Nhàn đàm: Lúa ơi !

11/04/2021 06:19 GMT+7

Ngày đầu tháng tư, chợt bắt gặp cánh đồng lúa xanh quê nhà qua Facebook của một người thân, trong đó anh ví von rất đẹp: “Cây lúa còng dáng lưng của mẹ...”. Đó là lúc lúa uốn câu, trổ hạt sắp chín. Đọc, cứ hình dung năm tháng nào còn đằm sâu với những mảnh ruộng quê nhà.

Ấy là một quãng thời gian vô cùng gian lao nhưng rất đẹp. Ai đã từng làm ruộng, thì sẽ không quên các thời khắc đi qua một mùa lúa, thao thức khi nước chưa về tưới cho chân lúa mát, náo nức khi mỗi sáng đi thăm cánh đồng xanh thì con gái, cho đến vỡ òa niềm vui khi lúa chín vàng đồng.
Như trong lời bản nhạc xưa của nhạc sĩ Phạm Duy: Mênh mông mênh mông sóng lúa mênh mông, lúc trời mà rạng đông ư rạng đông... (Gánh lúa). Rồi đến mùa gặt thơm cơm mới, màu rơm vàng óng ả khắp những con đường quê, lại liên tưởng đến bản Bức họa đồng quê của nhạc sĩ Văn Phụng: Đồng quê hôm nay vui, vui với thóc lúa mới. Cho bõ công cày cấy bao ngày mong chờ.... Các nhạc sĩ một thời đã rất “nâng niu” lúa, yêu quý tiếng hát của người nông dân, cùng họ vui với niềm vui ngày mùa. Ngày của hạnh phúc ấm no!
Cho đến bây giờ, cây lúa và đồng lúa vẫn cứ “lôi kéo” bao người vào cuộc tìm kiếm. Một vị tiến sĩ sưu tầm, cất công ra nước ngoài để tìm cách “phục hồi” lại giống “lúa de An Cựu” ở xứ cố đô Huế. Giống lúa quý dùng để tiến vua này đã từng đi vào câu ca nổi tiếng đất thần kinh: Tôm rằng bóc vỏ bỏ đuôi. Gạo de An Cựu mà nuôi mẹ già, đã từng được mô tả trong sách Đại Nam nhất thống chí dưới thời vua Tự Đức, đó là giống lúa đặc hữu một thời. Rồi đến câu chuyện mới đây của một vị tiến sĩ khác, ấp ủ suốt 30 năm để tìm cho được “hậu duệ” của giống lúa huyết rồng nổi tiếng thời xa xưa...
Những câu chuyện ấy khiến tôi nhớ lại cách đây 40 năm, khi ba tôi chọn một mảnh ruộng nhỏ nhưng tốt nhất để cấy một giống lúa mà ở vùng Gio Linh (Quảng Trị) quê tôi, người dân địa phương gọi là lúa ngoạt. Giống lúa ấy rất khó trồng, đỏng đảnh với thời tiết, chỉ thích hợp với vài mảnh ruộng sâu, cây lúa cao đến hơn cả mét, năng suất thấp nhưng cực kỳ ngon. Gặt về, sau khi phơi phóng xay giã, nhà tôi chỉ được ăn cơm mới một lần duy nhất với loại gạo ngoạt này. Mở vung nồi, mùi thơm của cơm ngoạt bừng lên háo hức. Mỗi người hai chén, thòm thèm nhưng được chừng đó thôi. Chỉ để thưởng thức hương vị và vui một vụ mùa lúa mới. Rồi sau đó, ba dồn hết mấy thúng lúa ấy vào vài cái ống đựng đạn loại lớn, nhặt được sau chiến tranh, xoay nắp lại để cất giữ cẩn thận.
Để rồi, khi có người nhà hay bà con chòm xóm bị đau ốm hoặc có phụ nữ sau khi sinh, ba tôi lại vần ra ống đạn ấy, dốc ít lúa ra một chiếc mủng (loại thúng nhỏ đựng khoảng vài ba ký), để xay giã đem nấu cháo cho người ốm hoặc cơm đem cho sản phụ. Cơm hoặc cháo loại gạo này nấu ra có màu đỏ nhạt. Kỳ lạ, là ăn vài bữa cơm hoặc cháo, người ốm có thể hồi phục rất nhanh, sản phụ rất mau hồi sức.
Bây giờ, tôi vẫn còn hình dung được mảnh ruộng sâu, những hạt gạo đỏ ấy và niềm vui bừng lên trên mặt người giữa mùa gặt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.