nóng, rừng rực thơm khiến cho đôi khi ngồi sưởi, hình dung cả một vùng đồi sim với mùa hè tím ngắt hiển hiện.
Gốc sim cuối cùng vừa tàn, vớt những đòn bánh tét chín nhuyễn. Nghe như mùi lá chuối vườn xanh phảng phất quyện chút màu sim!
Bình luận (0)